Lãi suất tiền gửi thiết lập mặt bằng mới

(ĐTCK-online) Trước những công bố và động thái quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc bình ổn thị trường và kiểm soát toàn diện các ngân hàng áp dụng lãi suất huy động trên 10%/năm, trong những ngày qua, các nhà băng đã từng bước điều chỉnh lãi suất huy động cao nhất về dưới ngưỡng này. Song, thị trường lại thiết lập một mặt bằng lãi suất mới và tăng cao ở kỳ hạn ngắn ngày, với mong muốn thu hút tiền nhàn rỗi, đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng dịp cuối năm.

Điều chỉnh

Chỉ sau một ngày công bố lãi suất 6 tháng của sản phẩm “Tiền gửi siêu lãi suất” là 10,05%/năm, SCB đã phải điều chỉnh giảm lãi suất này xuống dưới 10%/năm. Tuy nhiên, lãi suất sau khi điều chỉnh được SCB áp dụng vẫn ở mức cao, nhất là tại các kỳ hạn ngắn ngày. Hiện lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng được áp dụng tại SCB là 9,7%/năm, 3 tháng là 9,95%/năm.

HDBank cũng không thể giữ mức lãi suất 10,3%/năm kỳ hạn dài ngày để thu hút sự chú ý của khách hàng gửi tiền. Ngày 27/10, HDBank chính thức điều chỉnh giảm lãi suất đối với tất cả các sản phẩm và mức cao nhất lùi về dưới ngưỡng 10%/năm. Tương tự, mới đây Western Bank giảm mức lãi suất cao nhất xuống dưới 10%/năm.

Thực tế thời gian qua, một số ngân hàng đua tăng lãi suất để mở rộng thị phần huy động vốn và cho vay, nhưng cạnh tranh thiếu sự lành mạnh. Vì vậy, NHNN kiểm soát chặt lãi suất để bình ổn thị trường. Nếu thấy ngân hàng nào áp dụng lãi suất huy động trên 10%/năm, NHNN ngay lập tức yêu cầu điều chỉnh giảm.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho rằng, các ngân hàng phải kiểm soát quy mô cơ cấu tín dụng ngắn hạn, trung - dài hạn bằng VND và cả ngoại tệ; kỳ hạn và cơ cấu vốn huy động - cho vay để cân đối nguồn, đồng thời đảm bảo tốt thanh khoản.

Thống đốc NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 9, nếu nhìn vào tổng thể hệ thống thì chưa ngân hàng nào vi phạm việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn, nhưng thực tế nhiều ngân hàng mất cân đối cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn. Theo quy định mới đây của NHNN thì các ngân hàng chỉ được sử dụng 30% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Từ đầu năm đến nay, vốn huy động trung - dài hạn khan hiếm trước áp lực chứng khoán, vàng tăng giá và tâm lý lo ngại nguy cơ lạm phát cao tái bùng phát của người dân; các ngân hàng đã đua nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài ngày, tiến gần sát trần cho vay. Song, các nhà băng vẫn khó thu hút được nguồn vốn trung, dài hạn để cho vay nên áp dụng mức lãi suất cao ở kỳ hạn dài ngày được xem là một chiêu thức cạnh tranh.

 

Mặt bằng 9,99%/năm

Tuy phải điều chỉnh lãi suất tiền gửi về dưới ngưỡng 10%/năm, nhưng do sức ép trong huy động vốn, nhất là khi nhu cầu vốn của khách hàng cao hơn dịp cuối năm và thời hạn giải ngân theo chủ trương kích cầu hỗ trợ lãi suất trung, dài hạn sắp hết (cuối tháng 12/2009, các ngân hàng sẽ phải ngưng giải ngân vốn hỗ trợ lãi suất kích cầu), trong khi vốn huy động có xu hướng chậm dần, nên các ngân hàng đã điều chỉnh tăng thêm lãi suất huy động, thiết lập mặt bằng mới 9,99%/năm để thu hút tiền nhàn rỗi.

Mức 9,99%/năm được các ngân hàng áp dụng cho nhiều kỳ hạn: 6, 12, 18, 24, 36 tháng - mức lãi suất mà trong 10 tháng qua chưa có ngân hàng nào sử dụng tới. Chẳng hạn, tại HDBank, sau đợt điều chỉnh lãi suất nói trên, đối với sản phẩm “Tiết kiệm siêu lãi suất”, kỳ hạn 6, 9, 12, 18, 24, 36 tháng, lãi suất là 9,99%/năm; kỳ hạn 7, 8 tháng là 9,6%/năm; kỳ hạn 10, 11 tháng là 9,7%/năm; kỳ hạn 12, 15 tháng là 9,85%/năm. Với sản phẩm “Tiết kiệm Lộc Phát”, kỳ hạn duy nhất 18 tháng, trả lãi 6 tháng/lần, ngân hàng này cũng áp dụng mức lãi suất 9,99%/năm.

Để có thể cạnh tranh trong việc thu hút tiền nhàn rỗi và giữ chân khách hàng, Western Bank vừa nâng lãi suất huy động đối với sản phẩm “Tiền gửi siêu lãi suất”, sau khi giảm mức cao nhất xuống dưới ngưỡng 10%/năm. Theo đó, kỳ 1 tháng là 9,5%/năm, kỳ hạn 3 - 12 tháng là 9,9%/năm, kỳ hạn 13 - 36 tháng là 9,99%/năm.

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục