Lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm có thể tăng chậm lại

(ĐTCK) Những ngân hàng đầu tiên công bố kết quả 6 tháng đầu năm 2017 đã cho thấy những khoản lãi ấn tượng. Nhưng triển vọng kinh doanh của ngành này trong nửa cuối năm, theo nhiều chuyên gia dự báo, có thể kém sáng.
Biên lợi nhuận của các ngân hàng đang hẹp lại khi thực hiện chính sách giảm lãi suất với lĩnh vực ưu tiên Biên lợi nhuận của các ngân hàng đang hẹp lại khi thực hiện chính sách giảm lãi suất với lĩnh vực ưu tiên

Một loạt ngân hàng báo lãi 6 tháng ấn tượng

Đến thời điểm này, những ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2017 đều cho thấy lợi nhuận tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử, Vietcombank báo lãi trước thuế 6 tháng đạt 5.054 tỷ đồng, tăng 20,5% so cùng kỳ 2016, hoàn thành 53,2% kế hoạch lợi nhuận năm 2017.

Đà tăng trưởng lợi nhuận tích cực cũng diễn ra tại hai ngân hàng khác trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần “gốc quốc doanh” là Vietinbank và BIDV trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, VietinBank đạt hơn 4.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 53% kế hoạch năm 2017. BIDV lãi trước thuế 4.050 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 54% kế hoạch năm 2017.

Các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng ghi nhận lợi nhuận 6 tháng rất khả quan. ACB lãi trước thuế 1.262 tỷ đồng, tăng 52,6% so với cùng kỳ và đã hoàn thành 63% kế hoạch lợi nhuận năm. Ngay Sacombank, ngân hàng đang đẩy mạnh tái cơ cấu sau khi sáp nhập với SouthernBank cũng báo lãi trước thuế 428 tỷ đồng, tăng 70,4% so với cùng kỳ 2016.

Lợi nhuận của các ngân hàng tăng mạnh một phần do tín dụng tăng trưởng tốt ngay từ những tháng đầu năm. Số liệu được đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2017, tín dụng tăng gần 8% so với cuối năm 2016, mức tăng cao nhất trong 6 năm gần đây.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận xét: “Sáu tháng đầu năm 2017, tăng trưởng tín dụng tốt đã giúp các ngân hàng có doanh thu cao hơn năm ngoái, bởi với hệ thống ngân hàng Việt Nam, lợi nhuận đến chủ yếu từ tín dụng”.

Bên cạnh đó, việc quyết liệt hơn trong xử lý nợ xấu đã giúp một số ngân hàng hoàn nhập nhiều khoản dự phòng vào lợi nhuận. Theo chia sẻ của lãnh đạo cao cấp ACB, năm 2012, nợ xấu của Ngân hàng ở mức 2,4% thì đến nay đã kiểm soát ở mức 1,4%.

Trong giai đoạn 2015 - 2016, ACB đã xử lý hơn 4.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó dưới 30% bán cho VAMC. “Chúng tôi đang có lộ trình giảm mạnh số nợ bán cho VAMC”, vị lãnh đạo ACB nói.

Trong tổng thể hệ thống, số liệu nợ xấu không những không giảm, mà còn tăng trong bối cảnh một số ngân hàng thông tin kết quả xử lý nợ xấu của ngân hàng mình tốt   

Ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank chia sẻ, giai đoạn cuối năm 2013, Techcombank công bố nợ xấu trên 3%, nhưng đến ngày 31/12/2016, con số này đã giảm xuống còn 1,57%.

Để đưa nợ xấu giảm về mức này, một trong những giải pháp Techcombank lựa chọn là thực hiện bán nợ cho VAMC với tổng nợ gốc hơn 5.500 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm quý II/2017, Techcombank tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành trên cơ sở xử lý nguồn tài sản bảo đảm và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro mua lại toàn bộ số nợ xấu đã được bán cho VAMC.

“Từ năm 2013 đến nay, bình quân mỗi năm, Techcombank thu hồi nợ xấu từ việc xử lý nợ có tài sản bảo đảm theo Nghị định 163 trên 1.100 tỷ đồng, chiếm 1/3 trong tổng số hoạt động xử lý nợ xấu của Ngân hàng hàng năm”, ông Tuấn Anh nói.

Trong khi đó, tại Vietcombank, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nghiêm Xuân Thành cho biết: “Cuối năm 2016, Ngân hàng mua lại toàn bộ 4.300 tỷ đồng nợ xấu từ VAMC và tự xử lý số nợ xấu này bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Khi nợ xấu được thu hồi sẽ góp phần nâng cao năng lực tài chính cho Ngân hàng”.

Thận trọng dự báo lợi nhuận nửa cuối năm

Trái với kết quả lợi nhuận mà nhiều ngân hàng đạt được trong nửa đầu năm nay, bức tranh lợi nhuận nửa cuối năm dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, lãnh đạo ngân hàng có thể sẽ kém sáng.

Nguyên nhân thứ nhất là tỷ lệ lãi biên (NIM) của các ngân hàng tiếp tục sụt giảm mạnh cùng với quyết định hạ trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước mới đây.

Cụ thể, theo Quyết định số 1425/QĐ-NHNN ngày 7/7/2017 của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 10/7/2017, trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay hạ xuống, trong khi các ngân hàng lại có xu hướng tăng nhẹ mặt bằng lãi suất huy động, để cân bằng cơ cấu kỳ hạn vốn, cũng như chuẩn bị nguồn cho tăng trưởng tín dụng.

Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, sau chỉ đạo giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, VietinBank đã giảm lãi cho vay VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ về mức tối đa 6,5%/năm.

Khẳng định mặt bằng lãi suất giảm xuống mức như hiện nay thực sự là nỗ lực rất lớn của các ngân hàng nhằm chia sẻ lợi nhuận với cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, ông Thọ nhấn mạnh: “NIM của hệ thống các ngân hàng hiện nay đã khá thấp, không thể thu hẹp thêm được nữa vì sẽ ảnh hưởng đến an toàn hoạt động ngân hàng”.

Bên cạnh đó, đi kèm với việc tín dụng tăng trưởng nhanh trong những tháng đầu năm, theo các chuyên gia, nợ xấu tại nhiều ngân hàng có xu hướng tăng lên. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam cho rằng, có những ngân hàng thu hồi nợ tốt, nhưng có thể một số ngân hàng khác xử lý nợ còn nhiều khó khăn.

Trong tổng thể hệ thống, số liệu nợ xấu không những không giảm, mà còn tăng trong bối cảnh một số ngân hàng thông tin kết quả xử lý nợ xấu của ngân hàng mình tốt.

“Khi tất cả các ngân hàng công bố báo cáo tài chính được kiểm toán, điều này sẽ thể hiện rõ ràng”, bà Dương nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng có cùng quan ngại: “Nợ xấu thực ra không giảm mà âm thầm tăng. Đặc biệt, khi tín dụng tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm, nguy cơ nợ xấu quay lại mạnh hơn trong cuối năm là hiện hữu và điều này tác động rõ rệt lên kết quả kinh doanh cuối năm của các ngân hàng”.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của MB cho biết, từ đầu năm đến cuối quý II/2017, chi phí dự phòng của Ngân hàng là 1.200 tỷ đồng, tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm trước (hơn 550 tỷ đồng). BIDV đã trích lập hơn 6.000 tỷ đồng nợ xấu trong, tăng mạnh so với mức  gần 4.500 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng những tháng cuối năm dự báo cũng tiếp tục phân hóa mạnh mẽ. Theo đó, ngân hàng thương mại lớn của Nhà nước vẫn sẽ tiếp tục dẫn đầu hệ thống về lợi nhuận với dự báo lợi nhuận trước thuế khoảng 4.000 – 5.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm. Kế đó là những ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn với con số lợi nhuận từ 1.000 – 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, những ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, quy mô hoạt động cũng như thương hiệu còn “khiêm tốn”, lợi nhuận có thể vẫn lẹt đẹt ở mức vài trăm tỷ đồng.                          

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục