Một loạt nhà băng nhỏ không thể tăng được vốn

(ĐTCK) Khó phát hành tăng vốn, nhiều nhà băng buộc phải chọn giải pháp M&A để có thể nâng cao năng lực tài chính.
Một loạt nhà băng nhỏ không thể tăng được vốn

Thị trường chứng khoán chưa hết khó khăn và cổ phiếu ngân hàng không nằm ngoài bối cảnh chung đó, nhất là trong giai đoạn tái cơ cấu ngành hiện nay. Nhiều ngân hàng lớn vẫn nỗ lực tăng năng lực tài chính, nhưng lượng vốn chủ có thêm năm nay khiêm tốn hơn mọi năm, trong khi một số ngân hàng nhỏ tiếp tục hủy, hoãn kế hoạch tăng vốn.

Một loạt nhà băng nhỏ không thể tăng được vốn ảnh 1DaiA Bank đã tự nguyện sáp nhập vào HDBank để tái cơ cấu mình

 

Bằng nguồn tự có

Vốn điều lệ của các nhà băng lớn tiếp tục tăng trong 3 quý đầu năm nay thông qua phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu và cổ đông nước ngoài. Chẳng hạn, Sacombank vừa hoàn tất việc tăng vốn điều lệ giai đoạn 1 năm 2013, với mức tăng 17%, từ 10.740 tỷ đồng lên 12.425,5 tỷ đồng bằng việc phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức năm 2011 và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ cốt cán.

Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Phạm Hữu Phú, cho biết, Ngân hàng đang xúc tiến lựa chọn đối tác nước ngoài phù hợp để thực hiện tăng vốn giai đoạn 2, dự kiến hoàn tất trong quý IV/2013.

Kế hoạch đến cuối năm, Eximbank sẽ tăng thêm 756 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên trên 13.111 tỷ đồng, tỷ lệ phát hành cho cổ đông hiện hữu là 6,12%.

VietinBank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 32.661 tỷ đồng lên 37.234 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông sau khi Ngân hàng hoàn thành việc tăng vốn vào cuối năm 2013 dự kiến sẽ là: cổ đông nhà nước nắm 64,46%, cổ đông chiến lược nước ngoài là Tập đoàn Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ (BTMU) nắm 19,73%, cổ đông khác nắm 15,81%.

Nhìn chung, kế hoạch tăng vốn của các nhà băng lớn trong năm nay có phần khiêm tốn hơn so với những năm trước. Đồng thời, vốn điều lệ tăng thêm chủ yếu được chuyển đổi từ nguồn vốn chủ sở hữu như lợi nhuận chưa phân phối, thặng dư vốn thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu hay thưởng cổ phiếu.

Lãnh đạo Sacombank cho rằng, việc tăng vốn là cần thiết để Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh. Tuy nhiên, trước bối cảnh tín dụng khó khăn như hiện nay thì việc sử dụng nguồn vốn tăng thêm cũng tạo áp lực không nhỏ cho các nhà băng.

Áp lực cổ tức sẽ là vấn đề gây đau đầu nhất đối với các nhà băng vốn lớn trong năm nay, khi lợi nhuận thu về trong 9 tháng qua có dấu hiệu sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, trong bối cảnh thị trường khó khăn, các cổ đông cũng phải chia sẻ. Phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng cho rằng, khi nợ xấu của ngành ngân hàng còn trong xu hướng tăng, dự phòng rủi ro tín dụng cao thì lợi nhuận ngân hàng khó có thể tốt.

 

Và qua M&A

Trong khi các nhà băng lớn hoàn thành tốt kế hoạch nâng vốn thì nhiều nhà băng nhỏ vẫn chưa thể triển khai. VietA Bank, NamA Bank, OCB, SouthernBank… đều đưa ra kế hoạch tăng vốn và được ĐHĐCĐ thông qua trong các kỳ họp thường niên đầu năm, dự kiến triển khai trong quý III hoặc quý IV, song đến thời điểm này, các nhà băng trên vẫn chưa có động tĩnh gì liên quan.

NamA Bank đã nhiều lần lỗi hẹn với cổ đông trong việc tăng vốn điều lệ từ mức 3.000 tỷ đồng lên 3.700 - 4.000 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Xuân Loan, Chủ tịch HĐQT NamA Bank cho biết, sở dĩ Ngân hàng chưa hoàn tất kế hoạch tăng vốn trong những năm qua là do thị trường có những khó khăn nhất định, chứng khoán đi xuống, giá cổ phiếu ngân hàng sụt giảm… Tuy nhiên, theo kiến nghị của các cổ đông nhỏ, lẻ, để có thể nâng cao được năng lực tài chính so với mức vốn điều lệ thấp hiện nay, HĐQT NamA Bank nên tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài.

M&A cũng được xem là con đường duy nhất, theo các chuyên gia, để các ngân hàng nhỏ khác có thể nâng cao tiềm lực tài chính của mình và thực tế thị trường thời gian qua đã chứng minh điều đó.

Trước sức ép cạnh tranh, các nhà băng nhỏ đành chọn phương án sáp nhập, hợp nhất, bán lại để tồn tại và phát triển. DaiA Bank là một điển hình, sau khi cổ đông lớn (ACB, Tập đoàn Tín Nghĩa…) lần lượt thoái vốn, Ngân hàng đã chọn phương án sáp nhập với HDBank để phát triển tốt hơn, cho dù DaiA Bank không nằm trong diện tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Sau sáp nhập, HDBank đã đạt 8.100 tỷ đồng vốn điều lệ.

Gần đây nhất, PVFC và WesternBank cũng đã hợp nhất thành PVcomBank với vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số nhà băng lớn cũng tính đến M&A để tăng quy mô, trở thành các ngân hàng có tầm cỡ khu vực. Eximbank - Sacombank đã có lộ trình sáp nhập dự kiến trong 5 năm, với mức vốn điều lệ của Ngân hàng sau sáp nhập là 30.000 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Lê Hùng Dũng, cho rằng, để có thể đạt tầm cỡ của một ngân hàng xứng tầm khu vực thì M&A là con đường ngắn nhất. Tuy nhiên, lộ trình này sẽ được Eximbank tính toán kỹ.

Nếu Chính phủ cho phép nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào ngân hàng trong nước, chẳng hạn như 49% thay vì mức 30% hiện nay, thì đó sẽ là một cơ hội cho nhiều ngân hàng vừa muốn tăng năng lực tài chính, vừa muốn nâng cao năng lực quản trị.

Vân Linh
Vân Linh

Tin cùng chuyên mục