Mô hình hoạt động các ngân hàng Việt Nam còn nhiều bất hợp lý

(ĐTCK) Quản trị và giám sát trong hoạt động ngân hàng luôn là vấn đề cần phải quan tâm khi muốn xây dựng một hệ thống ngân hàng lành mạnh, có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Hôm qua (11/1), Hội thảo khoa học thường niên lần thứ 3 về Quản trị công ty trong ngân hàng do Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB - VNU) tổ chức, với chủ đề “Quản trị ngân hàng hiệu quả”.

Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định, với đặc thù là hoạt động kinh doanh có độ rủi ro cao và mức độ ảnh hưởng lớn nên vấn đề quản trị trong ngân hàng thương mại (NHTM) có ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam khi ngân hàng là nguồn cung cấp tài chính quan trọng cho khu vực doanh nghiệp.

Mô hình hoạt động các ngân hàng Việt Nam còn nhiều bất hợp lý ảnh 1 

Thực tiễn quản trị ngân hàng ở Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế mà nếu không khắc phục được thì các NHTM Việt Nam sẽ khó khăn khi cạnh tranh trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Thứ nhất, khung khổ pháp lý cho hoạt động quản trị và giám sát hệ thống ngân hàng còn chưa đầy đủ mặc dù Chính phủ và NHNN cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định mới.

Thứ hai, mô hình tổ chức và quản lý của các NHTM hiện tại còn có những điểm bất hợp lý khiến cho hoạt động quản trị ngân hàng kém hiệu quả.

Thứ ba, việc tăng cường hoạt động quản trị nội bộ trong NHTM còn gặp nhiều khó khăn như vấn đề xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ, mối quan hệ giữa các bên có liên quan, bảo vệ lợi ích của người gửi tiền và cổ đông thiểu số...

Xuất phát từ thực tiễn đó, Hội thảo “Quản trị ngân hàng hiệu quả” đã được tổ chức với mục đích chính là đánh giá hiệu quả quản trị trong các ngân hàng Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế. Qua đó, đề xuất những giải pháp tăng cường năng lực quản trị cho các NHTM Việt Nam cũng như khả năng giám sát hệ thống ngân hàng của các cơ quan quản lý.

Hội thảo đã tập trung thảo luận một số nội dung chính như đánh giá mức độ hiệu quả trong quản trị ngân hàng theo các chuẩn mực quốc tế thông qua việc phân tích cơ cấu Hội đồng quản trị của các NHTM Việt Nam và một số nước ASEAN.

Bên cạnh đó, xem xét những vấn đề liên quan tới kiểm soát hoạt động trong ngân hàng cụ thể là phân tích việc đáp ứng các yêu cầu về minh bạch và công bố thông tin và giao dịch của các bên có liên quan của NHTM Việt Nam.

Ngoài ra, hội thảo sẽ phân tích những thách thức và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát ngân hàng của các cơ quan quản lý theo chuẩn mực quốc tế.

Qua thảo luận tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã khẳng định: Quản trị và giám sát trong hoạt động ngân hàng luôn là vấn đề cần phải quan tâm khi muốn xây dựng một hệ thống ngân hàng lành mạnh, có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Quản trị và giám sát trong hoạt động ngân hàng luôn là vấn đề cần phải quan tâm khi muốn xây dựng một hệ thống ngân hàng lành mạnh, có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia tích cực vào các hình thức hợp tác kinh tế tài chính đa phương và song phương, tiêu biểu gần đây là việc trở thành thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đòi hỏi phải gia tăng mức độ mở cửa thị trường tài chính trong nước. Điều này không chỉ đem lại những cơ hội lớn cho hệ thống NHTM Việt Nam mà còn đặt ngành Ngân hàng trước những thách thức cạnh tranh to lớn từ phía các ngân hàng trong khu vực.

Bởi vậy, nâng cao hiệu quả quản trị và giám sát hoạt động kinh doanh ngân hàng là những trọng tâm đặt ra đối với các NHTM Việt Nam cũng như các cơ quan quản lý hiện nay.

Tại Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến đánh giá, thảo luận của các đại biểu về hiện trạng quản trị trong các ngân hàng Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế. Qua đó, đề xuất giải pháp tăng cường năng lực quản trị cho các NHTM Việt Nam cũng như khả năng giám sát hệ thống ngân hàng của các cơ quan quản lý.

Đồng thời, Hội thảo cũng hướng tới việc lan tỏa và tăng tính ứng dụng của các sản phẩm nghiên cứu, tạo ra một diễn đàn trao đổi học thuật giữa các nhà khoa học, quản trị ngân hàng, hoạch định chính sách và các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục