M&A ngân hàng: Vốn ngoại đang chờ

(ĐTCK) Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng khá trầm lắng trong hơn 3 năm qua, nhưng dự báo sắp sôi động trở lại khi nhiều nhà đầu tư ngoại đang muốn đầu tư lớn vào các ngân hàng Việt Nam.
M&A ngân hàng: Vốn ngoại đang chờ

Hàng chục ngàn tỷ đồng vốn ngoại đang chờ

Vài năm qua, chưa có thương vụ M&A lớn nào trong ngành ngân hàng Việt Nam, có chăng chỉ là sự điều chỉnh chiến lược của một số ngân hàng ngoại dẫn tới thương vụ M&A trong khối, như trường hợp Shinhan Bank mua mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận định, M&A lĩnh vực tài chính - ngân hàng sắp có “sóng”.

Mới đây, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc là KEB Hana Bank đã mua 15% cổ phần của Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), với mức giá khoảng 33.640 đồng/cổ phần. 

Trước đó, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bán 3% vốn cho GIC Private Limited và Mizuho Bank Ltd, thu về 6.200 tỷ đồng. Ðược biết, Vietcombank lên phương án bán tiếp 6,5% cổ phần từ nay đến năm 2020, nhiều nhà đầu tư ngoại đang xem xét cơ hội đổ vốn vào ngân hàng này. Trong đó, GIC sau khi mua 2,55% vốn Vietcombank mong muốn được tham gia đợt chào bán cổ phần sắp tới.

Bên cạnh đó, thương vụ sáp nhập Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (PGBank) vào Ngân hàng Phát triển nhà TP.HCM (HDBank) với việc hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1: 0,62 dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, theo ông Nguyễn Hữu Ðặng, Tổng giám đốc HDBank.

Mặc dù “room” ngoại trong các ngân hàng tối đa là 30% và Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi Nghị định 101/2012/NÐ-CP theo hướng hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán tối đa không quá 30%, nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang muốn đổ vốn vào hai lĩnh vực này.

Hàng chục nghìn tỷ đồng vốn ngoại dự kiến sẽ đổ vào các ngân hàng Việt Nam, kể cả một số nhà băng yếu kém, đang trong quá trình tái cơ cấu như PGBank, Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Ðại Dương (Oceanbank).

Ông Han Chang-woo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Maruhan bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Chính phủ, Thủ tướng và các cơ quan chức năng của Việt Nam trong tiến trình tham gia tái cơ cấu một số ngân hàng, đặc biệt là Oceanbank.

Ngân hàng J.Trust của Nhật Bản đang muốn mua cổ phần CBBank. Ðối thủ của J.Trust trong thương vụ này là Tập đoàn Clermont của Singapore khi cũng muốn tham gia tái cấu trúc CBBank. Một số nhà đầu tư nước ngoài khác đang đàm phán mua lại GPBank.

Trước đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã ngỏ ý muốn mua lại 3 ngân hàng nói trên, thậm chí đi vào vòng đàm phán cuối cùng, nhưng thất bại do quy định về sở hữu ngân hàng của Việt Nam. Chẳng hạn, UOB muốn mua lại 100% vốn của GPBank trước khi bắt buộc bán lại cho Ngân hàng Nhà nước.

Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ cho biết, Chính phủ chủ trương không cấp thêm giấy phép thành lập ngân hàng 100% vốn ngoại, nhưng khuyến khích các ngân hàng nước ngoài mua các ngân hàng yếu kém và hiện có không ít ngân hàng nước ngoài quan tâm tới các thương vụ M&A. Ðiều này có nghĩa, nhà đầu tư nước ngoài có thể được mua cổ phần chi phối đối với ngân hàng Việt Nam, thậm chí sở hữu 100%.

M&A ngân hàng sẽ sôi động

Bà Trần Thị Bảo Ngọc, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng đầu tư, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS) dự báo, thị trường M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Từ nay đến cuối năm cũng như những năm tới, tài chính - ngân hàng vẫn là ngành hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại.

Thời gian qua, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng trong nước được cải thiện đáng kể. Do đó, mặc dù bị giới hạn về room, song điều đó không làm giảm sự quan tâm của khối ngoại, đặc biệt là nhà đầu tư Hàn Quốc.

Theo ông Masataka "Sam" Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ M&A xuyên quốc gia của Recof Corporation, hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng kỳ vọng sẽ khởi sắc trong thời gian tới, do hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng trong nước được cải thiện đáng kể và quy định về việc áp dụng chuẩn mực vốn theo Basel II sẽ bắt đầu từ năm 2020.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital khuyến nghị, giới hạn sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng trong nước nên được tăng từ mức 30% hiện tại lên 49%, tạo điều kiện cho các ngân hàng huy động vốn ngoại.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nguyên nhân chính khiến thị trường M&A thời gian qua trầm lắng là do trong nước thiếu vắng những nhà đầu tư nội có tiềm lực tài chính. Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại không được vay tiền để mua cổ phần của ngân hàng khác như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, việc mạnh tay xóa sở hữu chéo góp phần khiến hoạt động M&A im ắng.

Cụ thể, Thông tư 46/2018/TT-NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, cổ đông lớn và người có liên quan khắc phục tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung), chậm nhất là 31/12/2020. Tuy nhiên, sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại tới các ngân hàng trong nước sẽ khiến hoạt động M&A hàng sôi động trong thời gian tới.     

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục