Mong manh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12%

(ĐTCK) Làm thế nào để tăng trưởng tín dụng đạt được chỉ tiêu 12%/năm là vấn đề chính được Ban Lãnh đạo NHNN và lãnh đạo các NHTM đưa ra mổ xẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm 2013.
Mong manh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12%

Mong manh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% ảnh 1Nợ đọng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản là một trong những nút thắt của nền kinh tế

 

Yêu cầu khó và kiến nghị... khó!

Hướng giải quyết đã được các NHTM thẳng thắn chỉ ra nhưng một lần nữa cho thấy, sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng khó có thể đạt được kết quả như ý nếu không có sự phối hợp của các bộ, ban ngành.

Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc NHNN TP Hà Nội cho biết, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm âm, nhưng từ tháng 4 bắt đầu tăng trưởng trở lại, tháng sau cao hơn tháng trước. Trong các cuộc làm việc trực tiếp, chưa có DN nào kêu khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng mà chủ yếu băn khoăn về thuế, hàng tồn kho. Đến 31/5, các TCTD trên địa bàn Thành phố đã chuyển lãi suất của 75 - 80% khoản vay cũ về tối đa 13%/năm.

Tuy nhiên, bà Sương cũng thừa nhận: “Tăng trưởng tín dụng tại các TCTD còn gặp nhiều khó khăn. Có ngân hàng phàn nàn, trong quá trình rà soát khách hàng 4 tháng đầu năm 2013, lãnh đạo gặp gỡ 519 khách hàng nhưng chỉ có 19 khách tốt. Song đến cuối tháng 5 cũng chưa giải ngân được cho khách nào”.

Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank chia sẻ, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. NHNN cần duy trì ổn định chính sách tiền tệ để DN thấy định hướng rõ ràng hơn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát nhưng hướng trọng tâm hơn cho việc phát triển sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, xử lý nợ xấu, giải phóng hàng tồn kho, thậm chí bán với giá thấp là những việc rất cần đẩy nhanh. Mặc dù Chính phủ đã duyệt Đề án xử lý nợ xấu, nhưng cần có giải pháp mạnh, kích cầu đầu tư, tiêu dùng.

“Trừ trích lập dự phòng rủi ro thì chỉ còn 1,5 - 1,8% lãi biên, thấp chưa từng có, nhưng chúng ta phải chấp nhận. Để tăng tín dụng, cần tiếp tục giảm lãi suất xuống 6%/năm”, ông Hùng nói.

Đại diện TienPhong Bank, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc nêu quan điểm, chúng tôi hiểu cái giá phải trả cho nợ xấu, nên hiện nay, hầu hết ngân hàng đều chú trọng chất lượng tín dụng. Việc cấp tín dụng giờ đã chặt chẽ, cẩn trọng hơn rất nhiều. Trong bối cảnh hiện nay, để tăng trưởng tín dụng an toàn thì cần có sự khuyến khích. Ví dụ, nếu ngân hàng nào đạt yêu cầu về các chỉ tiêu an toàn tín dụng thì không khống chế tỷ lệ tăng trưởng 12%.

“Nhịp độ tăng trưởng tín dụng gần đây đang tốt hơn, nhưng chưa được như kỳ vọng và tình hình này cũng đang diễn ra ở chính BIDV. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như tình hình sức khỏe DN, khả năng hấp thụ vốn chưa tốt... Khảo sát các DN đang vay BIDV, các chỉ số tài chính của DN đi xuống rất nhanh. Chính phủ cũng như các ngân hàng cần có chính sách thích hợp để đưa vốn ra nền kinh tế”, ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV nói.

