Lợi nhuận điều chỉnh, ngân hàng vẫn lo

(ĐTCK-online) Nhiều ngân hàng đã thông báo con số lợi nhuận sau thuế quý III “không tệ” trong bối cảnh nền kinh tế rất khó khăn.
Lợi nhuận điều chỉnh, ngân hàng vẫn lo

Điển hình như VietinBank đạt 1.394 tỷ đồng, Vietcombank đạt 1.025 tỷ đồng, Techcombank đạt 619,22 tỷ đồng, Eximbank lãi ròng 759 tỷ đồng, Sacombank lãi ròng 456 tỷ đồng… Những con số trên khá ấn tượng trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, nhưng nếu so với quy mô vốn các ngân hàng lên tới cả chục nghìn tỷ đồng thì không hề cao. So với kế hoạch lợi nhuận 2011 thì không phải ngân hàng nào cũng đạt được.

Dù những con số tuyệt đối về lợi nhuận của nhiều ngân hàng khi nhìn vào rất ấn tượng, nhưng theo một số chuyên gia kinh tế, hoạt động ngân hàng trong giai đoạn hiện nay biểu hiện nhiều lệch lạc, tiềm ẩn sự bất ổn. Cụ thể, trong khi tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên chỉ khoảng 10% thì thu nhập thuần từ các hoạt động cho vay khách hàng, ngân hàng khác, trái phiếu... của những ngân hàng này lại tăng rất mạnh. Bên cạnh đó, các hoạt động khác như kinh doanh nguồn vốn và dịch vụ đều đem lại lợi nhuận không cao, thậm chí thua lỗ.

"Do vậy, nếu so sánh cụ thể hơn giữa kế hoạch đầu năm mà các ngân hàng đặt ra và con số lợi nhuận quý III được công bố, dù có điều chỉnh kế hoạch kinh doanh hay không thì các ngân hàng cũng khó đạt được mục tiêu đã được ĐHCĐ thông qua", lãnh đạo cao cấp của một ngân hàng nhận định. Cụ thể, đầu năm 2011, kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn ACB được ĐHCĐ ngân hàng này nhất trí đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 4.100 tỷ đồng, tương tự là Techcombank với mục tiêu 4.000 tỷ đồng; hay Sacombank chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đặt ra là 2.700 tỷ đồng; còn Eximbank là 3.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế…

Trao đổi với ĐTCK, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, tính đến cuối tháng 10 vừa qua, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mới đạt 300 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 60% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, kế hoạch này là chỉ tiêu đã được điều chỉnh lần thứ 2 chứ không phải chỉ tiêu cứng được đặt ra từ đầu năm. Dự kiến, trong quý IV này, ngân hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận, nhưng chắc cũng chỉ đạt được khoảng 80% kế hoạch.

Ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dương, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Ocean Bank cũng chia sẻ, Tập đoàn buộc phải cắt giảm mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2011 từ 825 tỷ đồng xuống còn 380 tỷ đồng, trong khi mục tiêu lợi nhuận đặt ra từ đầu năm của Tập đoàn vốn cũng đã khiêm tốn hơn so với năm 2010.

Câu chuyện này cũng tương tự với một ngân hàng TMCP có trụ sở đặt tại TP. HCM. Phó tổng giám đốc ngân hàng này cho biết, Ban lãnh đạo ngân hàng đã lường trước những khó khăn chung của nền kinh tế năm 2011, nên chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cũng đã hạ xuống còn 400 tỷ đồng. Tuy vậy, chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ hết năm 2011 mà ngân hàng mới chỉ đạt xấp xỉ 70% chỉ tiêu. "Cán bộ nhân viên toàn ngân hàng đang vắt chân lên cổ, nhưng chắc chắn không hoàn thành được chỉ tiêu đặt ra. Giai đoạn cuối năm, thị trường càng xuất hiện nhiều vấn đề, nên có lẽ chỉ đạt được 80 - 85% kế hoạch", vị phó tổng giám đốc trên chia sẻ.

Trao đổi với ĐTCK, hầu hết lãnh đạo ngân hàng đều chung nhận định, tình hình kinh tế năm nay rất khó khăn, tác động tiêu cực lên thị trường tài chính. Bên cạnh đó, dư nợ cho vay thấp, chi phí vốn cao nên "may ra" các ngân hàng mới đạt được chỉ tiêu. Trong giai đoạn nào đó, ngân hàng sẽ quan tâm đến tổng tài sản, lợi nhuận, cổ tức, nhưng thời điểm khó khăn hiện nay không thể đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà là sự an toàn cho ngân hàng, cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế phân tích thêm, trước tiên cần nhìn vào cái gốc của hoạt động ngân hàng Việt Nam . Phần lớn ngân hàng thương mại vẫn dựa vào hoạt động tín dụng là chủ yếu, trong khi hoạt động đầu tư vốn không được phát triển, nay lại bị thu hẹp rất nhiều. Trong khi đó, các ngân hàng nếu dựa vào tín dụng thì chỉ tiêu tăng tổng tín dụng đầu năm nay được Ngân hàng Nhà nước công bố là 20%, sau đó điều chỉnh xuống 17% và hiện nay là xấp xỉ 12%. Như vậy, mục tiêu lợi nhuận của các ngân hàng buộc phải điều chỉnh là chuyện bình thường trong bối cảnh chỉ tiêu tín dụng của toàn hệ thống bị điều chỉnh.

Bên cạnh đó, ông Ánh cũng cho rằng, việc điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận cũng là giải pháp nhằm tăng tính an toàn trong hoạt động của mỗi ngân hàng. Bởi tín dụng tăng cao sẽ dẫn đến nợ xấu gia tăng, nên các ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và điều này tác động trực tiếp đến lợi nhuận. Nhưng cũng còn tùy theo vị thế của từng ngân hàng, câu chuyện trích lập dự phòng rủi ro được đặt ra cao hay thấp để tiếp tục điều chỉnh lợi nhuận.

"Nếu ngân hàng cố giữ mục tiêu đạt kế hoạch lợi nhuận năm 2011, thì rủi ro ẩn chứa trong năm sau và câu chuyện tiếp theo sẽ không còn phải là lợi nhuận hay không, mà thậm chí là tồn tại hay không tồn tại", ông Ánh nói.

Đồng quan điểm trên, một chuyên gia ngân hàng nhiều năm làm việc ở nước ngoài nhận định, chỉ tiêu lợi nhuận các ngân hàng khó đạt được là bởi chi phí vốn đã cao do khó khăn của nền kinh tế, nhưng lại được ngay chính bản thân các ngân hàng đẩy lên cao; dư nợ trên huy động thấp ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn. Trước vấn đề khó khăn thanh khoản trong hoạt động của hệ thống thời gian qua, một tỷ lệ cho vay thấp như vậy là sự "phòng thủ" cần thiết, "một gối đệm tốt khi ngân hàng phải đáp ứng nhu cầu về thanh khoản". Bên cạnh đó, một vấn đề cũng rất quan trọng là bản thân các ngân hàng cũng phải điều chỉnh lại kế hoạch lợi nhuận do sức ép từ phía cổ đông, vì "thà rằng giảm chỉ tiêu để cuối năm đưa ra một tỷ lệ thực hiện cao, còn hơn là giữ chỉ tiêu mà tỷ lệ thực hiện thấp".

H.Dung
H.Dung

Tin cùng chuyên mục