Mở room ngân hàng: Chỉ là tin đồn!

(ĐTCK-online) Trong vài tuần trở lại đây, thông tin mở room ngân hàng được các NĐT truyền tai nhau rôm rả và không ít người cho rằng, sau những tác động tích cực từ việc giảm giá xăng dầu, mở biên độ, đây sẽ là liều thuốc kích thích thị trường thẳng tiến. Liệu đây có phải là chủ trương đang được cơ quan quản lý xem xét? Báo ĐTCK đã cố gắng xác minh và qua trao đổi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu khẳng định: NHNN hoàn toàn không có chủ trương này.
Cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là nhóm cổ phiếu dẫn dắt TTCK Cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là nhóm cổ phiếu dẫn dắt TTCK

Theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài trong các ngân hàng TMCP Việt Nam tối đa là 30%, một NĐT nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 20%. Trường hợp mua từ 15% cổ phần của NHTM trở xuống sẽ do NHNN xem xét và chấp thuận, trường hợp muốn nắm giữ 20% phải được Thủ tướng chấp thuận. Theo thống kê, ngoài ACB và STB (đã niêm yết), chỉ có thêm khoảng 4 - 5 ngân hàng trên tổng số hơn 30 ngân hàng hiện hết room.

Cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là nhóm cổ phiếu dẫn dắt TTCK. Trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy thị trường phát triển, Hiệp hội Các NĐT tài chính (VAFI) đã từng có văn bản đề xuất nâng room ngân hàng từ 30% lên 35% hoặc 37%. Theo VAFI, cổ phiếu ngân hàng là nhóm ngành các NĐT tổ chức nước ngoài rất mong nắm giữ, dù là với tỷ lệ không cao. Việc sở hữu cổ phiếu ngành này cũng là một điểm để các quỹ dễ huy động vốn trên thị trường quốc tế, việc mở rộng hơn tỷ lệ sở hữu sẽ là một động lực thu hút đầu tư quốc tế vào Việt Nam, từ đó tạo điều kiện cho DN tăng nhanh quy mô hoạt động và đây cũng là động lực giúp tăng cường quản trị DN. VAFI cho rằng, việc nâng tỷ lệ sở hữu thêm 5 - 7% không phải là quá lớn, nhất là khi có sự quản lý tốt của cơ quan nhà nước, trong khi với quy mô ngày càng lớn của các ngân hàng thương mại, chỉ cần mở room 1% cũng giúp thu hút thêm số vốn không nhỏ.

Sau đề xuất của VAFI, trong một vài lần xuất hiện trên báo chí, lãnh đạo UBCK cũng đã đề cập đến việc UBCK đề xuất nới room ngân hàng để kích cầu cho TTCK. Gần đây nhất, đề tài này lại được các NĐT truyền tai nhau với niềm tin lớn hơn về khả năng chính sách mới sắp được ban hành. Mở room ngân hàng được nhiều người kỳ vọng, song không ít ý kiến cho rằng, khả năng đó khó xảy ra và nâng room ngân hàng trong thời điểm này có thể lợi bất cập hại, bởi mở room đồng nghĩa với việc tăng khả năng thao túng các ngân hàng trong nước của NĐT nước ngoài trước tình hình giá cổ phiếu ngân hàng quá thấp.

 Một lý do nữa là trên bàn đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã hết sức vất vả mới giữ được giới hạn 30% đối với mức độ sở hữu cổ phiếu ngân hàng của NĐT nước ngoài. Trên Báo ĐTCK, ông Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Đa biên, Bộ Công thương, nguyên phó đoàn đàm phán gia nhập WTO từng so sánh: "Mỹ, EU và tất cả các đối tác lớn đã mất tới hơn 4 năm để thuyết phục ta nâng tỷ lệ tham gia vốn của nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng lên trên 30%, ta cương quyết không đồng ý. Nay nếu ngưỡng cản này được dỡ bỏ thì phải có cơ sở để chứng minh những gì đạt được phải lớn hơn nguy cơ và đặc biệt là sự an toàn của hệ thống tài chính so với khi duy trì quy định 30%".

Tại sao thị trường lại có tin đồn về mở room? Đề cập đến việc liệu có phải gần đây UBCK có văn bản đề xuất vấn đề này tới cấp quản lý cao hơn, ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường, UBCK cho biết, UBCK cũng có đề xuất mở room ngân hàng, song đó chỉ là một trong rất nhiều đề xuất xuất hiện trong các tài liệu trình tại cuộc họp Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia chứ UBCK chưa có tờ trình nào riêng về vấn đề này. Như vậy, một bản phân tích thấu đáo về tác dụng của việc mở room ngân hàng, mặt được, chưa được từ UBCK là không có.

Còn TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN nay là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cũng cho hay, trong các cuộc họp của Hội đồng chưa bao giờ đề cập đến việc mở room ngân hàng. Theo ông Kiêm, thời điểm này không phù hợp để bàn về vấn đề trên, chỉ khi nào trình độ quản lý của ngân hàng nội, khả năng cạnh tranh với các ngân hàng ngoại cải thiện đáng kể mới có thể tính đến giải pháp đó.

Trao đổi với ĐTCK, người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu, đề xuất cho Chính phủ chính sách liên quan đến tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài trong các ngân hàng là Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định: "NHNN hoàn toàn không có chủ trương này" đã cho thấy, mở room ngân hàng chỉ là tin đồn. Ngay sau đó, trên wesite của NHNN chính thức đưa tin: không có việc nâng mức sở hữu cổ phần của NĐT nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam.

TTCK là thị trường của thông tin, thực tế cho thấy việc nắm bắt "nhanh nhạy" thông tin từ chính sách như giảm giá xăng, mở biên độ đã giúp không ít NĐT kiếm bộn tiền. Vậy thì để thị trường minh bạch, tin đồn không có đất hoành hành, rất cần những thông tin chính thức từ cơ quan quản lý như cách mà NHNN vừa thực hiện.       

Phong Lan
Phong Lan

Tin cùng chuyên mục