Ông Tú cũng nhấn mạnh về những rào cản liên quan đến pháp luật. Trong giao dịch tài sản đảm bảo, quyền năng của người cho vay là rất thấp. Thế chấp rồi nhưng khi cần xử lý thì không xử lý được. Ví dụ, xử lý một căn nhà thế chấp, các TCTD phải lo chuyện ở cho những người đang sống trong căn nhà đó.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch hội đồng thành viên Agribank kiến nghị, việc thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ để tăng tổng cầu là cần thiết. Nhưng để tăng thì có 2 van phải mở, đó là đầu tư công và tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là về tài sản đảm bảo, nếu không mở được 2 van này thì không thể tăng trưởng tín dụng được. Thay đổi chính sách dù nhẹ chút nữa, nhất là về lãi suất, thì thị trường sẽ méo mó. Tỷ giá cũng cần ổn định, để tránh tác động tới tỷ giá, đề nghị các ngân hàng tập trung vào 5 đối tượng ưu tiên.

 

Và giải pháp từ NHNN

Kết luận tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho phép phát hành thêm hoặc nâng mức sử dụng trái phiếu chính phủ, xử lý dứt điểm nợ đọng 95.000 tỷ đồng xây dựng cơ bản. Điều này không những góp phần xử lý nợ xấu, mà DN còn tiếp cận được vốn, triển khai công trình mới, giải quyết hàng tồn kho, tạo ra chuyển biến cho nền kinh tế. Số tiền huy động mới sẽ dùng để nhanh chóng hoàn tất các dự án dở dang mà năm 2011 tạm dừng và triển khai ngay các dự án có tác động lan tỏa.

Về vấn đề NHTM đề nghị tiếp tục giảm lãi suất huy động xuống 5 - 6%/năm để giảm chi phí, đưa lãi suất cho vay còn 8 - 9%/năm, Thống đốc cho biết, đây cũng là mong muốn của NHNN, nhưng các mức lãi suất chỉ nên được áp dụng khi nền kinh tế ổn định hơn. Hiện tại, lạm phát đã được kiềm chế, nhưng khả năng dâng cao trở lại vẫn hiện hữu. Phải làm sao đảm bảo ổn định lạm phát lâu dài, tránh kiểu chơi “ú tìm”, được lạm phát thì mất tăng trưởng và ngược lại.

Tuy nhiên, Thống đốc cũng phân tích, trần lãi suất huy động của chúng ta hiện nay là 7,5%/năm, nhưng thực tế, các ngân hàng đều huy động dưới mức này. Giảm trần xuống nữa sẽ rất rủi ro về cơ chế, nhưng nếu huy động dưới trần là sự chủ động của các ngân hàng thì sẽ có tính thị trường hơn, giúp hình thành đường cong lãi suất, cho thấy rõ ngân hàng nào có tiềm lực sẽ được tiếp cận vốn giá rẻ hơn thị trường. Trên thực tế, tính lành mạnh của hệ thống ngân hàng đã có sự cải thiện, nhưng chưa đáng kể, chưa đồng đều.

Vì vậy, vẫn cần duy trì trần lãi suất huy động (trong ngắn hạn) còn điều chỉnh hay không thì phải “nghe ngóng” thêm. Các NHTM căn cứ vào năng lực tài chính để quyết định khả năng huy động, cho vay. NHNN hiện chỉ quy định trần lãi suất cho vay ở 4 lĩnh vực ưu tiên. Các NHTM cần tiếp tục giảm thiểu chi phí để có thể giảm lãi suất cho vay, vừa góp phần giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, vừa giảm bớt phản cảm của xã hội.

“Tâm lý của người dân tin tưởng vào tiền đồng đã cải thiện nhưng chưa ổn định, nếu không cẩn thận thì sẽ lại rủi ro. Vấn đề hiện nay là cần duy trì chênh lệch lãi suất hợp lý giữa USD và VND. Từ nay đến cuối năm, có khả năng giảm mạnh lãi suất huy động ngoại tệ, nhưng thời điểm nào, mức bao nhiêu, NHNN sẽ tính toán cụ thể”, Thống đốc nhấn mạnh.

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục