Lợi nhuận ngân hàng quý II tiếp tục sáng

(ĐTCK) Kinh tế 6 tháng đầu năm 2018 ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, trong đó có đóng góp tích cực của ngành tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng. Theo đó, bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý II/2018 hứa hẹn nhiều gam màu sáng.
Tuy chưa công bố con số cụ thể, nhưng nhiều ngân hàng cho biết, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng trên 50% Tuy chưa công bố con số cụ thể, nhưng nhiều ngân hàng cho biết, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng trên 50%

Nhiều ngân hàng lợi nhuận tăng trưởng Hơn 50% sau 6 tháng

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ kinh doanh 6 tháng cuối năm 2018 của Vietcombank diễn ra mới đây, ông Phạm Quang Dũng - Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, nhờ các mảng kinh doanh đều đạt kết quả khả quan, 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 7.722 tỷ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm 2017 và hoàn thành 55,2% kế hoạch cả năm.

"Các chỉ tiêu sinh lời như NIM (lãi cận biên) đạt 2,76%; ROAA (lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân) đạt 1,24%; ROAE (lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân) đạt 22,71%, đều tăng mạnh so với năm 2017 và cao hơn mặt bằng chung của thị trường", ông Dũng nói.

Năm 2018 , Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 14% so với năm 2017; huy động vốn tăng 15%; tín dụng tăng 15%; nợ xấu dưới 1,5%; lợi nhuận trước thuế tăng 14,6%, đạt 13.000 tỷ đồng. Dù vậy, theo giới phân tích, có khả năng Vietcombank sẽ vượt chỉ tiêu này, với con số lợi nhuận dự báo đạt khoảng 14.000 tỷ đồng trong năm nay.

Tại VIB, tính đến hết quý I/2018 , dư nợ tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đạt gần 90.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cuối năm 2017, trong đó dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 84.000 tỷ đồng. Nhờ đó, dù chưa hết 5 tháng đầu năm 2018, theo lãnh đạo VIB, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 918 tỷ đồng, tăng gần 230% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018; doanh thu đạt 2.187 tỷ đồng, tăng 57%.

Với ACB, tuy không tiết lộ con số cụ thể, nhưng ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho hay, Ngân hàng đã hoàn thành hơn 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018 sau 5 tháng đầu năm.

"Năm 2018, ACB đặt mục tiêu đạt 5.669 tỷ đồng lợi nhuận. Hiện ACB đang nỗ lực xử lý nợ xấu để được hoàn nhập dự phòng rủi ro khoảng 500 tỷ đồng. Do đó, khả năng ACB có thể đạt hơn 6.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay", ông Toàn nói.

Được biết, kết thúc quý I/2018, ACB đạt lợi nhuận 1.491 tỷ đồng, tăng 151% so với cùng kỳ năm 2017. Năm nay, ACB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong mức Ngân hàng Nhà nước phân bổ là 15% và sau 5 tháng đầu năm đã sử dụng quá nửa.

Rục rịch nâng kế hoạch lợi nhuận năm

Nhờ hoạt động kinh doanh 2 quý đầu năm khởi sắc, trong khi dư địa tăng trưởng tín dụng còn nhiều, nên không ít nhà băng dự kiến điều chỉnh tăng chỉ tiêu lợi nhuận 2018.

Chẳng hạn, HDBank cho biết, với việc sáp nhập PG Bank thời gian tới, HDBank sẽ nâng chỉ tiêu lợi nhuận năm 2018 lên hơn 4.712 tỷ đồng, thay vì mức 3.933 tỷ đồng kế hoạch như trước đó. Kết thúc quý I/2018, HDBank đạt hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và ước tính đạt con số lợi nhuận mỗi quý tiếp sẽ đạt trên con số này. Tính đến hết tháng 5/2018, tăng trưởng tín dụng của HDBank đạt hơn 14%.

VPBank, MBBank, Techcombank... cũng là các ngân hàng được dự báo sẽ có đột phá về lợi nhuận trong nửa đầu năm 2018, cũng như khả năng vượt chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm, khi đã đạt kết quả kinh doanh khả quan từ quý đầu năm.

Đơn cử, kết thúc quý I/2018, cùng với lãi từ hoạt động khác tăng mạnh, thu nhập từ tín dụng của VPBank tăng trưởng 25% so với cùng kỳ 2017, giúp lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.619 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2017 và hoàn thành 24% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, do tín dụng tăng trưởng mạnh nên tỷ lệ nợ xấu của VPBank cũng tăng cao, đạt 4,15%.

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý I/2018, MBBank đạt lợi nhuận trước thuế 1.746 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2017. Năm 2018, MBBank kế hoạch tổng tài sản tăng khoảng 11%, đạt 347.600 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 47%, đạt 6.800 tỷ đồng; lợi nhuận riêng của ngân hàng là 6.500 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%.

Tại nhóm ngân hàng quy mô nhỏ hơn, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.000 tỷ đồng trong năm 2018, tăng gấp đôi so với thực hiện năm 2017.

Kết thúc quý I/2018, OCB đã thu về 600 tỷ đồng lợi nhuận, song lãnh đạo ngân hàng này cho biết, tuy ngân sách trích lập năm 2018 là 500 tỷ đồng (đã bao gồm 20% nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng - VAMC trích theo quy định và nội bảng), nhưng nhiều khả năng sẽ thu hồi được toàn bộ nợ xấu 728 tỷ trái phiếu VAMC và không phải trích lập dự phòng.

Được biết, OCB chưa đưa khoản mục này vào dự toán lợi nhuận trước thuế năm 2018, nên khả năng OCB vượt chỉ tiêu lợi nhuận là có cơ sở.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, trong bối cảnh cạnh tranh để giữ và mở rộng thị phần tín dụng ngày càng gay gắt, lãi suất cho vay đang được các ngân hàng nỗ lực giảm dần, nhưng chi phí huy động vốn khó giảm khi lãi suất đầu vào tăng, nên các ngân hàng thận trọng khi xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận là dễ hiểu.

"Tuy nhiên, với việc tín dụng tăng trưởng mạnh ngay từ đầu năm và tình hình kinh tế được dự báo tiếp tục ổn định, lợi nhuận ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ trong năm nay", ông Hiếu nói.

TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế phân tích, ngoài hoạt động chính là tín dụng, lợi nhuận mà các ngân hàng thu về còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chi phí hoạt động, trích lập dự phòng rủi ro, thu hồi nợ xấu... Để giảm phụ thuộc vào tín dụng, theo ông Tín, các ngân hàng cần tiếp tục nâng tỷ trọng doanh thu từ dịch vụ trong tổng nguồn thu của ngân hàng lên khoảng 20-40%, thay vì ở mức 10-15% như hiện tại.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018 của Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến 20/6/2018, tổng phương tiện thanh toán toàn ngành ngân hàng tăng 7,96% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm trước tăng 5,69%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7,78% (cùng kỳ năm 2017 tăng 5,89%). Mặt bằng lãi suất được giữ ổn định, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 2,3% (cuối năm 2017 là 2,5%). Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, hệ thống tổ chức tín dụng xử lý được khoảng 20.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, xử lý bằng dự phòng rủi ro chiếm 62,9%; khách hàng trả nợ chiếm 28,8%; bán nợ cho VAMC chiếm 4,3%; phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ chiếm 1,9%; còn lại là các hình thức khác. 

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục