Lãi suất tiết kiệm phá mức đồng thuận

(ĐTCK-online) Mức lãi suất tiết kiệm 12%/năm theo như đồng thuận của các nhà băng đưa ra đầu tuần thứ 2 của tháng 11/2010 không còn là mức cao nhất trên thị trường hiện nay do hiện tượng "xé rào" để huy động vốn. Nguyên nhân do tình hình huy động tiền gửi dần trở nên khó khăn trong những tháng cuối quý IV, trong khi nhu cầu vốn của khách hàng đang vào mùa cao điểm và áp lực lạm phát tăng lên.
HDBank vừa công bố tăng lãi suất huy động  VND, mức cao nhất lên tới 13%/năm. HDBank vừa công bố tăng lãi suất huy động VND, mức cao nhất lên tới 13%/năm.

Không ít ngân hàng đã chính thức công bố tăng lãi suất tiết kiệm tiền đồng lên mức cao nhất 13%/năm, đó là chưa kể đến việc thỏa thuận "ngầm" lãi suất tiền gửi giữa nhà băng và khách hàng. Lãi suất tiền gửi thực trên thị trường có nơi hiện còn chạm 15 - 16%/năm, sau khi cộng cả khuyến mãi.

Trên website của không ít ngân hàng hiện nay cũng công khai mức lãi suất cao hơn 12%/năm. HDBank vừa công bố tăng lãi suất huy động cho các hình thức gửi tiết kiệm bằng VND tùy theo từng kỳ hạn gửi lên mức cao nhất 13%/năm cho kỳ hạn 12 - 13 tháng. Ngoài mức lãi suất này, HDBank còn có thêm các chương trình khuyến mãi cho khách hàng gửi tiền, nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư.

Trước đó vài ngày, SeABank và một vài ngân hàng nhỏ khác cũng áp dụng mức lãi suất tiền gửi đối với VND là 13%/năm. Thế nhưng, mức này hiện không phải là mức "trần" trên thị trường. Các ngân hàng đã đưa ra biểu lãi suất khác nhau cho khách hàng gửi tiền. Trong đó, với những khách hàng có khoản tiền gửi giá trị càng lớn sẽ được hưởng mức lãi suất càng cao. Đồng thời, các khách hàng này luôn được nhà băng chăm sóc khá kỹ, vì lo ngại họ sẽ rút sang ngân hàng khác, khiến thanh khoản khó có thể đảm bảo. Đặc biệt là trong thời điểm cuối năm, khi cầu vốn của khách hàng đang vào mùa cao điểm.

Chính vì vậy, các ngân hàng đành phải phá vỡ mức lãi suất đồng thuận 12%/năm với Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) và hiện tượng này đang dần trở nên phổ biến.

Tại một ngân hàng cổ phần quy mô vừa có trụ sở trên phố Nguyễn Công Trứ (TP. HCM), lãi suất được niêm yết trên website đồng đều ở mức 12%/năm áp dụng cho tất cả các kỳ hạn từ 1 - 36 tháng. Song khi khách hàng vào quầy gửi tiết kiệm sẽ được nhân viên đưa ra một bảng lãi suất hấp dẫn hơn, với mức dao động từ 12 - 14,5%/năm cho từng kỳ hạn và giá trị khoản tiền gửi khác nhau.

Chị Thu, một khách hàng tại TP. HCM cho biết, trong những ngày lãi suất tiền đồng biến động vào đầu tuần thứ 2 của tháng 11/2010, với số tiền nhàn rỗi 1,7 tỷ đồng, nhưng chị được không dưới 4 ngân hàng chào mời theo từng mức lãi suất khác nhau. Trong đó, có một nhà băng nhỏ đề nghị mức lãi suất lên đến 15,5%/năm, cộng kèm nhiều quà tặng khuyến mãi khác.

Mặt bằng lãi suất huy động vốn đang duy trì ở mức cao hơn so với đồng thuận 12%/năm giữa các ngân hàng với VNBA. Thế nhưng, theo ông Lê Huy Dũng, Tổng giám đốc DaiA Bank, tình hình huy động tiền gửi vẫn khó khăn và cạnh tranh gay gắt.

Với diễn biến lãi suất tiền gửi hiện nay và tâm lý mặc cả của khách hàng còn rất lớn, mặt bằng lãi suất được dự báo sẽ khó ổn định trong thời gian ngắn. VNBA cũng không còn ra sức kêu gọi các ngân hàng giữ mức lãi suất theo như đồng thuận 12%/năm.

 Còn theo một các bộ cấp cao của NHNN Chi nhánh TP. HCM, trước đây khi còn phải thực hiện chủ trương của Chính phủ là giảm dần lãi suất huy động vốn xuống 10%/năm để cố gắng đưa mặt bằng lãi suất cho vay về 12%/năm, cơ quan này đã lập đoàn kiểm tra lãi suất ở các NHTM để chấn chỉnh tình hình. Nhưng với biến động của lãi suất trong thời gian qua và kể cả hiện nay thì rất khó để có thể kiểm ra được việc "xé rào" lãi suất. Mặt khác, vị cán bộ trên cho rằng, rất khó ổn định được mặt bằng lãi suất, nếu các chính sách điều hành không đồng bộ.

Cũng theo vị cán bộ trên, trong đợt biến động lãi suất vừa rồi, không ít ngân hàng lớn có giấy tờ có giá để thế chấp vay vốn từ ngân hàng trung ương đã kiếm được lợi nhuận. Vì lãi suất thế chấp giấy tờ có giá để vay vốn của NHNN chỉ có 9%/năm, nhưng các nhà băng này đem cho vay lại qua liên ngân hàng lãi suất 2 tuần lên đến 15 - 16%/năm. Thậm chí, có thời điểm lãi suất liên ngân hàng còn lên đến 20%/năm. Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ cần vốn để bù đắp thanh khoản đành phải trả giá cao mới có thể vay được vốn từ nhà băng lớn đang dư thừa vốn khả dụng. 

Hiện lãi suất liên ngân hàng đang có chiều hướng giảm, với kỳ hạn tuần chỉ còn 12,5%/năm, giảm 0,5%/năm so với 3 ngày trước. Kỳ hạn 1 tháng chỉ còn mức 14,5 -15%/năm. Song lãi suất huy động vốn từ thị trường một vẫn được các ngân hàng áp dụng ở mức khá cao, cộng kèm với nhiều chương trình khuyến mãi, quà tặng.

Trao đổi với ĐTCK, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, ông Hồ Hữu Hạnh cho rằng, lãi suất cơ bản tăng lên 9% vừa rồi đã tác động đến mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay. Vì thế, các khách hàng cần vốn trong lúc này cũng phải tính toán khá kỹ trước khi sử dụng vốn vay ngân hàng, do áp lực lãi suất thỏa thuận tăng. Theo ông Hạnh, với mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận bằng tiền đồng ở mức cao hiện nay (dao động 17 - 19%/năm), ngân hàng sẽ khó có thể mở rộng tín dụng.

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục