“Lãi suất tiết kiệm 8-9% là hợp lý”

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, lãi suất cần hạ thêm nữa để đảm bảo hài hòa lợi ích của người có tiền gửi ngân hàng và người đầu tư vốn.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên

 

Ông Kiên trao đổi với báo chí tại hành lang Quốc hội, ít ngày sau khi trần lãi suất huy động tiền đồng được đưa về 11% một năm và lãi suất cho vay ngắn hạn không quá 14% một năm.

 

Lãi suất giảm có thể khiến tiền nhàn rỗi trong dân khó thu hút được vào ngân hàng mà tìm đến các kênh đầu tư khác. Ông nghĩ sao?

 

Người gửi tiền tiết kiệm thường dựa trên lạm phát kỳ vọng. Nếu lạm phát kỳ vọng của năm nay giữ được ở 7-8% và lãi suất huy động ở 9-10%, chúng ta vẫn đảm bảo nguyên tắc đầu tiên của hệ thống tín dụng là lãi suất thực dương. Như vậy người dân vẫn gửi.

 

Theo ông, lãi suất sẽ giảm tới mức nào để đảm bảo cân đối lợi ích người gửi tiền và doanh nghiệp cần vốn đầu tư?

 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn thế này, lãi suất tiền gửi 8-9% là hợp lý để đạt được hiệu quả, hiệu suất của đồng tiền khi không tham gia vào sản suất kinh doanh.

 

Và khi lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần ở mức bình quân 12% một năm, tôi nghĩ nó sẽ ổn định. Ở khoảng 10- 12%, nó sẽ đạt được sự hài hòa giữa tốc độ phát triển, giữa lợi nhuận của người đầu tư vốn với người dân đang có tiền nhàn rỗi. Với tốc độ phát triển của hai lĩnh vực sản xuất và thương mại dịch vụ trong rất nhiều năm khoảng 14-16% một năm, lãi suất vay ngân hàng giữ được 10-12% thì các nhà đầu tư sẽ tiếp tục đầu tư.

 

 Các tổ chức quốc tế gần đây khuyến cáo lãi suất giảm nhanh sẽ có tác dụng ngược tới thị trường, xin cho biết quan điểm của ông?

 

Tất cả các chính sách bao giờ cũng có hai mặt. Các tổ chức quốc tế, các nhà tư vấn tài trợ cho chúng ta khuyến cáo hạ từ từ để tránh sốc, nhưng tất cả các biện pháp phụ thuộc vào đặc thù của nền kinh tế nước ta.

 

Đến giờ phút này có nhiều tín hiệu đảm bảo có thể hạ được lãi sất, và nếu như chúng ta không tiếp tục hạ thì hệ thống doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn nữa. Chúng ta phải tính bài toán hài hòa giữa hạ lãi suất và tạo sức sống mới cho doanh nghiệp Việt Nam.

 

Có những tín hiệu gì từ thực tế để tin chính sách của chúng ta đang đi đúng hướng?

 

Đến hết tháng 4/2012 nhìn vào bức tranh kinh tế thì thấy rằng số lượng doanh nghiệp mới thành lập trừ đi số lượng doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động vẫn dương 10.000. Đây là một điểm sáng chứng tỏ môi trường vĩ mô của chúng ta đang dần dần đi vào ổn định. Không ai dám nói là ổn định.

 

Một số tín hiệu khác cũng tích cực, CPI cũng đang từ từ đi xuống, 3 tháng nay dao động dưới 1%. Các chỉ số phát triển công nghiệp bắt đầu tăng trở lại, nếu quý I, tăng trưởng tín dụng của chúng ta là âm, thì tháng 4 và tháng 5 mức âm đó nhỏ dần và hy vọng trong tháng 6 chuyển sang dương. Nhìn tổng thể vận động của nền kinh tế, chúng ta thấy nó bắt đầu có đà đi lên. Bảo tăng tốc ngay trong thời điểm này là khó. Giống như chiếc ôtô, muốn đi phải có đà.


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục