Lãi suất tiền đồng trước sức ép CPI

(ĐTCK-online) Trái với các dự báo cho rằng, lạm phát sẽ dịu dần ở các tháng còn lại của năm, CPI tháng 7 tại TP. HCM vừa được công bố ở mức 1,07% sau 2 tháng giảm tốc. Tính chung bảy tháng đầu năm, CPI của TP. HCM tăng 12,73%. Tương tự, CPI tháng 7 của Hà Nội cũng tăng 1,32% so với tháng 6. Sức nóng CPI ở 2 thành phố lớn đã phần nào cho thấy bức tranh về lạm phát cả nước trong tháng 7 và đây chính là thách thức mới đối với lãi suất VND.
Lãi suất tiền đồng trước sức ép CPI

Bên cạnh đó, trong thời gian qua dù lãi suất tiết kiệm tiền đồng vẫn đứng ở mức khá cao, song nguồn vốn huy động về tiếp tục xu hướng giảm. Cụ thể, số liệu từ NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, huy động vốn của các NHTM trên địa bàn tính đến cuối tháng 6 là 819.000 tỷ đồng, tăng 1,58% so với cuối năm 2010. Tuy nhiên, huy động bằng VND lại giảm 0,73%, trong khi huy động bằng ngoại tệ tăng 7,5%.

Tổng nguồn vốn huy động của các NHTM tại Hà Nội tháng 7/2011 cũng chỉ tăng 0,05% so tháng trước đó. Trong khi đó, dư nợ cho vay của các NHTM trên địa bàn tháng 7/2011 dự kiến vẫn tăng 0,95% so tháng trước. Đối với khu vực TP. HCM, dư nợ tín dụng của các NHTM trên địa 6 tháng đầu năm 2011 cũng tăng mạnh hơn nhiều so với tốc độ tăng huy động vốn. Theo đó, tổng dư nợ cho vay tăng 6,67% so với cuối năm 2010, trong đó cho vay bằng tiền đồng tăng 2,14%.

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, sở dĩ vốn huy động của các NHTM giảm khi lãi suất tiết kiệm vẫn ở mức cao được là do tình hình khó khăn kéo dài nên các DN phải tận dụng hết các nguồn vốn tự có để duy trì hoạt động, thay vì gửi tiết kiệm hay lưu giữ một lượng tiền trên tài khoản thanh toán. Điều đó dẫn đến việc tiền gửi bằng VND của khách hàng DN thời gian qua đã sụt giảm, trong khi tiền gửi của dân cư tại ngân hàng vẫn tăng đến 12,9%.

Áp lực lạm phát tăng trở lại đã làm cho tâm lý kỳ vọng lãi suất sẽ cao hơn. Đặc biệt là khi lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng bất ngờ tăng cao trong ngày 20/7, với kỳ hạn 6 tháng đã lên mức xấp xỉ 17%/năm, thay vì chỉ 14%/năm trước đó. Điều này phần nào cho thấy sức ép trong huy động tiết kiệm VND của các nhà băng đang tăng lên và cạnh tranh thu hút vốn ở thị trường một (dân cư và tổ chức kinh tế) gặp khó khăn, nên nhu cầu vốn liên ngân hàng để bù đắp tạm thời về thanh khoản đã đẩy lãi suất trên liên ngân hàng tăng cao.

Mặc dù NHNN đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các NHTM phải thực hiện nghiêm quy định trần đối với lãi suất huy động VND ở mức 14%/năm và tái khẳng định, NHNN sẽ xử lý nghiêm những nhà băng vượt rào lãi suất huy động. Thế nhưng, trước áp lực lạm phát, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trần 14%/năm không còn phù hợp.

Tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ thừa nhận, khó khăn trong huy động vốn không những giảm bớt mà đang dần tăng lên khi thời điểm cuối năm cận kề. Đây cũng chính là lúc các DN cần vốn để phục vụ mùa sản xuất - kinh doanh cuối năm. Vì thế, việc điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm là rất khó.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nguyễn Hòa Bình nhận định, dù nguồn vốn khả dụng của Ngân hàng đang dôi dư khi tín dụng phải siết chặt hơn trước, nhưng không phải vì thế mà Vietcombank có thể mạnh tay cắt giảm chi phí đầu vào. Bởi theo ông Bình, khi lạm phát cả năm nay dự kiến trên con số 15% thì áp lực lên lãi suất tiết kiệm chưa thể giảm.

Theo đánh giá của TS. Cao Sỹ Kiêm, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, lãi suất tiết kiệm VND hiện khó giảm khi CPI còn ở mức cao và các mức lãi suất chủ chốt chưa được điều chỉnh giảm bởi NHNN.

Lãi suất huy động chưa thể giảm thì khi cho vay ra, các ngân hàng cũng khó thỏa thuận với khách hàng ở mức thấp. Hiện lãi suất cho vay tiền đồng lĩnh vực sản xuất - kinh doanh từ 20 - 21%/năm; đối với lĩnh vực phi sản xuất từ 23 - 25%/năm. Còn lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 6 - 7,5%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 7,5 - 8%/năm với trung và dài hạn.

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục