Mùa đại hội ngân hàng “nóng” M&A

(ĐTCK) Ngoài nợ xấu, lợi nhuận, cổ tức, vấn đề được các cổ đông quan tâm nhiều trong mùa ĐHCĐ ngân hàng năm nay là liệu nhà băng có chủ trương M&A?
Mùa đại hội ngân hàng “nóng” M&A

Mùa đại hội ngân hàng “nóng” M&A ảnh 1TrustBank và WesternBank là 2 trong 4 ngân hàng nhỏ đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu

 

M&A không chỉ ngân hàng nhỏ

Nếu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua đề án hợp nhất thì trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) WesternBank dự kiến diễn ra cuối tháng 4 này, ngân hàng hợp nhất giữa WesternBank và PVFC sẽ chính thức được thành lập, với vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng.

Trong 4 ngân hàng nhỏ nằm trong diện tái cấu trúc theo yêu cầu của Chính phủ và NHNN hiện có TrustBank và WesternBank đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu. Trong đó, TrustBank chọn hình thức tự tái cấu trúc bằng việc thu hút vốn từ cổ đông chiến lược, mà không trông chờ vào sự cứu trợ của NHNN. ĐHCĐ bất thường của TrustBank mới đây đã thông qua phương án tái cơ cấu, trong đó cổ đông mới mua lại 84% cổ phần của Ngân hàng; riêng Tập đoàn Thiên Thanh sở hữu 9,67%.

Tuy nhiên, không chỉ các ngân hàng nhỏ nằm trong diện tái cơ cấu thực hiện M&A. Chủ tịch một ngân hàng cho biết, ngân hàng ông cũng đang tìm kiếm đối tác phù hợp để hợp nhất, nhằm đẩy mạnh phát triển, mở rộng quy mô và nâng cao vị thế cạnh tranh. Giai đoạn hiện nay được xem là cơ hội để thực hiện chiến lược này khi chủ trương tái cơ cấu ngân hàng của NHNN đang được đẩy mạnh.

“Chủ trương của NHNN và tình hình thị trường đang mở ra cơ hội tăng tốc phát triển cho các ngân hàng có nền tảng nội lực vững chắc thông qua việc hợp tác, sáp nhập với các nhà băng khác. M&A sẽ giúp cho các bên tận dụng được sự cộng hưởng lẫn nhau từ thế mạnh trong sản phẩm, dịch vụ, khách hàng”, vị chủ tịch trên nói. Tuy nhiên, vị này cho rằng, vấn đề khó nhất trong M&A chính là việc lo ngại mất kiểm soát ở một số ngân hàng.

Kế hoạch M&A giữa các ngân hàng được dự báo tiếp tục nóng trong mùa ĐHCĐ năm nay, kéo theo sự biến động về nhân sự cấp cao từ HĐQT đến Ban tổng giám đốc. Điển hình là TrustBank thay đổi toàn bộ nhân sự HĐQT Ngân hàng.

Đại hội các ngân hàng sẽ dồn dập diễn ra vào cuối tháng 4 này, trong đó có WesternBank, HDBank, DaiA Bank, DongA Bank… là những nhà băng đang trong quá trình tìm kiếm và thực hiện M&A hoặc bán cổ phần cho NĐT nước ngoài.

 

Bán cổ phần cho đối tác ngoại

Đáng chú ý, để có thể phát triển bằng nội lực, các nhà băng nhỏ phải tăng thêm vốn điều lệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay, các ngân hàng không dễ phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn cho cổ đông hiện hữu, mà đòi hỏi phải có sự tham gia của NĐT chiến lược. Trước đề nghị của cổ đông về việc thu hút vốn từ cổ đông chiến lược trong và ngoài nước để có thể hoàn thành kế hoạch tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng hoặc đạt 4.000 trong năm nay, bà Nguyễn Thị Xuân Loan, Chủ tịch HĐQT NamA Bank cho biết, vấn đề này đang được Ngân hàng cân nhắc, xem xét.

Theo một số cổ đông của NamA Bank, diễn biến của TTCK không thuận lợi, giá cổ phiếu Ngân hàng lùi xa mệnh giá 10.000 đồng/CP nên phát hành cho cổ đông hiện hữu khó thành công. Thực tế, kế hoạch tăng vốn của NamA Bank đã đề ra từ năm trước, nhưng không thực hiện được.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng tăng cường việc tìm kiếm đối tác ngoại, thu hút thêm nguồn vốn, củng cố năng lực tài chính để tái cơ cấu và phát triển tốt hơn.

SCB mới đây đã tăng vốn điều lệ từ 10.583 tỷ đồng lên 13.583 tỷ đồng. Phần vốn này được chào bán cho cổ đông cá nhân nước ngoài. Kể từ ngày 27/2, cơ cấu cổ đông của SCB có thêm thành phần là NĐT cá nhân nước ngoài. Tổng giám đốc SCB, ông Lê Khánh Hiền cho biết, việc gọi thêm vốn từ cổ đông nước ngoài sẽ giúp SCB củng cố năng lực tài chính để thực hiện kế hoạch tái cấu trúc mà SCB đang triển khai.

Lãnh đạo của DongA Bank thì cho biết, hiện có một số đối tác nước ngoài đến đàm phán muốn mua cổ phần của Ngân hàng với tỷ lệ quy định tối đa là 20%. Tuy nhiên, do thị trường không thuận lợi, giá cổ phiếu Ngân hàng giảm, nếu bán cổ phần cho đối tác chiến lược trong bối cảnh này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông hiện hữu, nên DongA Bank chưa quyết định bán cổ phần cho cổ đông nước ngoài.

Trên thực tế, những nhà băng bán cổ phần cho NĐT nước ngoài trước đây đã có được nhiều thuận lợi trong hoạt động hiện nay. Đặc biệt, với các ngân hàng nhỏ, trước bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn, có cổ đông chiến lược sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh. Tổng giám đốc MeKong Bank, ông Tay Hang Chong chia sẻ, MeKong Bank tự tin là Ngân hàng có thế mạnh về nguồn lực tài chính và thanh khoản tốt do có cổ đông chiến lược nước ngoài là Công ty Đầu tư tài chính Fullerton Financial Holdings (FFH).

Từ cuối năm 2010, MeKong Bank đã bắt tay với FFH, công ty có 100% vốn của Teamasek Holdings Pte.Ltd - một tập đoàn tài chính của Chính phủ Singapore. FFH là một công ty hoạt động điển hình với chuyên môn quản lý cao và kinh nghiệm hoạt động đáng nể tại các thị trường mới nổi như Indonesia , Malaysia , Ấn Độ, Trung Quốc. FFH không chỉ đóng vai trò tư vấn, mà còn đồng hành với MeKong Bank thông qua việc trực tiếp làm việc với đội ngũ nhân viên Ngân hàng, nhằm chuyển giao những kinh nghiệm, kiến thức, tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động ngân hàng.

“Những kinh nghiệm này không chỉ đến từ Singapore, mà còn được rút ra từ nhiều bài học quý giá mà FFH đã trải qua và thành công tại các thị trường mới nổi tương tự Việt Nam, nhưng phát triển trước Việt Nam. Do đó, chúng tôi đang trong một lộ trình đúng đắn nhằm đưa MeKong Bank phát triển trong môi trường kinh doanh có nhiều khó khăn”, ông Chong nói và cho biết, chiến lược phát triển của MeKong Bank là tiếp tục tập trung vào các mảng bán lẻ, nhắm vào đối tượng khách hàng là DN nhỏ và vừa, đồng thời khai thác thế mạnh trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn.            

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục