Lãnh đạo cao cấp ngân hàng “đổi ghế” cuối năm

(ĐTCK) Nhân sự cấp cao trong ngành ngân hàng đang và sẽ tiếp tục biến động mạnh, phần vì áp lực quá lớn của chiếc “ghế nóng”, phần vì cuộc chiến thu hút nhân tài trong ngành ngày càng quyết liệt hơn.
Lãnh đạo cao cấp ngân hàng “đổi ghế” cuối năm

Lấp chỗ trống nhân sự cấp cao ở nhà băng lớn

Sau hai năm bị bỏ trống, "ghế nóng” Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cuối cùng đã có chủ. Ông Phan Đức Tú, Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc BIDV vừa được bổ nhiệm vào vị trí này. Phụ trách Ban điều hành BIDV thay ông Tú là Phó tổng giám đốc Lê Ngọc Lâm.

Ông Tú sinh năm 1964, là cử nhân kinh tế của Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM và có trình độ Thạc sỹ Quản trị kinh doanh. Ông bắt đầu làm việc tại BIDV từ năm 1987.

Ngoài việc lấp đầy khoảng trống nhân sự cấp cao, thời gian gần đây, BIDV liên tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư khi được Chính phủ phê duyệt phương án phát hành riêng lẻ tương đương 17,65% cổ phần hiện tại cho đối tác chiến lược KEB Hana Bank của Hàn Quốc. Nếu thương vụ diễn ra thành công, nhà đầu tư chiến lược sẽ nắm giữ 15% vốn của BIDV sau phát hành, giúp Ngân hàng nâng cao tiềm lực tài chính, tiến tới nhanh chóng hoàn tất việc thực hiện và áp dụng các chuẩn Basel II.

VietinBank cũng vừa có Tổng giám đốc mới và bổ nhiệm thêm một Phó tổng giám đốc. Ông Trần Minh Bình, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Quyền Tổng giám đốc VietinBank chính thức giữ chức vụ Tổng giám đốc Ngân hàng kể từ ngày 8/12/2018. Ông Bình sinh năm 1974, là cử nhân Học viện Ngân hàng (1990 - 1994); có bằng Thạc sỹ Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Tự do Brussels, Trường Thương mại Solvay (1997 - 1999)…

Ông Bình bắt đầu công tác tại VietinBank từ năm 1999, đến tháng 5/2014, ông Bình đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó tổng giám đốc VietinBank. Tháng 10/2018, ông Bình được bổ nhiệm vị trí Quyền Tổng giám đốc VietinBank, sau khi ông Lê Đức Thọ rời chức vụ này để làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Cùng ngày 8/12, Hội đồng quản trị Vietinbank đã có quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Hồng Vân, nguyên thành viên Hội đồng quản trị giữ chức vụ Phó tổng giám đốc.

Như vậy, sau một thời gian dài tìm kiếm, đến nay, hai “ông lớn” nói trên đã bổ nhiệm nhân nhân sự cho vị trí “ghế nóng” chủ tịch, tổng giám đốc. Trước đó, cổ đông BIDV chờ đợi người mới rất lâu sau khi ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị về hưu.

… và không ngừng biến động tại các ngân hàng

Sau nhiều thay đổi về nhân sự cấp cao dưới thời ông Dương Quang Minh, Sacombank mới đây lại tiếp tục công bố thông tin về thay đổi nhân sự cấp cao trong Ban điều hành.

Cụ thể, bà Nguyễn Ngọc Quế Chi thôi giữ chức vụ Phó tổng giám đốc kể từ ngày 10/9/2018; bà Nguyễn Thị Lệ An thôi giữ chức vụ Phó tổng giám đốc kể từ ngày 20/9/2018. Hội đồng quản trị Sacombank cho biết, việc thôi nhiệm là theo nguyện vọng cá nhân, đáp ứng lộ trình thực hiện đề án tái cơ cấu Ngân hàng theo hướng tinh gọn bộ máy quản trị và điều hành sau quá trình sáp nhập.

Bà Chi, sinh năm 1969, được bổ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc Sacombank hồi tháng 9/2017. Trước đó, bà Chi từng là Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBJ), rồi sang Techcombank và làm Phó tổng giám đốc VietBank.

Còn bà An được bổ nhiệm vào vị trí Phó tổng giám đốc Sacombank từ tháng 7/2012. Trước khi gia nhập Sacombank, bà An là cán bộ cấp cao Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank).

Với sự thay đổi trên, Ban điều hành của Sacombank hiện chỉ còn 15 người. Trong đó, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm là Tổng giám đốc và 14 phó tổng giám đốc. Hiện các nhân sự cấp cao đến từ SouthernBank không còn ai.

Quá trình tái cơ cấu nhân sự cấp cao Sacombank vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ trong vòng hơn 1 năm kể từ khi ông Dương Công Minh chính thức được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, nhà băng này liên tiếp có những biến động nhân sự ở những vị trí chủ chốt, từ vị trí Tổng giám đốc đến dàn phó tổng giám đốc.

ACB cũng vừa miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc của ông Nguyễn Thanh Toại, nhưng không loại trừ khả năng ông này được điều chuyển sang ACB Leasing.

Trong khi nhiều cán bộ cấp cao ngân hàng xin thôi nhiệm, thì không ít nhà băng bổ nhiệm thêm nhân sự mới ở các vị trí hàng đầu. ANZ vừa chính thức thông báo về việc bà Jodi West được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ANZ Việt Nam từ 13/8/2018, trực tiếp báo cáo cho ông Farhan Faruqui, Tổng giám đốc ANZ khu vực quốc tế.

Trong một diễn biến khác, Deutsche Bank thông báo bổ nhiệm ông Hans-Dieter Holtzmann làm Tổng giám đốc Deutsche Bank tại Việt Nam kiêm Trưởng khối Dịch vụ ngân hàng giao dịch toàn cầu (GTB) tại Việt Nam kể từ ngày 16/8/2018.

Nhiều ngân hàng nội cũng bổ nhiệm nhân sự cấp cao ở vị trí mới. Đơn cử, Kienlongbank vừa bổ nhiệm thêm 1 Phó tổng giám đốc là bà Phạm Thị Mỹ Chi. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, Hội đồng quản trị Kienlongbank đã thông qua việc bổ nhiệm ông Lê Khắc Gia Bảo làm Chủ tịch Hội đồng quản trị thay ông Võ Quốc Thắng đã từ nhiệm nhằm đáp ứng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng mới sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 (một cá nhân không được đồng thời làm chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng và doanh nghiệp).

ABBank đã bổ nhiệm bà Dương Thị Mai Hoa làm Tổng giám đốc từ cuối tháng 7/2018. Mục tiêu bổ nhiệm nhân sự cấp cao của Ban điều hành ABBank có thể thấy rõ qua phát biểu của bà Hoa khi nhậm chức. Đó là “nỗ lực xây dựng ABBank trở thành ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu tại Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực bán lẻ theo định hướng chiến lược của Hội đồng quản trị”.

Hay VIB có lãnh đạo mới về quản trị rủi ro là ông Hà Hoàng Dũng. Ông Dũng được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Khối Quản trị rủi ro từ ngày 30/7/2018, sau 10 năm làm việc tại VIB.

Cuối tháng 7/2018, Vietcombank đã công bố quyết định bổ nhiệm một loạt các lãnh đạo chi nhánh, từ Bắc Giang, Lạng Sơn cho đến Nam Sài Gòn.

Theo một tổng giám đốc ngân hàng, đối với những vị trí cấp cao, quá trình tuyển dụng nhân sự rất khó khăn, kể cả khi thông qua công ty “săn đầu người”. Khi tìm được một ứng viên cấp cao thích hợp, đôi khi ngân hàng cần phải theo đuổi hàng năm trời mới có thể lôi kéo được họ. Một trong những yếu tố có thể thu hút họ chính là đưa ra mức lương hấp dẫn.

Có thể thấy, gần đây, nhiều ngân hàng tăng lương để “đua” hút nhân sự, nhất là khi kinh doanh khởi sắc, lợi nhuận tăng trưởng. Thế nhưng, với lĩnh vực ngân hàng có thu nhập trung bình cao, nhưng áp lực cũng lớn nên tỷ lệ nghỉ việc khá cao.

Theo khảo sát công bố gần nhất của Navigos Group, đơn vị sở hữu trang tìm kiếm việc làm VietnamWorks và công ty tuyển dụng nhân sự Navigos Search về nhân sự ngành ngân hàng, tỷ lệ nghỉ việc trong lĩnh vực này khá cao.

Hơn một nửa số ngân hàng được hỏi cho biết trung bình mỗi năm, có trên 10% số nhân viên nghỉ việc. Phần lớn nhân viên ngân hàng tham gia khảo sát cũng cho biết, họ cảm thấy căng thẳng và áp lực ở các mức độ khác nhau, chỉ 8% hài lòng với công việc hiện tại.

TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, ngân hàng đưa ra nhận định, kết quả kinh doanh 2018 khởi sắc, quá trình xử lý nợ xấu được cải thiện và dự báo tình hình năm tới sẽ lạc quan chính là cơ sở để các nhà băng tăng cường tuyển dụng nhân dự. Đáng chú ý là đối với mảng tín dụng bán lẻ, tiêu dùng.

Thực tế, trong thời gian qua, các nhà băng đã gia tăng tuyển dụng nhân viên, đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là 2 quý đầu năm 2018. Tuy nhiên, với nhân sự cấp cao vẫn là bài toán đau đầu đối với các nhà băng trong việc tuyển dụng, giữ chân nhân tài do rủi ro cao.

Theo dự báo của các chuyên gia, nhân sự cấp cao ngân hàng còn biến động năm tới.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục