Nâng tỷ lệ an toàn vốn, nước đã đến chân (Bài 2): Ép tăng vốn, ngân hàng lộ “gót chân Asin”

(ĐTCK) Năng lực tài chính, chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng đã có nhiều cải thiện, song vẫn tiềm ẩn rủi ro và khi buộc phải tính đúng, tính đủ những rủi ro này theo chuẩn Basel 2, đòi hỏi các nhà băng phải tăng thêm vốn đáng kể để bù đắp.
Để hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn, các ngân hàng cần tăng vốn chủ sở hữu, qua đó nâng tỷ lệ an toàn vốn. Để hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn, các ngân hàng cần tăng vốn chủ sở hữu, qua đó nâng tỷ lệ an toàn vốn.

Bài 2: Ép tăng vốn, ngân hàng lộ “gót chân Asin”

TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam nhận định, trong nỗ lực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu thời gian qua, các ngân hàng phải tự cải thiện lợi nhuận để có nguồn xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, điều quan trọng để hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn là các ngân hàng phải tăng vốn chủ sở hữu, qua đó nâng tỷ lệ an toàn vốn. Thời gian tới, để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo Basel 2, nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng là rất lớn, đặc biệt đối với các ngân hàng thương mại nhà nước.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp thuộc Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 31/12/2018, tỷ lệ an toàn vốn của 4 ngân hàng có vốn nhà nước như sau: Vietcombank 9,85%, VietinBank 9,65%, BIDV 9,02%, Agribank 9,54%.

Mức độ an toàn vốn của các ngân hàng nhà nước đang ở rất sát với “chỉ giới đỏ” và nếu tính theo các quy định khắt khe của Thông tư 41/2016/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020), sẽ có nhà băng không đáp ứng chuẩn an toàn vốn tối thiểu và để đáp ứng yêu cầu này, tăng vốn là một yêu cầu bức thiết.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank chia sẻ, việc tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng hiện nay là đặc biệt cấp bách.

Tỷ lệ an toàn vốn của VietinBank đã giảm tới sát mức tối thiểu theo quy định của pháp luật, trong khi các biện pháp tăng vốn tự có (gồm cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2) đã được VietinBank khai thác tối đa và đã tới hạn theo các quy định của pháp luật.

“Do tỷ lệ an toàn vốn của VietinBank đã tới mức tối thiểu nên từ tháng 9/2018 tới cuối năm 2018, Ngân hàng không thể tăng trưởng tín dụng, trong khi nhu cầu vốn của nền kinh tế đang tăng lên rất lớn. Đặc biệt, trong thời gian tới, tăng trưởng kinh tế của đất nước tiếp tục cải thiện, nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng sẽ tăng lên mạnh mẽ”, ông Thọ nói.

Không tăng được vốn điều lệ suốt ba năm qua, các chỉ tiêu tăng trưởng tại VietinBank đã được khai thác đến gần giới hạn, nhất là về tín dụng.

Do tín dụng vẫn là nguồn chính, đóng góp phần lớn vào lợi nhuận, nên khi tín dụng tăng thấp thì tăng trưởng lợi nhuận cũng hạn chế. Năm 2018, VietinBank báo lãi khoảng 6.834 tỷ đồng, trong khi kế hoạch lợi nhuận (đã điều chỉnh) là 6.700 tỷ đồng,

Tương tự, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho hay, chỉ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước đang ở mức thấp.

Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước quan tâm, có các biện pháp nâng vốn điều lệ cho khối ngân hàng này. Đối với BIDV, trước mắt đề nghị tháo gỡ các điều kiện ràng buộc với nhà đầu tư nước ngoài, để BIDV có thể hoàn tất giao dịch trong thời gian sớm nhất.

Một nghiên cứu của Công ty Chứng khoán TP.HCM nhận định, kế hoạch phát hành cổ phiếu mới cho đối tác chiến lược KEB Hana Bank của BIDV chưa hoàn tất trong năm 2018 sẽ là trở ngại của nhà băng đối với việc mở rộng dư nợ trong năm 2019.

Tỷ lệ CAR thấp, dù theo tiêu chuẩn Basel 1, chính là “gót chân Asin” của BIDV và kéo theo nhu cầu vốn cấp 1 rất lớn trong ba năm tới. Do đó, BIDV là một trong những ngân hàng đã niêm yết có rủi ro pha loãng cổ phiếu lớn nhất.

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho hay, dự phòng khả năng vi phạm tỷ lệ an toàn vốn khi giải ngân cho nhu cầu sản xuất vụ đông xuân, tháng 12/2018, Agribank đã phải huy động 4.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn để tự tăng vốn cấp 2, trong đó đóng góp của người lao động Agribank là không nhỏ.

Với Vietcombank, cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ thông qua bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC) và cổ đông chiến lược Mizuho.

Trong đó, GIC dự kiến nắm 2,55% cổ phần tính theo vốn điều lệ sau giao dịch, còn Mizuho sẽ mua số cổ phần còn lại để cân bằng và giữ tỷ lệ sở hữu 15% sau phát hành.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa chấp thuận việc chào bán riêng lẻ của Vietcombank với lô cổ phần đầu tiên cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Cụ thể, Vietcombank sẽ bán lượng cổ phần tương ứng khoảng 3% vốn điều lệ hiện tại, với tổng giá trị bán có thể đạt trên 270 triệu USD tính theo thị giá cổ phiếu.

Mặc dù “mỗi nhà mỗi cảnh”, song tựu chung, tăng vốn là vấn đề bức thiết đối với 4 “ông lớn” ngân hàng trong năm nay và để tăng được vốn vẫn phải chờ cái gật đầu của cổ đông nhà nước.

Bài 3: Không thực hiện Thông tư 41, “bức tranh” sẽ chuyển màu xám

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục