Loại bỏ dần các công cụ hành chính, lãi suất, tín dụng mới sát thị trường

Trần lãi suất, hạn mức tín dụng và một số công cụ hành chính khác được áp dụng trở lại từ năm 2009 cũng có những tác động mặt trái tới nền kinh tế. TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này.
 TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI)

Đã đến lúc rà soát lại toàn bộ công cụ chính sách tiền tệ

Quan điểm của ông về chỉ đạo của Chính phủ giảm lãi suất 0,5%, tăng tín dụng lên 21% trong năm nay?

Đứng về phía Chính phủ, đề nghị giảm lãi suất là có lý. Bởi lạm phát vài ba năm gần đây có xu hướng giảm. Năm nay, lạm phát bình quân chỉ ở mức khoảng 3,5%, lạm phát tính theo CPI và lạm phát cơ bản dự kiến cũng dưới 2%. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay trên thị trường khá cao. Ngay cả lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cao hơn nhiều so với lạm phát (6-6,5%/năm).

Có thể thấy, dù lạm phát đã giảm, nhưng kỳ vọng lạm phát vẫn cao. Bằng chứng là năm nay, Chính phủ vẫn đưa ra mục tiêu lạm phát 5%- chênh lệch lớn với lạm phát thực. Với mục tiêu lạm phát kỳ vọng như trên, việc NHNN đặt lãi suất điều hành ở mức 6-6,5% là hợp lý.

Hơn nữa, rủi ro tín dụng khi cho vay của các ngân hàng vẫn rất lớn, nợ xấu còn cao. Trong bối cảnh này, NHNN thận trọng với việchạ lãi suất và nới lỏng tín dụng là điều dễ hiểu.

Nhìn một cách tổng thể, chính sách tiền tệ đang đứng trước 2 sức ép và một rủi ro. Đó là sức ép nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ, sức ép lạm phát tăng. Rủi ro là khả năng hấp thụ hiệu quả vốn của nền kinh tế để không làm tăng mạnh nợ xấu.

Theo ông, tăng trưởng tín dụng 21% với quy mô nền kinh tế Việt  hiện nay là nhiều hay ít?

Rất khó nói. Vì lượng tín dụng đổ vào nền kinh tế hiện nay chính xác là bao nhiêu cũng chưa rõ.  Ở các nước trên thế giới, tăng trưởng tín dụng hàng năm chỉ tính đến số tín dụng mới tăng thêm (new credit), còn ở Việt Nam, tăng trưởng tín dụng dựa vào tổng dư nợ, bao gồm cả các khoản tín dụng cũ, tín dụng được gia hạn hoặc cơ cấu lại.

Thực chất, có nhiều khoản tín dụng tăng thêm ở nước ta không phải là tín dụng mới, như giãn nợ, đảo nợ, dồn tích lãi suất vào nợ, thậm chí nợ xấu cũng có thể biến thành tín dụng… Những khoản tín dụng này không có ý nghĩa,bởi thực tế không có đồng tiền mới nào được rót thêm vào nền kinh tế.

Chính vì vậy, ngoài  việc để cho tín dụng tăng trưởng theo nguyên tắc thị trường, thì cũng nên xem xét lại cách thức tính toán tăng trưởng tín dụng cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc đề ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức nào đó chỉ là một trong những tiêu chí tham khảo để điều hành. Còn việc nới lỏng hay không nới lỏng tín dụng phải dựa vào tín hiệu thị trường, thông qua công cụ lãi suất  - chỉ tiêu trung gian.

Theo tôi, đã đến lúc, NHNN nên rà soát lại toàn bộ công cụ chính sách tiền tệ, biến các công cụ điều hành này trở nên có ý nghĩa, giúp NHNN trở thành một ngân hàng trung ương đúng nghĩa với tư cách người cho vay cuối cùng.

Bãi bỏ các chính sách hành chính

Vậy theo ông, các công cụ điều hành chính sách tiền tệ hiện nay là không ổn?

Chúng ta đang sử dụng quá nhiều giải pháp hành chính trong quản lý chính sách tiền tệ: trần lãi suất USD 0%, trần lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn dưới 6 tháng, hạn mức tín dụng, bơm hút tiền bằng tín phiếu của NHNN…

Để điều hành tín dụng, lãi suất hiệu quả và sát thị trường nhất, theo tôi, phải chuyển từ quản lý hành chính sang quản lý theo nguyên tắc thị trường và áp dụng nghiêm ngặt các chỉ tiêu về an toàn hệ thống như hệ số an toàn vốn (CAR) và các chỉ tiêu an toàn khác như thanh khoản, chất lượng tài sản, khả năng sinh lời…

Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ có một thị trường tiền tệ minh bạch, dễ dự báo và NHNN có thể khống chế tốc độ tăng cung tiền và tốc độ tăng tín dụng một cách khoa học, hiệu quả mà không cần chạy theo hạn mức.

Cụ thể sẽ điều hành tín dụng, lãi suất qua những công cụ gì, thưa ông?

NHNN nên xem xét điều chỉnh dự trữ bắt buộc và biến lãi suất điều hành trở thành một lãi suất có tác động thực tế trên thị trường tiền tệ. Đồng thời, áp dụng các chỉ tiêu an toàn hệ thống theo nguyên tắc thị trường và từng bước tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế. Có lưu ý đặc biệt đến mục tiêu của chương trình tái cơ cấu hệthống ngân hàng đã được phê duyệt.

Ngoài ra, NHNN cũng cần rà soát lại các công cụ khác như: lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, công cụ thị trường mở… để điều hành một cách có hiệu quả hơn,sao cho các công cụ này thực sự điều tiết thị trường tiền tệ (thị trường liên ngân hàng) và qua đó điều tiết lãi suất tiền gửi và cho vay nền kinh tế.

Trong các công cụ trên, theo ông, công cụ nào có tác động mạnh nhất tới thị trường?

Dự trữ bắt buộc và nghiệp vụ thị trường mở là hai công cụ một nặng một nhẹ, một thô, một tinh, một dài, một ngắn, hữu hiện nhất của ngân hàng trung ương.

Ở các nước trên thế giới, ngân hàng trung ương thực sự tham gia thị trường tiền tệ và chính sách của họ tác động rất mạnh tới thị trường. Còn ở nước ta, việc bơm hút tiền tuy có được cải thiện, nhưng nhiều khi vẫn bằng biện pháp hành chính là phát hành tín phiếungân hàng trung ương cho các ngân hàng thương mại. Đến nay, Việt  làmột trong số rất ít quốc gia còn sử dụng công cụ này.

Bên cạnh dự trữ bắt buộc, như tôi đã nói, cần phải biến lãi suất điều hành trở nên có ý nghĩa thực sự với thị trường. Lãi suất điều hành của ngân hàng trung ương phải tác động thực sự đến cung tiền và tín dụng khả dụng của ngân hàng thương mại, nó phải làm thay đổi (mở rộng hoặc thu hẹp) bảng cân đối tài sản của ngân hàng trung ương.

Hiện nay, lãi suất điều hành của NHNN hầu như không có tác động với thị trường. Do đó, điều phi lý ở nước ta hiện nay là tăng trưởng tiền gửi giảm, tăng trưởng phương tiện thanh toán (M2) giảm, nhưng tăng trưởng tín dụng lại cao, cho thấy các công cụ tiền tệ không ăn khớp với nhau.

Bơm tín dụng phải dựa trên GDP tiềm năng

Hiện nay, Chính phủ đang tìm cách để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Kích tín dụng là một trong những giải pháp được đưa ra. Theo ông, liều thuốc tín dụng có hữu hiệu với nền kinh tế Việt ?

Chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu, tính toán và thấy rằng, những quốc gia và vùng lãnh thổ khi đạt thu nhập bình quân đầu người ở mức 2.000USD như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore… thì tốc độ tăng trưởng GDP đều giảm mạnh.

Chỉ có Hàn Quốc và Trung Quốc khi GDP đạt trên 2.000 USD/người vẫn trụ được mức tăng trưởng như trước khi cán mốc trong một khoảng thời gian, nhưng rồi cũng sụt giảm. Hiện tăng trưởng GDP của Hàn Quốc còn 4%, Trung Quốc còn 6,5%. Còn Malaysia và Thái Lan ngay sau khi cán mốc đã sụt giảm lần lượt là 5% và 4%, dù trước đó tăng trưởng kinh tế của các nước này đều cao hơn Việt Nam.

Việt Nam cán mốc GDP bình quân đầu người 2.000 USD vào năm 2014, tốc độ tăng GDP bình quân 15 năm trước đó là 6,4%. Từ năm 2014 đến nay, Việt  vẫn duy trì mức tăng trưởng này là điều đáng mừng và tích cực.

Thực tế, 6% GDP tiềm năng của Việt , theo tính toán của một số chuyên gia,chỉ ở mức 5,9%. Muốn tăng trưởng GDP cao hơn mức tiềm năng thì phải có giải pháp kích thích. Nhưng nếu kích thích quá mức và kéo dài, thì hậu quả là lạm phát phi mã (kích thích tiền tệ) và nợ công tăng nhanh chóng (kích thích tài khóa).

Cho nên, tăng trưởng GDP nhìn vào tiềm năng của nền kinh tế, chứ không thể mặc định năm sau cao hơn năm trước. Tôi cho rằng năm nay, đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% là rất khó khăn.

Vậy theo ông, cần phải có biện pháp gì để kích thích tăng trưởng kinh tế mà không gây ra hệ quả về lạm phát, nợ xấu, nợ công?

Trong bối cảnh hiện nay, việc cần làm là phải tăng GDP tiềm năng, tức là tăng sức khỏe của nền kinh tế lên đã.

Cách thứ nhất là đầu tư công phải có hiệu quả. Hiện nay, hàng ngàn tỷ đồng đầu tư đang nằm chết trong những công trình đắp chiếu như DAP Đình Vũ, Xơ sợi Đình Vũ, Thép Thái Nguyên, Phân đạm Hà Bắc…

Thứ hai, chi tiêu công, bộ máy hành chính phải có hiệu quả, phải giúp ích cho nền kinh tế. Hiện nay, bộ máy hành chính vừa cồng kềnh, vừa kém hiệu quả, gây lãng phí vốn ngân sách và là rào cản lớn của cải cách kinh tế và phát triển doanh nghiệp.

Thứ ba, những doanh nghiệp nhà nướckhông cần thiết phải duy trì cần nhanh chóng và kiên quyết cổ phần hóa.

Thứ tư, phải giảm những loại chi phí làm hao mòn tiềm năng của nền kinh tế, bao gồm chi phí về thủ tục, logistic, vận tải, dịch vụ công đang làm xói mòn tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp.

Cuối cùng vẫn là các chính sách phát triển công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu để vừa tăng năng suất lao động vừa tạo giá trị gia tăng trong cạnh tranh quốc tế.

Việc thực hiện mọi cách để đạt chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn tiềm năng không phải là giải pháp dài hạn và bền vững.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục