Lo ngại thời điểm áp dụng Thông tư 02

(ĐTCK) Nhiều chuyên gia kinh tế đang lo ngại việc áp dụng Thông tư 02/2013 của NHNN ở thời điểm này chưa phù hợp.
Lo ngại thời điểm áp dụng Thông tư 02

Thời điểm Thông tư 02/2013 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro có hiệu lực đã cận kề (1/6/2013).

Lo ngại thời điểm áp dụng Thông tư 02 ảnh 150% dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn tại Agribank sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi Thông tư 02

Chưa phải thời điểm thích hợp

Nhìn nhận Thông tư 02 thể hiện quyết tâm của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ với việc tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, nhằm giúp cho hệ thống ngân hàng an toàn và minh bạch hơn, nhưng ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐTV Agribank cho rằng, Thông tư 02 không chỉ trực tiếp tác động đến hoạt động của hệ thống ngân hàng mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Cụ thể là hạn chế khả năng hỗ trợ chủ trương Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ DN sản xuất; tác động đến định hạng khả năng trả nợ Chính phủ.

Ông Bảo phân tích, việc thống nhất tiêu chí phân loại nợ giữa các TCTD khiến khách hàng có xu hướng bị xuống hạng trong hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ. Khả năng sẽ phát sinh thêm nhiều DN không đáp ứng đủ các điều kiện để tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng, thậm chí bị từ chối cho vay nếu có nợ xấu. Đặc biệt, các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, vốn gặp nhiều khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn. Bởi dù thuộc đối tượng được ưu tiên về lãi suất, nhưng nhóm khách hàng này lại gặp khó khăn về tài sản đảm bảo (Thông tư 02 yêu cầu gia tăng giá trị tài sản đảm). Nhiều DN, hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là đối tượng chịu tác động rất lớn của quy định mới này. Riêng tại Agribank, sẽ có tới 50% dư nợ cho vay hộ sản xuất nông nghiệp, chủ trang trại bị ảnh hưởng lớn bởi Thông tư.

Bên cạnh đó, theo ông Bảo, việc áp dụng các quy định chặt chẽ trong việc phân loại nợ, con số nợ xấu của các TCTD sẽ tăng mạnh, dẫn đến khoản dự phòng rủi ro phải trích tăng lên, lợi nhuận giảm đi. Hơn thế, điều này sẽ làm xấu đi các chỉ số đánh giá về năng lực tài chính của các TCTD khi được xếp hạng năng lực tài chính độc lập bởi các tổ chức định hạng tín nhiệm quốc tế, từ đó, làm tăng chi phí vay vốn và phát hành trái phiếu ngoại tệ ra thị trường nước ngoài.

Cùng quan điểm này, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, với việc áp dụng Thông tư 02, khả năng tỷ lệ nợ xấu của các TCTD sẽ tăng lên đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng mở rộng và phát triển mạng lưới của các TCTD.

Một chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, việc triển khai Thông tư 02 kèm theo những tác động đến hệ thống ngân hàng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến định hạng tín nhiệm của Chính phủ và các trần định hạng quốc gia của Việt Nam. Do vậy, thời điểm áp dụng Thông tư 02 cần được cân nhắc, để tránh những tác động tiêu cực như đánh giá ở trên; đồng thời cần xác định lại tiêu chí đánh giá đối với hệ thống các chỉ số thanh tra giám sát đối với các NHTM để đảm bảo được tính tuân thủ trong thực hiện chính sách chỉ đạo điều hành, tránh đặt tình trạng tuân thủ của hệ thống NHTM vào tình trạng tiêu cực.

“Xét về toàn cục, thị trường tiền tệ khi bị tác động sẽ kéo theo nguy cơ xáo trộn các thị trường khác. Đây chưa phải là thời điểm thích hợp để áp dụng Thông tư 02”, ông Bảo nhấn mạnh.  

 

Cần thời gian chuẩn bị từ 1-3 năm

Thời gian qua, nhiều ý kiến đã đề xuất với NHNN xem xét lùi thời điểm áp dụng Thông tư 02 và gia hạn hiệu lực Quyết định 780 đến thời điểm 31/12/2014. Tuy nhiên, để các TCTD có thể nhận diện đúng hơn về thực trạng nợ xấu, trong thời gian Thông tư 02 chưa chính thức có hiệu lực, các TCTD vẫn định kỳ báo cáo số liệu dự kiến theo tiêu chuẩn phân loại của Thông tư 02 để NHNN nắm bắt được tình hình chất lượng tín dụng và năng lực tài chính của các TCTD, từ đó, xác định lộ trình xử lý thích hợp.

Theo Phó tổng giám đốc phụ trách mảng ngân hàng – tài chính của một công ty kiểm toán, Thông tư 02 quy định, ít nhất 3 tháng một lần, trong 15 ngày đầu tiên của tháng đầu tiên, các ngân hàng phải tự thực hiện phân loại nợ, gửi báo cáo cho Trung tâm Thông tin tín dụng, NHNN (CIC). Trong vòng 3 ngày sau khi nhận kết quả từ các ngân hàng, CIC có nhiệm vụ tổng hợp danh sách khách hàng có nợ liệt vào nhóm 3, 4, 5 (dưới chuẩn/nghi ngờ/có khả năng mất vốn). Muộn nhất 5 ngày kể từ khi CIC tổng hợp thông tin khách hàng, các TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro. Một khi nợ xấu tăng mạnh, việc trích lập dự phòng rủi ro cao  lại đổ dồn vào một năm tài chính thì TCTD đó không những mất lãi, mà còn có nguy cơ thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.

“Những thay đổi lớn đều cần khoảng thời gian điều chỉnh. Theo thông lệ thế giới, các chuẩn mực mới được ban hành đều có thời gian chuẩn bị từ 1-3 năm mới đi vào thực hiện. Về tổng thể, Thông tư giúp phản ánh đúng thực chất những vấn đề nội tại trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng. Nhưng ở một số điểm, cần có một lộ trình chuẩn bị, để tránh áp lực cho TCTD cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế về khoảng “thời gian chờ” với một quy định mới được ban hành. Lộ trình này cũng tùy thuộc vào năng lực của từng TCTD khác nhau và cơ quan thanh tra giám sát hoạt động này”, vị Phó tổng giám đốc trên nói.                  

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục