Lãi suất tiền đồng giảm, DN vẫn thích vay ngoại tệ

(ĐTCK-online) Lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng đang giảm dần, đặc biệt là đối với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu. Tuy nhiên, theo các nhà băng, nhiều DN vẫn lựa chọn vay ngoại tệ khi gõ cửa ngân hàng.
Lãi suất tiền đồng giảm, DN vẫn thích vay ngoại tệ

Cụ thể, tín dụng toàn ngành ngân hàng tháng 8 ước tăng 0,59% so với tháng trước, nhưng trong đó tín dụng VND giảm 1,05%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 0,82%. Còn so với cuối năm trước, tín dụng của toàn ngành ước tăng 8,15%.

Tại khu vực TP. HCM, tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng tính đến ngày 30/8 ước đạt 753.400 tỷ đồng, tăng 6,26% so với cuối năm 2010. Trong đó, cho vay bằng VND đạt 522.200 tỷ đồng, tăng 1,24%; cho vay ngoại tệ đạt 231.200 tỷ đồng, tăng 19,66% so với cuối năm trước. 

Từ thực tế trên cho thấy, nhu cầu tín dụng ngoại tệ của các DN vẫn chưa giảm, dù lãi suất tiền đồng đã hạ nhiệt. Theo ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc NamA Bank, sở dĩ các khách hàng DN, nhất là DN xuất khẩu vẫn thích chọn vay vốn ngoại tệ là do chênh lệch giữa lãi suất ngoại tệ và VND còn khá cao, khoảng 10%/năm. 

Còn theo ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc OCB, với các DN, nhất là những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, do có nguồn thu bằng ngoại tệ nên muốn sử dụng vốn vay bằng USD để giảm áp lực lãi suất. Bên cạnh đó, DN nhập khẩu có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ cũng muốn tiếp cận vốn vay USD, thay vì vay VND bán lấy ngoại tệ để thanh toán. Bởi ngoài áp lực lãi suất thấp hơn tiền đồng, áp lực tỷ giá được dự báo không quá lớn từ nay đến cuối năm cũng là yếu tố hấp dẫn DN.

Trên thực tế, những ngày đầu tháng 8, tỷ giá tăng, nhưng chủ yếu do tác động của giá vàng thế giới. Sau khi NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng, giảm biên độ giao dịch cùng với các biện pháp quản lý thị trường tự do, thị trường ngoại hối đã bình ổn trở lại và được kiểm soát trong biên độ cho phép. Chênh lệch tỷ giá thị trường chính thức và thị trường tự do thu hẹp, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng được cải thiện.

Về phía cơ quan quản lý, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định, nếu có điều chỉnh thì tỷ giá chỉ tăng khoảng 1% trong thời gian từ nay đến cuối năm. Vì thế, những người vay ngoại tệ không quá lo ngại đến vấn đề rủi ro biến động tỷ giá, nhất là khi lãi suất vay USD thấp hơn nhiều so với vay VND.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà các nhà băng có thể ồ ạt cho vay ngoại tệ. Bởi ngoài việc phải tăng dự trữ bắt buộc tiền gửi ngoại tệ thêm 1% theo quy định mới đây của NHNN, để tránh rủi ro, các nhà băng cũng chọn lọc những DN có khả năng tái tạo nguồn ngoại tệ mới cho vay.

Bên cạnh đó, NHNN cho biết, sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ, thanh tra, kiểm tra một số ngân hàng có tăng trưởng tín dụng ngoại tệ và hệ số sử dụng vốn ngoại tệ cao. Đồng thời, sẽ sửa đổi cơ chế cho vay ngoại tệ theo hướng quy định điều kiện chặt chẽ hơn đối với khách hàng không có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất - kinh doanh để trả nợ vay; ban hành quy chế trần giao dịch kỳ hạn nhằm tăng chi phí vay ngoại tệ, cũng như yêu cầu ngân hàng quan tâm điều hành, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ nhằm hạn chế rủi ro và góp phần ổn định thị trường ngoại hối.

TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP. HCM cũng cho rằng, các hợp đồng tín dụng ngoại tệ chủ yếu là ngắn hạn, trong khi tâm lý của DN xuất nhập khẩu hiện nay cho rằng, NHNN sẽ bằng mọi biện pháp để giữ ổn định thị trường ngoại tệ. Vì thế, DN vẫn muốn vay USD để tránh áp lực lãi suất tiền đồng. Do đó, cần tiếp tục tăng thêm dự trữ bắt buộc đối với huy động ngoại tệ thì mới có thể hạn chế tín dụng ngoại tệ, nhằm tránh nguy cơ căng thẳng tỷ giá dịp cuối năm.

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục