Lệch pha vay vốn

Trong vô vàn lời than thiếu vốn hiện nay, ít người đặt vấn đề: các ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh với chu kỳ đã phù hợp hay chưa? Công bằng mà nói, thực trạng này cũng có lỗi của doanh nghiệp.
Lệch pha vay vốn

Đa số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa phần lớn không biết hoạch định dòng tiền một cách chính xác. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn không biết rõ họ đạt tỷ suất lợi nhuận bao nhiêu, chỉ biết rằng "đang có lợi nhuận" là đủ. Vì lẽ đó, doanh nghiệp chỉ có thể ước tính chu kỳ sản xuất của mình một cách tương đối. Và như vậy sẽ càng khó để cán bộ tín dụng ngân hàng biết chính xác chu kỳ sản xuất của mỗi doanh nghiệp trong từng ngành mà cho vay với thời hạn phù hợp.

 

Tại anh, tại ả…

Thực tế là rất khó đòi hỏi doanh nghiệp trong nước đạt trình độ quản lý, nhất là quản lý tài chính như doanh nghiệp tại các nước khác, bởi chúng ta mới chỉ thực sự bắt đầu hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu khoảng một thập kỷ trở lại đây. Hầu hết công ty vẫn mang nặng tư duy quản lý theo mô hình gia đình. Họ cần thêm thời gian để có thể học hỏi kinh nghiệm quản trị công ty hiện đại.

Tuy nhiên, về phía ngân hàng khi đầu tư mua sắm máy móc, dây chuyền sản xuất, lẽ ra doanh nghiệp phải được vay trung, dài hạn, song đa phần chỉ được vay ngắn hạn. Điều này bắt nguồn từ một số lý do khác nhau. Đầu tiên, theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hơn 90% tiền gửi trong hệ thống ngân hàng thương mại là tiền gửi ngắn hạn, do vậy ngân hàng rất thiếu nguồn vốn ổn định dành cho các khoản vay trung, dài hạn mặc dù những khoản tiền gửi ngắn hạn của người dân thực ra được tái đầu tư rất đều đặn và thường xuyên. Do vậy, có rất nhiều khoản tiền gửi ngắn hạn, nhưng thực tế lại được cho vay trung và dài hạn.

Thêm vào đó, hệ thống và trình độ quản lý rủi ro ở một số ngân hàng còn thấp. Vì thế, ngân hàng rất miễn cưỡng khi cho doanh nghiệp vay trung, dài hạn, bởi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thanh khoản.

Nợ ngắn hạn thường có hạn mức tín dụng không cao, nhưng ngân hàng thường yêu cầu doanh nghiệp thực hiện kiểm soát các luồng tiền ra - vào. Nếu xét thấy doanh nghiệp không đủ điều kiện, khoản vay không được giải ngân. Đặc biệt, mức lãi suất của các khoản vay khá cao, thường là thả nổi và doanh nghiệp buộc phải trả nợ định kỳ theo tháng hoặc quý. Sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp nếu một dự án của họ chẳng may chậm tiến độ, hoặc việc mua máy móc, thiết bị không thuận lợi trong khi áp lực trả nợ gốc và lãi ngân hàng rất lớn... Điều này, lại làm cho bảng cân đối tài sản của ngân hàng xấu đi. Nếu ngân hàng e ngại mà không cho vay thì hậu quả là doanh nghiệp thiếu vốn, sản xuất đình đốn... Vòng luẩn quẩn này cứ tiếp tục như vậy.

 

Khó giải quyết một sớm một chiều

Không thể phủ nhận thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn tốt nhất cho các công ty. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán mới thực sự có những bước phát triển đột phá kể từ năm 2006 đến nay, tức là gần 6 năm. Thị trường này đã huy động được một nguồn lực gần 20 tỷ USD cho hệ thống doanh nghiệp Việt Nam - một con số không nhỏ - song nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đi theo mô hình dựa vào vốn vay ngân hàng là chính.

Cũng không khó để thấy rằng, muốn chấm dứt vòng luẩn quẩn nêu trên thì phải giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Một số cuộc trao đổi ngoài lề của Doanh Nhân với lãnh đạo các ngân hàng cho thấy, thách thức rất lớn hiện nay là làm sao ngân hàng huy động được vốn trung và dài hạn để cho vay. Phần đông người gửi tiền ở Việt Nam , thường có xu hướng gửi tiền với kỳ hạn ngắn, thông thường từ 1 - 3 tháng. Xu hướng này bắt nguồn từ một số nguyên nhân khác nhau, một phần do thói quen, tập quán của người dân; nhưng quan trọng hơn là do người gửi tiền chưa đủ lòng tin vào đồng nội tệ và hệ thống ngân hàng, nhất lạm phát cao kéo dài như hiện nay.

Như vậy, sau một thời gian dài phải đối phó với rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nguồn vốn ngân hàng bị siết chặt trong khi thị trường chứng khoán đi xuống, các doanh nghiệp Việt Nam đã phải nếm trải rất nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn. Đâu là các công cụ tài chính hữu hiệu giúp doanh nghiệp huy động vốn? Doanh nghiệp cần chuẩn bị hành trang gì nhằm huy động vốn thành công? Làm cách nào doanh nghiệp vay được vốn theo đúng chu kỳ sản xuất kinh doanh của mình?

Những câu hỏi này xin chuyển tới Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.

Khi đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, lẽ ra doanh nghiệp phải được vay trung, dài hạn, song đa phần chỉ được vay ngắn hạn


DĐDN

Tin cùng chuyên mục