Lãi suất tiết kiệm có tiếp tục giảm?

Từ cuối tháng 7/2008, nhiều ngân hàng (NH) thương mại (cả quốc doanh và cổ phần) âm thầm hạ lãi suất huy động đối với cả VND và USD.
Lãi suất tiết kiệm có tiếp tục giảm?

Giảm từ từ

 

NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã giảm lãi suất từ mức trên 18,5%/năm đối với VND (kỳ hạn 9 tháng) xuống còn 17,22%/năm và từ trên 7%/năm đối với USD (kỳ hạn 12 tháng) xuống 5,8%/năm. NH Công thương Việt Nam (Vietinbank) thì đã 3 lần hạ lãi suất tiết kiệm USD kể từ đầu tháng 7/2008. NH Á Châu (ACB) có mức lãi suất tiết kiệm thường mới cho tất cả các kỳ hạn dưới 18%/năm và chỉ áp dụng mức 18%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng khi khách hàng gửi trên 20 tỷ đồng. NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giảm lãi suất huy động USD của các doanh nghiệp từ 0,15 - 0,45%/năm, mức cao nhất chỉ còn 6,35%/năm kỳ hạn 6 tháng. NH Kỹ thương (Techcombank) giảm lãi suất huy động VND xuống dưới 18%/năm từ ngày 21/7, chỉ các kỳ hạn 3 - 6 tháng là xấp xỉ 18%/năm. Lãi suất huy động các kỳ hạn tại NH Sài Gòn Thương tín (Sacombank) đối với tiền gửi dưới 500 triệu đồng hiện chỉ còn dưới 17,5%/năm; mức cao nhất 17,7%/năm chỉ áp dụng cho tiền gửi trên 10 tỷ đồng kỳ hạn 6 và 9 tháng.

 

Các NH cổ phần khác như VPBank, NH Quân đội (MB), NH Phương Đông (OCB), NH Đông Á đều có lãi suất huy động phổ biến dưới 18,5%/năm. Một số ngân hàng có mức lãi suất thuộc hàng cao nhất trên thị trường trước đây (từ 19%/năm trở lên) như: NH Sài Gòn (SCB), NH Nam Việt, NH Sài Gòn - Hà Nội (SHB), NH Đông Nam Á (SeaBank)... cũng điều chỉnh lãi suất ở một số kỳ hạn, lãi suất cao nhất hiện dao động ở mức 18,5 - 18,9%/năm. Những mức lãi suất cao nhất chỉ được các ngân hàng áp dụng đối với kỳ hạn từ 3 - 6 tháng và số tiền gửi lớn trên 2 tỷ đồng. Vào thời điểm hiện tại, mức đỉnh lãi suất mới hiện nay phổ biến ở dưới 18,5%/năm (đối với VND) và 6,5%/năm (đối với USD).

 

Chờ CPI tháng 8

 

Lãnh đạo của nhiều ngân hàng (cả quốc doanh lẫn cổ phần) đã giảm lãi suất cho biết: chỉ có lãi suất huy động USD là giảm thực sự, còn lãi suất huy động VND chỉ là điều chỉnh giữa các kỳ hạn và không để các mức lãi suất cao nhất ở mức quá cao như trước đây mà thôi. Về mặt thực chất, các kỳ hạn được khách hàng gửi nhiều nhất vẫn được giữ nguyên hoặc nếu có điều chỉnh thì cũng không đáng kể. Trong buổi họp báo thông báo hạ lãi suất cho vay lần thứ hai trong vòng 1 tháng, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị NH Đầu tư và Phát triển (BIDV) nhận định: "Vào thời điểm hiện nay thì chưa nên hạ lãi suất huy động VND".

 

Khi được hỏi về việc giảm lãi suất huy động VND, bà Nguyễn Lê Diệu Thơ - Phó tổng giám đốc NH TMCP Sài Gòn nói: "Chúng tôi cũng muốn hạ lãi suất huy động để giảm chi phí vốn nhưng phải nhìn xung quanh xem các ngân hàng khác giảm thực sự là thế nào. Theo quan sát của chúng tôi, thực chất chỉ là không có sự gia tăng của mức lãi suất huy động cao nhất và có sự điều chỉnh lãi suất giữa các kỳ hạn huy động mà thôi, chứ không có chuyện giảm lãi suất huy động VND thực sự". Một lãnh đạo của NH Công thương Việt Nam - một NH vốn rất có thế mạnh về VND thì nói: "Chúng tôi chưa có ý định giảm lãi suất huy động VND một phần cũng vì mức lãi suất huy động VND của chúng tôi cũng thấp hơn so với mặt bằng chung trên thị trường". Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng nhận định: "Bây giờ mà chỉ cần giảm 0,1%/năm đối với lãi suất huy động VND thôi mà là giảm thực sự chứ không phải là điều chỉnh kỹ thuật là cực kỳ khó". Một lãnh đạo của Eximbank - NH cổ phần công bố mức giảm lãi suất cho vay lớn nhất, thì nhận xét: "Chưa đến lúc hạ lãi suất huy động VND, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Các động thái về lãi suất của các NH sẽ phải căn cứ rất nhiều vào việc công bố chỉ số giá cả (CPI) của tháng 8".


TN

Tin cùng chuyên mục