Muôn nẻo lý do khó thu hồi nợ xấu

(ĐTCK) Tốc độ xử lý nợ xấu chậm đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng có một phần từ chính cách hành xử của ngân hàng.
Việc thu hồi các khoản nợ xấu luôn là cơn đau đầu của nhiều ngân hàng Việc thu hồi các khoản nợ xấu luôn là cơn đau đầu của nhiều ngân hàng

1. Việc phát mại bất động sản để thu hồi nợ xấu của ngân hàng gặp muôn vàn khó khăn nếu khách hàng không tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm. Nếu ngân hàng xử lý không khéo còn dẫn đến những câu chuyện “đáo tụng đình” kéo dài nhiều năm.

Cuối tháng 9 vừa qua, một ngân hàng thương mại bị rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi hợp đồng ủy quyền đấu giá nhà đất, là tài sản đảm bảo của khách hàng có nợ xấu, bị tuyên vô hiệu. Để có thể phát mại tài sản đảm bảo thu hồi nợ, ngân hàng này phải tiến hành thủ tục khởi kiện lại từ đầu vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Đây là khoản nợ khó đòi từ năm 2010 có giá trị 1,8 tỷ đồng, một con số không lớn, nhưng ngân hàng khó xử lý dứt điểm. Bên vay là Công ty TNHH Thương mại Công nghệ Xây dựng Huy Hoàng đã chây ỳ trả nợ nhiều năm.

Đầu năm 2014, ngân hàng ủy quyền cho CTCP Đầu tư Thương mại và Đấu giá Hoàng Gia thực hiện đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty Huy Hoàng là nhà đất có diện tích 64,4 m2 (địa chỉ thôn Đoài, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội), đứng tên ông Trịnh Văn Nam. Buổi đấu giá thành công với mức giá trúng là 1,7 tỷ đồng và người trúng đấu giá là ông Trần Ngọc Sáng. UBND huyện Đông Anh sau đó đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà cho ông Sáng. Đến thời điểm này thì tranh chấp bắt đầu phát sinh, chủ tài sản cũ không đồng ý giao nhà vì cho rằng ông Sáng không trực tiếp mua nhà từ họ. Do có sự tranh chấp, ông Sáng phải đưa vụ việc ra tòa án phân xử. 

Tại tòa, căn cứ ngân hàng đưa ra cho việc tiến hành đấu giá tài sản là biên bản làm việc với ông Trịnh Văn Nam có nội dung “ủy quyền cho bên thứ ba xác định giá trị tài sản, ủy quyền cho ngân hàng bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá”. Tuy nhiên, tòa án đã làm rõ, giữa ông Nam và ngân hàng chưa có sự thống nhất bàn giao tài sản. Biên bản bàn giao tài sản năm 2013 không có mặt vợ ông Nam. Điều đó thể hiện chủ tài sản không tự nguyện bàn giao tài sản cho ngân hàng phát mại. Do vậy, TAND TP. Hà Nội đã tuyên hợp đồng ủy quyền bán đấu giá giữa ngân hàng và Công ty Hoàng Gia; hợp đồng mua bán tài sản đấu giá là vô hiệu. Đồng thời, tòa cũng tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Trần Ngọc Sáng và buộc ngân hàng phải hoàn trả số tiền 1,7 tỷ đồng cho ông Sáng. Việc đòi nợ của ngân hàng lại trở về vạch xuất phát điểm. 

2. Một tình huống điển hình khác về việc xử lý nợ xấu chậm do ngân hàng không tuân thủ trình tự pháp lý trong xử lý tài sản đảm bảo có thể kể tới là tại Công ty TNHH Đức Nga, doanh nghiệp chuyên kinh doanh vật liệu. Cụ thể, năm 2010 – 2011, ngân hàng ký hợp đồng tín dụng, giải ngân cho Công ty Đức Nga 36,5 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này gồm quyền sử dụng đất của 8 bất động sản của các ông bà: Đặng Văn Đức, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Kim Tuyến, Đào Thị Thủy, Ngô Văn Ngọc (đều ở huyện Đông Anh, TP Hà Nội).

Năm 2013, một số chủ tài sản đề nghị được trả nợ gốc để giải chấp tài sản. Còn nợ lãi, Công ty Đức Nga là bên vay phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ngân hàng không đồng tình với cách xử lý trên.

Tính đến ngày 27/5/2016, Công ty Đức Nga còn nợ cả gốc và lãi ngân hàng là 22,3 tỷ đồng. Sau đó, ngân hàng có đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện là không đề nghị tòa án giải quyết với hợp đồng thế chấp đối với nhà đất tại thôn Du Nội (xã Mai Lâm, huyện Đông Anh) mang tên ông Đặng Văn Đức (Giám đốc Công ty Đức Nga). Chính điều này khiến các chủ tài sản còn lại rất bức xúc. Họ cho rằng, việc ngân hàng rút tài sản thế chấp, nhưng không rút tiền vay là không bình thường, trái nguyên tắc. Sở dĩ là vì tài sản trên có trị giá lớn hàng chục tỷ đồng, có ý nghĩa quyết định việc giải quyết thu hồi nợ trong vụ án, nhưng lại được bỏ ra ngoài vòng phát luật. Quyền lợi của các chủ tài sản khác sẽ bị thua thiệt do phải gánh chịu nghĩa vụ trả nợ.

Các chủ tài sản cũng lập luận, trong trường hợp cụ thể này, cấp sơ thẩm (Tòa án nhân dân huyện Đông Anh) không thể coi việc nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện là hoàn toàn tự nguyện. Tòa án chấp nhận khi không xem xét cụ thể tài sản mà người vay đã thế chấp là không đảm bảo tính khách quan và công bằng trong việc giải quyết vụ án.

Cuối cùng, tòa án đã quyết định hủy án sơ thẩm để xét xử lại từ đầu.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục