Nên phân bổ tăng trưởng tín dụng theo lĩnh vực và năng lực ngân hàng

(ĐTCK) Đó là khuyến nghị được Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG) đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018, được tổ chức vào ngày 4/7 vừa qua.
Việc phân bổ tăng trưởng tín dụng theo lĩnh vực, theo năng lực của ngân hàng sẽ đảm bảo nguồn tín dụng được cung cấp đầy đủ cho lĩnh vực ưu tiên Việc phân bổ tăng trưởng tín dụng theo lĩnh vực, theo năng lực của ngân hàng sẽ đảm bảo nguồn tín dụng được cung cấp đầy đủ cho lĩnh vực ưu tiên

BWG: 7/23 vướng mắc đã được giải quyết

Ông Nirukt Sapu, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered Việt Nam, Trưởng nhóm BWG cho biết, chủ đề của phiên làm việc của nhóm tại Diễn đàn VBF lần này là về “tạo nguồn vốn cho tăng trưởng bền vững và cung cấp vốn tín dụng và dịch vụ tài chính tốt cho mọi đối tượng có nhu cầu”.

Những mục tiêu này, theo ông Nirukt Sapu, sẽ thực sự đạt được nếu Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục áp dụng chính sách phân bổ tăng trưởng tín dụng theo lĩnh vực và phân bổ tăng trưởng tín dụng căn cứ trên các thế mạnh, năng lực của từng tổ chức tín dụng, trong đó có hệ số bảo đảm an toàn vốn.

“Làm như vậy sẽ bảo đảm nguồn vốn tín dụng được cung cấp đầy đủ cho các lĩnh vực ưu tiên và đến với tất cả những doanh nghiệp hoạt động tốt, có nhu cầu vay vốn, đồng thời cũng kiểm soát được việc cấp vốn tín dụng cho những lĩnh vực có rủi ro cao để đạt tăng trưởng kinh tế bền vững”, ông Nirukt Sapu nói.

Đại diện BWG cũng khuyến nghị Chính phủ và NHNN tiếp tục tập trung vào việc điều chỉnh cơ cấu vốn để giảm quy mô ngành về một số ít ngân hàng có chất lượng. Đặc biệt, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm đến các vấn đề cách mạng công nghiệp 4.0 và số hóa nền kinh tế trong nước theo hướng chủ động, đồng bộ xây dựng khung pháp lý để hỗ trợ nền kinh tế công nghệ số phát triển, trong đó có vấn đề về hệ thống nhận diện sinh trắc học quốc gia và kết nối mạng với các chi cục hải quan trên toàn quốc để giảm gánh nặng hành chính cho ngân hàng.

Liên quan đến việc giải quyết các vấn đề chuyên môn được đưa ra tại các kỳ VBF trước liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, ông Nirukt Sapu đánh giá cao sự hợp tác tích cực của NHNN trong việc giải quyết phần lớn các vấn đề vướng mắc về chuyên môn trong năm qua với việc tổ chức trao đổi, hội nghị, đối thoại thường xuyên, chặt chẽ.

“Trong tổng số 23 vấn đề đã xác định được, có 7 vấn đề đã được giải quyết và 3 vấn đề được NHNN xem xét kỹ và có phương án giải quyết trong thời gian tới”, ông Nirukt Sapu cho biết.

… nhưng vẫn còn những tồn đọng lớn

Được biết, sau các cuộc họp giữa Nhóm Công tác ngân hàng với NHNN cho thấy, vẫn còn nhiều vấn đề kỹ thuật cần phải giải quyết. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là bốn vấn đề tồn đọng lớn lại liên quan đến trách nhiệm thuộc các bộ, ban, ngành khác.

Bốn vấn đề tồn đọng lớn đó, theo ông Nirukt Sapu bao gồm: Thứ nhất là yêu cầu phải có chữ ký “tươi”, chữ ký và nhận xét của kế toán trường trên các chứng từ kế toán. Theo BWG, đây là quy định của chế độ kế toán và có ảnh hưởng lớn đến quan hệ giữa chủ thể với chủ thể và giải pháp sử dụng cổng thông tin điện tử giữa khách hàng và ngân hàng. BWG đề nghị Bộ Tài chính xem xét, cập nhật về vấn đề này để hỗ trợ quá trình số hóa nền kinh tế.

Thứ hai là đồng bộ giữa luật ngân hàng và các luật khác. BWG hiểu rằng các luật định về ngân hàng được ban hành dựa trên các luật cơ sở như Bộ luật Dân sự, nhưng điều này lại gây khó khăn khi thực hiện việc mở tài khoản cho đối tượng không phải là pháp nhân và làm phát sinh vấn đề về ưu tiên chi trả nợ quá hạn; trong đó, cần thu nợ gốc trước lãi theo quy định tại Bộ luật Dân sự. BWG đề nghị Bộ Tư pháp xem xét sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự, để theo đó NHNN sửa đổi Thông tư 32 và Thông tư 39.

Thứ ba là sửa đổi các điều khoản về bù trừ xử lý nợ của Luật Phá sản để tạo điều kiện cho Việt Nam trở thành một đầu mối thực hiện bù trừ cho các giao dịch tài chính. Theo BWG, như vậy sẽ giảm được chi phí vốn, tăng cường quản trị rủi ro cũng như giúp Chính phủ đẩy nhanh việc thực hiện định hướng phát triển thị trường phái sinh của Việt Nam.

BWG cũng cho biết đã nhận được sự hỗ trợ của NHNN và đề nghị Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân Tối cao khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết.

Cuối cùng là vấn đề đã được nêu từ Diễn đàn VBF lần trước, đó là giải pháp về điều chuyển vốn nội bộ để bảo đảm quản lý vốn lưu động và các giải pháp về thanh khoản đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài.

“BWG đã tổ chức hai cuộc hội thảo với NHNN về vấn đề này và nhân đây xin đề nghị Chính phủ giao cho các bộ liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành các quy định cần thiết để thực hiện những giải pháp này”, ông Nirukt Sapu nói.

Đại diện NHNN tại VBF, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc đã giải đáp những ý kiến từ  BWG.

Ông Kim Anh khẳng định, trong thời gian qua, NHNN đã phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với BWG nhằm xử lý những vướng mắc, kiến nghị của nhóm. Theo đó, NHNN đã và đang xử lý những vấn đề mà NHNN thấy có thể xử lý được ngay. Tuy nhiên, có những vấn đề nhìn từ góc độ quản lý ngành ngân hàng cần phải xem xét cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau để đảm bảo mục tiêu an toàn hệ thống, hay có những vấn đề đòi hỏi phải có sự hợp tác với các bộ, ngành có liên quan nên cần có thời gian để xử lý.

Với 4 vấn đề lớn tồn đọng được Trưởng nhóm BWG nêu ra, ông Kim Anh cho biết: “NHNN đã trao đổi và làm việc kỹ thuật với BWG và đã thống nhất trong thời gian tới, Nhóm sẽ trao đổi, làm việc với các cơ quan, Bộ, ngành liên quan khác để giải quyết các vướng mắc và giải thích, làm rõ trách nhiệm của các bên, qua đó NHNN có cơ sở phối hợp với Nhóm để giải quyết dứt điểm các nội dung này”.

Bên cạnh đó, đối với một số vấn đề khác được nêu tại Diễn đàn cũng như trong tài liệu của Diễn đàn, Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ ghi nhận và tích cực phối hợp với các bộ, ngành chức năng để làm việc với các đối tác nghiên cứu, xử lý.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục