Lợi nhuận ngân hàng: Chỉ tiêu thấp cho “dễ thở”!

(ĐTCK) Tại ĐHCĐ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) diễn ra ngày 17/4, cổ đông lớn đã phản đối về chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Ngày 18/4, ĐHCĐ ACB cũng có những thắc mắc tương tự.
Eximbank đưa ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2009 ở mức 1.500 tỷ đồng. Eximbank đưa ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2009 ở mức 1.500 tỷ đồng.

Theo kế hoạch trình ĐHCĐ, Eximbank đưa ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2009 ở mức 1.500 tỷ đồng (năm 2008 đạt 969 tỷ đồng); vốn điều lệ dự kiến tăng từ 7.220 tỷ đồng lên 8.800 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 63.300 tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước; tổng nguồn vốn huy động đạt 45.300 tỷ đồng, tăng 40%; dư nợ đạt 34.000 tỷ đồng, tăng 60%.

Mặc dù các chỉ tiêu đều tăng khá, song cổ đông lớn của Eximbank là Ngân hàng Á Châu (ACB), đang nắm giữ 22% cổ phần (có kế hoạch tăng lên 30 - 35%) cho rằng, kế hoạch mà Eximbank đưa ra quá khiêm tốn, thậm chí thể hiện tính “co cụm”, không xứng tầm với thương hiệu của một ngân hàng nằm trong Top 5 ngân hàng TMCP hiện nay.

Theo ông Phạm Trung Cang, Phó chủ tịch HĐQT ACB, 969 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2008 (lợi nhuận sau thuế là 711 tỷ đồng) cũng chưa xứng với tiềm năng của Eximbank, bởi Ngân hàng có vốn điều lệ và quỹ thặng dư lên đến 13.000 tỷ đồng (vốn điều lệ của Ngân hàng trong năm qua tăng 2,5 lần so với cuối năm 2007). “Với lượng vốn này, nếu đem gửi với lãi suất bình quân 10 - 12%/năm thì chẳng làm gì hết Eximbank cũng thu về được 1.200 tỷ đồng lợi nhuận”, ông Cang nói.

Trả lời thắc mắc trên của cổ đông, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT Eximbank thừa nhận, khuyết điểm lớn nhất trong điều hành của Ngân hàng là chưa thực sự linh hoạt. Việc kiểm soát rủi ro nợ quá hạn trong năm qua còn tồn tại nhiều yếu kém nên đã đẩy nợ xấu tăng (năm 2008, nợ xấu của Eximbank là 1.000 tỷ đồng, chiếm 4,71% tổng dư nợ, tăng khá so với các ngân hàng khác). Song, Eximbank là ngân hàng đã có một giai đoạn rất khó khăn, do đó năm 2009 được xem là năm bản lề của chiến lược phát triển trong giai đoạn sắp tới. Với kế hoạch lợi nhuận đề ra cho năm nay, HĐQT Eximbank đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Sau 3 lần họp với ban điều hành từ mức đề xuất 900 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng và cuối cùng đi đến thống nhất ở mức 1.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế thu về trong năm nay, HĐQT Eximbank cho rằng, đây là mức phù hợp trong bối cảnh thị trường vẫn đang có những khó khăn nhất định. Eximbank thừa nhận, bộ máy quản trị và điều hành còn thua kém so với ACB nên không thể đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức 2.000 tỷ đồng như đề xuất từ cổ đông lớn là ACB.

Ông Long cho rằng, để đạt được mức lợi nhuận cao trong năm nay, Eximbank phải tăng cường huy động vốn và cho vay. Nhưng với điều kiện thị trường lúc này, phát triển tín dụng nhanh cũng rất rủi ro và nguy cơ nợ xấu tăng. Do đó, HĐQT Eximbank đã đề nghị cổ đông lớn ACB chấp thuận và HĐCĐ đã thông qua kế hoạch hoạt động như các chỉ tiêu được Ngân hàng xây dựng.

Mặc dù “chê” Eximbank đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận năm 2009 ở mức thấp, song chính ACB cũng bị cổ đông “chê” tương tự tại ĐHCĐ sáng 18/4 khi mục tiêu lợi nhuận mà ACB đưa ra là 2.700 tỷ đồng, chỉ cao hơn 144 tỷ đồng so với năm 2008. Một số cổ đông đề xuất, mức lợi nhuận phải là 3.000 - 3.500 tỷ đồng

Trước chất vấn của cổ đông, ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch HĐQT ACB giải thích, mục tiêu lợi nhuận đề ra trong năm nay đã được HĐQT và Ban điều hành Ngân hàng cân nhắc kỹ do thị trường còn khó khăn. Trong tháng 5 tới, Quốc hội sẽ họp để thông qua việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2009 từ 6,5% xuống 5%. Do đó, mục tiêu lợi nhuận đề ra cũng phải dựa trên tình hình của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB cho biết, trước khi đưa mục tiêu lợi nhuận 2.700 tỷ đồng, Ngân hàng đã có không dưới 10 cuộc họp để bàn về vấn đề này, trong đó có đề xuất mức 3.500 tỷ đồng, nhưng sau khi xem xét đã đi đến thống nhất đưa ra chỉ tiêu trên cho năm 2009. Mặt khác, theo ông Kiên, nếu hòa luôn cả khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán năm 2008 của ACB là 500 tỷ đồng vào lợi nhuận trong năm nay thì mức thu về sẽ cao hơn so với chỉ tiêu.

Trên thực tế, không chỉ với Eximbank và ACB, mà một số ngân hàng khác cũng đề ra kế hoạch lợi nhuận khiêm tốn trong năm nay. Lãnh đạo một ngân hàng tâm sự, chỉ tiêu thấp mà mức thu về cao mới “dễ thở”, còn chỉ tiêu cao mà thu về thấp thì áp lực với cổ đông càng gia tăng.

Vân Linh
Vân Linh

Tin cùng chuyên mục