Một góc nhìn giữa cắt lỗ và bán nợ

(ĐTCK) Nhiều ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu cao, không ít ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm. Vậy nhưng, hầu hết ngân hàng vẫn tỏ ra “thờ ơ” trước “cứu tinh” xử lý nợ xấu là VAMC.
Một góc nhìn giữa cắt lỗ và bán nợ

Kinh nghiệm xử lý “nợ xấu” trong đầu tư chứng khoán có thể hữu ích cho các ngân hàng.

Nhà băng cũng như NĐT chứng khoán, khi tiến hành giải ngân, đều mong muốn thu hồi được vốn và một khoản lãi nhất định. Tuy nhiên, không ít trường hợp, sau khi giải ngân, chứng khoán nắm giữ bị mất giá và trở thành khoản đầu tư xấu, hoặc khoản cho vay do một số nguyên nhân nào đó trở thành những khoản nợ xấu. Đứng trước tình huống này, NĐT chứng khoán thường: 1) nhanh chóng cắt lỗ để thu hồi vốn đầu tư nếu cho rằng, thị trường tiếp tục xấu hoặc chưa thể khởi sắc; 2) tiếp tục nắm giữ chứng khoán và giải ngân thêm để bình quân giá, nếu kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc trong tương lai gần. Trong khi đó, ngân hàng thường: 1) thu hồi nợ trước hạn để thu hồi vốn gốc, hoặc yêu cầu khách hàng bổ sung tài sản đảm bảo nếu tình hình tài chính của khách hàng không khả quan; 2) cơ cấu nợ, giãn nợ, khoanh nợ với kỳ vọng tình hình tài chính của khách hàng có khả năng tốt trở lại.

Thực tế, NĐT nắm giữ chứng khoán khi thị trường đi xuống và mua vào để bình quân giá là việc làm mạo hiểm. Không nhiều NĐT thành công theo cách này, đó là những NĐT với mục đích nắm giữ, chi phối DN và những NĐT giá trị, trường vốn. Đa phần các NĐT, để hạn chế thua lỗ khi chứng khoán đang nắm giữ giảm giá, đến một giới hạn nào đó sẽ chọn giải pháp cắt lỗ nhằm bảo toàn vốn. Trong hoạt động đầu tư chứng khoán, việc cắt lỗ không phải là một thất bại. Cắt lỗ đúng thời điểm giúp NĐT bảo toàn vốn để có thể bắt đáy đúng lúc với mức giá tốt nhất.

Đối với hoạt động cho vay của các ngân hàng, khi phát sinh nợ xấu, thay vì tìm cách xử lý nợ xấu, gia tăng các tỷ lệ an toàn, thì có ngân hàng lại sử dụng các biện pháp “làm đẹp” nợ xấu như: giãn nợ, khoanh nợ, thậm chí đảo nợ. Từ đó, ngân hàng tiếp tục giải ngân, cấp thêm hạn mức cho khách hàng, hoặc giải ngân thông qua các cá nhân/DN có liên quan để khách hàng dùng số tiền này trả lãi/đáo hạn khoản vay cũ. Đối với một số khách hàng có tiềm lực hoặc những ngành có triển vọng tốt, những việc làm nêu trên sẽ là cơ hội cho khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh, từ đó ngân hàng có thể thu hồi vốn và lãi vay. Tuy nhiên, đối với những khách hàng có tiềm lực tài chính yếu, những việc làm nêu trên chứa đựng nhiều rủi ro, góp phần làm cho nợ xấu ngày càng xấu thêm. Đến khi khách hàng không còn khả năng trả nợ, nợ xấu lúc này đã trở lên quá xấu và lớn hơn rất nhiều so với thời điểm đáng lẽ ra nó nên được xử lý mạnh tay.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, tính “thanh khoản” của nợ xấu là rất thấp. Cắt lỗ chứng khoán có thể dễ dàng thực hiện chỉ trong một hoặc vài phiên giao dịch, nhưng việc xử lý nợ xấu có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm. Việc kéo dài thời gian xử lý nợ xấu cũng đồng nghĩa với nguy cơ mất vốn càng cao. Đồng thời, ngân hàng phải gánh chịu nhiều chi phí cho những khoản nợ xấu như: chi phí huy động vốn, chi phí dự phỏng rủi ro, chi phí quản lý, xử lý nợ xấu và đặc biệt là chi phí cơ hội khi nguồn vốn bị chiếm dụng dưới hình thức nợ xấu không thể quay trở lại lưu thông.

Kinh nghiệm trong đầu tư chứng khoán cho thấy, NĐT càng do dự trong việc cắt lỗ khi thị trường đi xuống thì thiệt hại càng lớn. Câu nói các NĐT chứng khoán hay dùng để trấn an nhau trước và sau mỗi lần cắt lỗ là “còn vốn là còn tất cả”. Câu nói này có thể áp dụng cho các nhà băng khi đứng trước áp lực xử lý nợ xấu như hiện nay. 

Phạm Thanh
Phạm Thanh

Tin cùng chuyên mục