“Miễn, giảm, giãn thuế để khoan sức dân”

Các phương án miễn giảm, giãn thuế cho một loạt đối tượng sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định vào kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII, diễn ra từ 21/7 tới.
Nếu được Quốc hội thông qua thì kể từ 1/8, Việt Nam sẽ thực hiện việc đồng loạt các chính sách miễn giảm giãn thuế cho một số đối tượng Nếu được Quốc hội thông qua thì kể từ 1/8, Việt Nam sẽ thực hiện việc đồng loạt các chính sách miễn giảm giãn thuế cho một số đối tượng

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, giải thích thêm về các phương án này.

 

Ngay từ tháng 1, khi xuất hiện lạm phát cao, Bộ Tài chính đã tính đến các phương án miễn, giảm, giãn thuế để khoan sức dân. Nhưng cũng đã có nhiều ý kiến không tán thành với chủ trương này và động lực nào để Bộ Tài chính vẫn muốn kiên trì thực hiện?

Chúng tôi nghĩ rằng để hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế  vĩ mô, giảm bớt khó khăn cho người lao động thì không thể thiếu các chính sách khoan sức dân. Chẳng hạn, việc miễn thuế đối với các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công và đầu tư chứng khoán là một cách hỗ trợ thiết thực nhất cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả tăng cao.

 

Sau nhiều tháng bàn thảo, Bộ đã “quyết” cho những đối tượng nào sẽ được hưởng chính sách miễn, giảm, giãn thuế lần này?

Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ chi tiết về chính sách miễn giảm thuế  và gia hạn nộp thuế với một số đối tượng. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí với đề nghị này của Bộ và sẽ trình lên Quốc hội xem xét.

Nếu được Quốc hội thông qua thì kể từ 1/8, chúng ta sẽ thực hiện việc đồng loạt các chính sách miễn giảm giãn thuế cho một số đối tượng.

Thứ nhất là về miễn thuế. Các khoản thu nhập từ tiền lương tiền công và các hoạt động đầu tư chứng khoán sẽ được miễn đóng thuế cho đến hết ngày 31/12/2012. Người có thu nhập từ 9 triệu đồng trở xuống, thuộc bậc 1 đang chịu thuế suất 5%, cũng sẽ được miễn nộp trong một năm.

Tức là người thu nhập không quá 6,6 triệu đồng một tháng và có một người phụ thuộc; hoặc người có thu nhập không quá 8,2 triệu đồng và có hai người phụ thuộc cũng nằm trong diện được miễn thuế.

Đối với loại thuế thu nhập cá nhân đang áp dụng cho nhà đầu tư cổ tức, chuyển nhượng chứng khoán, thì nhà đầu tư được miễn thuế thu nhập từ cổ tức - ngoại trừ cổ tức chia từ các ngân hàng, quỹ đầu tư... -  và thuế chuyển nhượng chứng khoán trong một năm. Đề xuất miễn cho đối tượng này vì khi xét trên bình diện tổng thể, chúng tôi thấy rằng nhà đầu tư hầu như không có thu nhập, thậm chí lỗ.

Do vậy, việc miễn thuế đối với các hoạt động đầu tư này là một cách tốt nhất để góp phần hồi phục thị trường và hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh này. Mặt khác, khi miễn thuế thu nhập từ cổ tức cũng là để công bằng với việc không thu thuế thu nhập cá nhân từ lãi tiết kiệm, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư trực tiếp vào sản xuất kinh doanh.

Thứ hai là về giảm, giãn thuế. Giảm thuế giá trị gia tăng 50% thuế khoán - gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân - đối với những hộ có nhà cho công nhân ở khu công nghiệp thuê, hộ kinh doanh suất ăn giữa ca cho công nhân... với điều kiện các hộ này không tăng giá cho thuê nhà trong năm 2011.

Thực tế thì qua 6 tháng đầu năm, như tại Tp.HCM, đã có trên 65.000 hộ cho thuê nhà không tăng giá cho thuê. Đối với việc giãn thuế thì cùng với việc giãn thuế thu nhập doanh nghiệp một năm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, lần này mở rộng thêm đối tượng được giãn là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Chính phủ cũng sẽ trình Quốc hội cho phép giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những doanh nghiệp thuộc đối tượng đã được giãn.

 

Tổng thu ngân sách sẽ bị “hụt” khoảng bao nhiêu nếu thực thi các chính sách miễn, giảm, giãn này, thưa ông?

Với quyết định giãn thì số thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 chậm nôp ngân sách nhà nước sẽ là khoảng 13 nghìn tỷ đồng. Với việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, thì ngân sách nhà nước sẽ không còn một khoản thu khoảng 7.000 tỷ đồng.


VNE

Tin cùng chuyên mục