Lãi suất tiền gửi tăng trở lại

(ĐTCK) Sau một thời gian tạm lắng (chưa đến 3 tuần), lãi suất huy động vốn của các ngân hàng đang có dấu hiệu tăng trở lại. Ngoài các chương trình khuyến mãi, quà tặng… thì trong những ngày gần đây, có gần 10 ngân hàng đẩy lãi suất tăng lên so với đầu tháng 7. Trong đó, HDBank đưa mức cao nhất lên 10,2%/năm đối với kỳ hạn tiền gửi 36 tháng kể từ ngày 27/7; SCB tăng lên 10%/năm đối với kỳ hạn 13 - 24 tháng kể từ ngày 24/7…
Kết thúc tháng 7 là thời điểm nhiều sổ tiết kiệm “siêu” lãi suất năm trước đến kỳ đáo hạn. Kết thúc tháng 7 là thời điểm nhiều sổ tiết kiệm “siêu” lãi suất năm trước đến kỳ đáo hạn.

Trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, lãi suất giao dịch bình quân bằng VND ở hầu hết các kỳ hạn trong tuần qua đều có xu hướng tăng so với một tuần trước đó, trong đó lãi suất bình quân kỳ hạn 6 tháng có mức tăng lớn nhất (tăng 1,65%/năm). Riêng lãi suất bình quân kỳ hạn 12 tháng có xu hướng giảm nhẹ. Còn lãi suất bình quân qua đêm là 5,95%/năm, tăng 0,3%/năm; lãi suất các kỳ hạn còn lại dao động trong khoảng 6,70 - 8,65%/năm. Đối với các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng USD, lãi suất bình quân các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 6 tháng cũng tăng.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, ngoài việc chuẩn bị nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay, việc điều chỉnh lãi suất gần đây không nằm ngoài xu hướng cạnh tranh để mở rộng thị phần tiền gửi. Trong đó, đáng chú ý là các ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ tăng lãi suất để thu hút khách hàng.

Trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định không phát hành tín phiếu bắt buộc, trên thị trường trong những ngày qua đã đồn thổi chuyện này khiến nhiều người cho rằng, đây cũng là lý do khiến các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất huy động tiền gửi. Trên thực tế, điều này đã xảy ra trong năm trước.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Phó giám đốc Maritime Bank, khác với năm 2008, hiện hoạt động của ngân hàng đã ổn định hơn và lãi suất cơ bản không còn duy trì mức cao. Do đó, nếu NHNN phát hành tín phiếu bắt buộc thì các ngân hàng cũng không gặp nhiều khó khăn, vì thanh khoản được đảm bảo. Một trong những lý do tăng lãi suất là ngân hàng muốn bù đắp lại các khoản tiền gửi sắp đến kỳ đáo hạn.

Giám đốc chi nhánh TP. HCM của một ngân hàng cổ phần trụ sở chính tại Hà Nội cho biết, kết thúc tháng 7 là thời điểm nhiều sổ tiết kiệm “siêu” lãi suất năm trước đến kỳ đáo hạn. Lãi suất cơ bản tăng lên 14%/năm kể từ giữa tháng 6/2008 và duy trì sang tháng 7 đã đẩy lãi suất huy động thời điểm đó lên mức 17 - 18%/năm. Với mức lãi suất giảm gần 2/3 hiện nay, các sổ tiết kiệm đáo hạn sẽ khó được tái tục, nhất là khi một số kênh đầu tư khác đang hấp dẫn. Điều này buộc một số ngân hàng, trong đó có ngân hàng ông phải tăng lãi suất huy động để có thể giữ chân khách hàng cũ, đồng thời huy động được nguồn tiền nhàn rỗi mới từ dân cư.

Theo đánh giá của ông Tùng, lãi suất tiền gửi từ nay đến cuối năm nhiều khả năng diễn biến theo chiều hướng tăng nhẹ, dù lãi suất cơ bản giữ nguyên. Các ngân hàng chủ yếu điều chỉnh lãi suất ở kỳ hạn dài ngày, thay vì tăng ở kỳ hạn ngắn ngày như trước.

Ông Cao Văn Đức, Tổng giám đốc VietBank cho rằng, chi phí huy động tăng thì lãi suất cho vay phải tăng. Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng không thể tăng lãi suất cho vay doanh nghiệp, bởi bị khống chế trần 10,5%/năm. Đối với tín dụng cá nhân, nếu áp dụng lãi suất cho vay quá cao sẽ khó thu hút được khách hàng. Vì thế, lãi suất huy động sẽ khó tăng cao.  

Vân Linh
Vân Linh

Tin cùng chuyên mục