Mở cửa vào thị trường Đông Dương

(ĐTCK-online) Sau 1 năm mở cửa Chi nhánh tại Lào, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã tiến thêm một bước vào thị trường tài chính Đông Dương bằng việc khai trương Chi nhánh Pnomphenh, Campuchia.
Mở cửa vào thị trường Đông Dương

Sự kiện này, theo lời Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Campuchia, ông Chea Chanto, không những thắt chặt thêm mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước, mà còn cho thấy niềm tin và cơ hội của các nhà đầu tư quốc tế trên thị trường ngân hàng tại Campuchia…

Đến với ngân hàng là góp phần phát triển đất nước

Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Campuchia cho biết, hiện Campuchia có 27 ngân hàng đang hoạt động, trong đó có 21 ngân hàng nội địa và 6 ngân hàng nước ngoài.

Với dân số khoảng 14 triệu người, thị trường tài chính, ngân hàng đang trong giai đoạn đầu phát triển, Thống đốc cho rằng, đây là điều kiện thuận lợi nhất cho các ngân hàng nước ngoài, trong đó có Việt Nam hiện diện tại Campuchia để tận dụng cơ hội của những người đi đầu. 

Cũng theo Thống đốc, trong năm 2011, mặc dù bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng kinh tế Campuchia vẫn tăng trưởng 6,4%.

Thống kê tại Campuchia cho biết, số người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng đang ngày càng tăng lên, tính đến nay đã có trên 1,2 triệu người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng với số tiền khoảng 5 tỷ USD.

Bên cạnh đó, người sử dụng dịch vụ tín dụng ngân hàng hiện khoảng 300.000 người với mức cấp tín dụng trên 4 tỷ USD.

Tại Campuchia, phương tiện thanh toán được thực hiện song song giữa đồng bản tệ và đồng USD, thậm chí ở những khu vực trung tâm, đồng USD trở thành phương tiện thanh toán chính yếu.

Với một thị trường dân số trẻ, giàu tiềm năng du lịch, lâm nghiệp và thương mại, Campuchia hấp dẫn bằng chính khả năng sinh lợi của đồng vốn và sự linh hoạt của dòng chảy vốn trên thị trường này.

Chỉ riêng dịch vụ du lịch tại Siem Riep - một trong 24 tỉnh thành tại Campuchia, 2 năm gần đây mỗi năm đón khoảng 2 triệu khách quốc tế, doanh số của ngành du lịch nơi đây đã là trên 40 triệu USD/năm.

Điểm chưa hoàn thiện lớn nhất tại thị trường Campuchia có lẽ là các quy định pháp lý chưa thực sự hoàn chỉnh. Tại đây, Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng mới được xây dựng, còn rất mới mẻ để triển khai trên thực tế. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức với những tổ chức ngân hàng cung cấp dịch vụ tại đất nước xinh đẹp này.

Tuy nhiên, Thống đốc Chea Chanto cho biết, Campuchia sẽ hoàn thiện quy định pháp lý theo tiêu chuẩn quốc tế để xây dựng văn hóa cạnh tranh công bằng, tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư cũng như người dân bản xứ.

Thống đốc Chea Chanto chia sẻ, quan điểm mà ông đang và sẽ truyền tải đến người dân xứ chùa tháp là đến với ngân hàng là góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế cho chính quốc gia mình.

Mở cửa vào thị trường Đông Dương ảnh 1

Chủ tịch MB, Thượng tướng Lê Hữu Đức (thứ 3 từ phải sang) và Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Campuchia Chea Chanto (thứ 4 từ phải sang) cùng các quan khách hai nước cắt băng khai trương Chi nhánh MB tại Pnomphenh

Cơ hội cho DN Việt Nam

Không phải là ngân hàng đầu tiên bước chân vào Campuchia, nhưng MB có một thế mạnh đặc biệt khi cổ đông chiến lược của Ngân hàng - Viettel đã xác lập được vị trí số 1 về dịch vụ viễn thông tại Đông Dương.

Bên cạnh đó, một số DN lớn của Việt Nam trong các ngành như khai khoáng, cao su, lâm nghiệp, xăng dầu, dịch vụ viễn thông… đã đến và mở rộng hoạt động tại Lào và Campuchia.

Đây là những khách hàng căn bản ban đầu cho các ngân hàng Việt Nam nói chung, MB nói riêng trong việc cung ứng những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng và xác lập thị trường tại Đông Dương.

Tại Lào, với vốn đầu tư ban đầu 12 triệu USD, MB hiện có dư nợ tín dụng gần 100 triệu USD và đã có lợi nhuận ngay trong năm đầu hoạt động.

Tại Campuchia, MB quyết định vốn đầu tư ban đầu cho chi nhánh ở đây cao gấp 3 lần, tới 39 triệu USD để có tiềm lực tài chính đủ sức hoạt động an toàn và cung ứng tín dụng ngay từ ngày đầu hoạt động.

Theo ông Lê Công, Tổng giám đốc MB, Đông Dương là khu vực kinh tế rất có tiềm năng phát triển, bên cạnh những DN đi đầu  như Viettel, Tập đoàn Than - Khoáng sản, Vietnam Airlines, Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Cao su…, thị trường này còn nhiều dư địa cho các DN Việt Nam khác. Chẳng hạn, những DN trong các ngành như phân bón, xi măng… còn nhiều cơ hội, do đây là những lĩnh vực mà các DN Campuchia chưa tự sản xuất được.

Ông Lê Công cho biết, MB sẽ hỗ trợ các DN Việt Nam đến đầu tư mới vào thị trường này để cùng khai thác tiềm năng tại Đông Dương - một khu vực kinh tế đang trên đà tăng trưởng với chính sách kinh tế mở, thông thoáng.

Với trải nghiệm của người đi trước và sự chia sẻ của đối tác lớn Viettel , MB cho biết, sẽ mở những hội nghị khách hàng để tư vấn và hỗ trợ các DN Việt Nam trên con đường tìm cơ hội đầu tư tại Đông Dương.

Hàng chục đầu báo đã đưa tin sự kiện khai trương MB tại Pnomphenh ngày 20/12/2011, thể hiện sự đón chào nồng hậu của người dân đất nước chùa tháp. Gần 2 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Campuchia chỉ trong 9 tháng đầu năm nay cho thấy quan hệ kinh tế giữa 2 nước đang ngày càng rộng mở.

Với những nét tương đồng về văn hóa, điều kiện phát triển kinh tế, Campuchia nói riêng, khu vực Đông Dương nói chung là sự lựa chọn đáng quan tâm cho các DN Việt Nam

 

Thượng tướng Lê Hữu Đức
Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

 

Sau 17 năm hoạt động, MB đã trở thành một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam, có tốc độ phát triển nhanh, liên tục, bền vững, đảm bảo an toàn, đảm bảo hài hòa quyền lợi của cổ đông, khách hàng và cộng đồng.

 

Mục tiêu của MB trong 5 năm tới là nằm trong TOP 3 ngân hàng TMCP tốt nhất Việt Nam . Sự kiện MB khai trương Chi nhánh tại Vương quốc Campuchia có ý nghĩa to lớn với MB, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quá trình mở rộng hoạt động ra tầm khu vực.       

 

Ông Đặng Thanh Bình
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam


Việt Nam là nước có nền kinh tế đang phát triển. Ngành tài chính ngân hàng được coi là công cụ chiến lược cho sự phát triển đó.

 

Trong hơn 10 năm qua, với chiến lược hiện đại hóa hệ thống ngân hàng, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống ngân hàng tương đối vững mạnh.

 

Theo đánh giá của Moody's, công ty đánh giá xếp hạng tín dụng ngân hàng hàng đầu tại Mỹ, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.


Các ngân hàng Việt Nam đã và đang có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài. Sau Sacombank, Agribank và BIDV , MB là ngân hàng thứ 4 của Việt Nam hiện diện tại Campuchia.

 

MB là một trong những ngân hàng TMCP lớn mạnh tại Việt Nam cả về khả năng tài chính và năng lực hoạt động. Tôi hy vọng rằng, một số ngân hàng Việt Nam khác cũng sẽ có kế hoạch mở rộng tại thị trường tiền năng này.

Tường Vi
Tường Vi

Tin cùng chuyên mục