Mua bán và sáp nhập ngân hàng: Mở rộng trước xu thế hội nhập

Ý kiến của ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược NHNN Việt Nam.

Nhỏ dựa lớn

Mua bán và sáp nhập (M&A) là xu thế lớn của ngành NH và tài chính trên thế giới. Trên thế giới, mỗi năm có hàng ngàn cuộc M&A. Tại Hoa Kỳ đã có đến 180-200 cuộc sáp nhập, trong đó có những cuộc sáp nhập lớn như JP Morgan và Chase để trở thành tập đoàn JP Morgan Chase. Các vụ sáp nhập như vậy đều do các NH đầu tư đứng ra làm môi giới trung gian và tư vấn. Những vụ sáp nhập ấy không chỉ có trong khuôn khổ ngành NH tài chính mà còn có các tập đoàn công nghiệp, tập đoàn khoáng sản, tập đoàn dịch vụ khác…

Nền tảng của thị trường sáp nhập là thị trường nợ – vốn là thị trường đang phát triển rất mạnh trên thế giới. Lý do để sáp nhập là để có lợi cho cả hai phía, cả người đi sáp nhập và người được sáp nhập, chủ yếu để bảo vệ và phát triển thị phần của mình. Một lý do khác là các NH muốn đầu tư, kinh doanh ở các lĩnh vực khác nhằm phân tán rủi ro. Thông thường các NH nhỏ, tổ chức tài chính nhỏ sáp nhập với NH lớn, tổ chức tài chính lớn vì các NH nhỏ do hạn chế quy mô nên không đủ vốn, nhân lực, trình độ để phát triển dịch vụ mới. Trong khi đó, các NH lớn có đủ điều kiện để làm điều đó. Chẳng hạn, một NH nhỏ muốn phát triển một phòng giao dịch ngoại tệ thì phải có đầu tư lớn về công nghệ, nhân lực và năng lực quản trị rủi ro. Điều này vượt quá khả năng của các NH nhỏ, trong khi đó lĩnh vực kinh doanh ngoại hối là lĩnh vực có nhiều lợi nhuận và khó cho những NH quy mô nhỏ triển khai. Do vậy, các NH nhỏ khi sáp nhập vào các lớn cũng nhằm mục đích tham gia vào các hoạt động dịch vụ để chia sẻ lợi nhuận mà bản thân họ không thể làm được.

Trong bối cảnh hội nhập, các ngân hàng càng đòi hỏi phải nâng quy mô hoạt động phù hợp với nền kinh tế. Một NH muốn phát triển nhanh thì cần có quy mô đủ lớn và có tiềm lực để khai thác hết các cơ hội kinh doanh.  Các NH nhỏ không đủ khả năng để làm việc này. Vì vậy, sáp nhập được hiểu một cách rất tích cực là nhằm tập hợp và thống nhất sức mạnh để đầu tư, phát triển và khai thác tiềm năng của thị trường. Điều đó quan trọng hơn là kiểu suy nghĩ cũ kỹ: thôn tính, nuốt chửng, lật đổ…

Chuẩn bị gì trước xu thế mở cửa?

Ở Việt Nam , trong quá khứ đã có một vài cuộc sáp nhập NH hoặc là tương tự như vậy. Đặc biệt, sau khủng hoảng tài chính Châu Á một số NH nhỏ gặp những khó khăn lớn về thanh khoản đã buộc phải sáp nhập vào NH lớn. Như vậy, quá trình sáp nhập này là một quá trình sáp nhập bắt buộc, không phải là sáp nhập tự nguyện trên nền tảng chiến lược kinh doanh đúng đắn.

Ở Việt Nam , chưa có trường hợp nào sáp nhập theo thông lệ quốc tế. Đó là bảo vệ, mở rộng thị phần hoặc nâng cao khả năng khai thác thị trường. Nhìn chung, cách nhìn về vấn đề sáp nhập ở Việt Nam còn rất hạn chế do cạnh tranh trên thị trường chưa thật gay gắt do cơ hội kinh doanh để kiếm lời trong một nền kinh tế chuyển đổi hiện nay còn khá lớn. Nói cách khác, tốc độ phát triển thị trường và nhu cầu về NH còn rất lớn nên các NH chưa cảm nhận một cách mạnh mẽ về sức ép cạnh tranh để tồn tại và phát triển của mình. Vì vậy, trào lưu và xu hướng sáp nhập chưa thật sự sôi động. Tuy nhiên, trong tương lai gần, vấn đề sẽ khác đi.

Mức độ cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt hơn, các dịch vụ truyền thống như tín dụng ngày càng có lợi nhuận thấp hơn sẽ đẩy các NH phải phát triển các dịch vụ tài chính khác mới đáp ứng các nhu cầu cho khách hàng và cho sự tích lũy lợi nhuận của ngân hàng. Nhiều NH Việt Nam hiện nay xét cả về quy mô, nguồn nhân lực, trình độ công nghệ và trình độ quản lý chưa đủ khả năng hoạt động trên các lĩnh vực dịch vụ tài chính mới. Từ đó sẽ xuất hiện nhu cầu liên minh hoặc sáp nhập các NH với nhau, hoặc sáp nhập với các NH lớn nhằm tăng cường năng lực chiếm lĩnh thị phần, tiềm kiếm lợi nhuận.

Chắc chắn thị trường M&A sẽ sôi nổi hơn trong thời gian tới, đặc biệt là khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường tài chính vào năm 2010. Các NH lớn muốn mở rộng thị phần bằng cách nhanh nhất cần phải tính đến M&A. Đó là chiến lược kinh doanh ngắn nhất để đạt hiệu quả cao và cũng là phương thức đầu tư ít tốn kém nhất. Ngoài ra, cùng với việc phát triển thị trường nợ và TTCK thì M&A sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nó sẽ được thực hiện thông qua các giao dịch mua bán nợ, mua bán chứng khoán dưới sự tư vấn của các NH đầu tư lớn.


SGGP

Tin cùng chuyên mục