Lãi suất tiền đồng chưa sớm giảm

(ĐTCK-online) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm tăng gần 10% và áp lực lạm phát thời gian tới vẫn khá căng tẳng, nên lãi suất tiền đồng được dự báo sẽ còn “neo” ở mức hiện tại trong vài tháng tới.
Lãi suất tiền đồng chưa sớm giảm

Động thái tăng thêm các lãi suất chủ chốt (lãi suất tái chiết khấu lên 14%/năm) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã gây áp lực lên mặt bằng lãi suất. Cùng với đó là thông tin về việc NHNN có thể xem xét nâng trần lãi suất tiết kiệm tiền đồng đã dần lan tỏa, khiến tình trạng thỏa thuận ngầm về lãi suất tiền gửi diễn ra mạnh hơn, dù lãnh đạo của NHNN cho biết, chưa xem xét điều chỉnh vấn đề này. NHNN thông qua các công cụ thị trường mở, tái cấp vốn vẫn đảm bảo tốt thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, do lãi suất tái cấp vốn tăng và lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng tuần qua cũng tăng nhẹ, khiến cơ hội tiếp cận vốn trên thị trường mở của các NHTM bị hạn chế. Vì lãi suất tái chiết khấu đã tăng lên 14%/năm, đúng bằng trần lãi suất mà các ngân hàng được phép huy động từ dân cư.

Không tiếp cận được vốn trên thị trường liên ngân hàng, các nhà băng nhỏ tiếp tục đẩy mạnh khuyến mãi, với kỳ vọng thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư. Từ đó,  cuộc đua lãi suất càng nóng.

Trong những tuần gần đây, lãi suất tiền đồng vẫn được các ngân hàng công bố ở mức trần 14%/năm để tránh thanh kiểm tra. Tuy nhiên, thực tế, thị trường vẫn tồn tại hình thức thỏa thuận ngầm lãi suất. Tình trạng này xuất hiện chủ yếu ở một số nhà băng quy mô nhỏ, tính cạnh tranh trên thị trường còn khiêm tốn. Với khoản tiền 1 tỷ đồng trở lên, khách hàng có thể “mặc cả” lãi suất ở mức 17 - 18%/năm. Phần lãi suất chênh lệch sẽ được trả trước cho khách hàng bằng tiền mặt. Mặt khác, để giữ chân khách hàng cũ và thu hút nguồn tiền mới, nhân dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, không ít nhà băng, kể cả đơn vị quy mô lớn, đã rầm rộ tung ra các chương trình khuyến mãi.

Một lãnh đạo cấp cao của NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, dưới áp lực lạm phát, việc huy động vốn trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Ba tháng đầu năm 2011, huy động vốn của các ngân hàng tại TP. HCM giảm 2,6%. Trong khi đó, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 3/2011 tăng 3,4%.

NHNN cho biết, trên toàn hệ thống, 4 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng 5%, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,5%. Tuy tốc độ tăng trưởng tín dụng 4 tháng qua chỉ mới chiếm 1/4 so với mục tiêu cả năm, song do lạm phát đã vượt mục tiêu cả năm (mục tiêu lạm phát đưa ra đầu năm là 7%) nên theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, những giải pháp tới đây sẽ là tiếp tục thắt chặt tiền tệ và điều hành thận trọng. Vì vậy, lãi suất tiền đồng khó có thể sớm giảm như mong đợi và khả năng còn tăng nhẹ trong ngắn hạn để giảm áp lực lạm phát.

Theo nhận định của ông Louis Taylor, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam, với diễn biến lạm phát 4 tháng qua và áp lực lạm phát tới đây thì chính sách ổn định vĩ mô cần thực hiện quyết liệt hơn. Và do đó, ông Louis Taylor đánh giá, mặt bằng lãi suất tiền gửi VND chưa thể giảm trong thời gian tới. 

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận xét, với áp lực lạm phát hiện nay thì kỳ vọng về lãi suất của người gửi tiền vẫn cao hơn so với mức trần 14%/năm. Tuy nhiên, ông Lịch cho rằng, với các giải pháp đã được Chính phủ đưa ra và đang quyết liệt thực hiện thì khả năng áp lực lạm phát sẽ giảm dần trong những tháng cuối năm. Lãi suất tiền đồng cũng sẽ theo xu hướng đi xuống kể từ giữa hoặc cuối quý III/2011.

Mặt khác, với việc áp trần 3%/năm đối với lãi suất huy động ngoại tệ, các ngân hàng kỳ vọng sẽ sớm tác động tích cực lên thanh khoản và lãi suất tiền đồng. NHNN cũng đang mua vào ngoại tệ từ các NHTM để tăng dự trữ ngoại hối, nhưng không mua ào ạt, nhằm hạn chế cung tiền đồng “dội chợ” để đảm bảo việc kiểm soát lạm phát.

Vân Linh
Vân Linh

Tin cùng chuyên mục