Lãi suất dần trở lại quy luật cung - cầu

(ĐTCK) Mặc dù NHNN vẫn áp dụng mức trần đối với lãi suất tiền gửi từ 1 - 6 tháng, song hiện không ít NHTM áp dụng mức lãi suất huy động thấp hơn trần 7%/năm.
Lãi suất dần trở lại quy luật cung - cầu

Với tình hình thanh khoản của các ngân hàng hiện nay, đã có đủ điều kiện để bỏ trần lãi suất. Tuy nhiên, theo NHNN, chưa thể bỏ trần lãi suất vì nó có thể giúp định hướng cho các NHTM. 

 

Sau các động thái của NHNN, lãi suất huy động tiền đồng của các ngân hàng ngay lập tức giảm xuống mức trần 7%/năm trong ngày 28/6 đối với kỳ hạn 1 - 6 tháng và bỏ luôn trần đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Tuy nhiên, có một điều khác biệt so với trước đây là động thái bỏ trần lãi suất của các ngân hàng không còn làm xáo trộn mặt bằng lãi suất ở kỳ hạn dài. Ngược lại, lãi suất dần ổn định và theo chiều hướng giảm. Mức phổ biến được các ngân hàng áp dụng cho kỳ hạn từ 6 tháng trở lên dao động 8 - 8,5%/năm. Thậm chí, ở một số ngân hàng lớn, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng trở lên còn thấp hơn.

Nguyên nhân được các ngân hàng cho biết, là thanh khoản hiện đã tốt hơn nhiều so với trước đây. Nguồn vốn huy động dồi dào, song đầu ra vẫn khó được khơi thông, nên “neo” lãi suất huy động cao sẽ là con dao 2 lưỡi.

Phó tổng giám đốc HDBank, ông Lê Thành Trung cho rằng, tăng trưởng tiết kiệm của ngân hàng trong giai đoạn lãi suất giảm vẫn ổn định. Nguồn tiết kiệm thậm chí còn gia tăng qua các tháng, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn khó khăn. Tại HDBank, nguồn vốn tiết kiệm trong những tháng đầu năm tăng hơn 12%, trong khi tín dụng đến thời điểm này được ông Trung cho biết, còn ở mức khiêm tốn.

Tăng trưởng huy động vốn của SeABank, Sacombank, Eximbank, ACB cũng không có dấu hiệu sụt giảm trước bối cảnh lãi suất tiền đồng đi xuống, vàng giảm và tỷ giá tăng. Theo lãnh đạo Sacombank, 6 tháng đầu năm, huy động của Ngân hàng tăng trên 15%, trong khi dư nợ tín dụng mới đạt khoảng 8%.

Thanh khoản ngân hàng dôi dư được xem là điều kiện tốt để bỏ trần lãi suất và đưa lãi suất trở về quy luật cung - cầu. Chủ tịch HĐQT của một ngân hàng nhỏ trên địa bàn TP. HCM cho rằng, việc đưa lãi suất về đúng quy luật thị trường là rất quan trọng. Như vậy, cạnh tranh về lãi suất mới công bằng hơn với nhà băng nhỏ. Mặt khác, theo vị này, hiện nay, các ngân hàng cũng khó có thể duy trì lãi suất ở mức cao, khi nguồn vốn huy động về không thể cho vay ra.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, tình trạng ngân hàng thừa tiền - DN thiếu vốn sẽ còn kéo dài. Ngân hàng không cho vay ra được thì không thể neo lãi suất huy động ở mức cao. Vì thực tế, thời gian qua, không ít ngân hàng phải mua trái phiếu lãi suất thấp. Trong khi, lãi suất tiền gửi liên ngân hàng hiện chỉ còn vài phần trăm. Do đó, việc giảm lãi suất huy động là cần thiết và dần tiến tới bỏ trần để lãi suất diễn biến theo cung - cầu trên thị trường, thay vì áp dụng biện pháp hành chính.

Tuy nhiên, khả năng giảm tiếp lãi suất cho vay không còn nhiều, khó đáp ứng sự mong đợi của DN. Nguyên nhân một phần do rào cản nợ xấu, hàng tồn kho tăng và sức mua yếu, nhưng cũng có phần do hoạt động kém hiệu quả của hệ thống NHTM. Nếu lạm phát kỳ vọng cả năm nay là 6,5 - 7%, thì lãi suất vay thực dương theo lãi suất vay phổ biến hiện nay sẽ quá cao (4 - 6%). Với mức lãi suất như vậy, theo ông Lịch, sẽ không kích thích được các DN đang có kế hoạch đầu tư mở rộng và làm tăng nợ xấu đối với những DN đang nỗ lực phục hồi sản xuất.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng 6 tháng cuối năm 2013 tổ chức tại TP. HCM mới đây, Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, với tình hình thanh khoản của các ngân hàng hiện nay, có đủ điều kiện để dỡ bỏ trần đối với lãi suất huy động. Bởi các NHTM, nhất là những NHTM nhà nước đã giảm lãi suất huy động về dưới mức trần cho phép.

Tuy nhiên, NHNN vẫn chưa thực hiện việc dỡ bỏ trần lãi suất, bởi theo Thống đốc Bình, sự ổn định của hệ thống ngân hàng chưa thực sự vững chắc, nên trong giai đoạn này, trần lãi suất mang tính định hướng để tạo ra tính ổn định lâu dài. Khi duy trì trần lãi suất, ở các ngân hàng có uy tín, có hạ lãi suất, người dân vẫn gửi tiền. Ngược lại, với những NHTM có tình hình tài chính chưa lành mạnh thì cần phải huy động lãi suất cao hơn. Như vậy, trần lãi suất tồn tại để không đánh đồng các ngân hàng với nhau. Có thể trần huy động sẽ không còn nhiều dư địa để giảm thêm so với mức 7%/năm hiện nay, nhưng Thống đốc NHNN cho rằng, nếu ngân hàng nào có điều kiện thì tiếp tục hạ lãi suất đầu vào để có thể giảm tiếp mặt bằng chung của lãi suất cho vay. Điều quan trọng là ngân hàng phải tạo được niềm tin với người gửi tiền để tạo ra đường cong lãi suất một cách hợp lý và hợp quy luật thị trường.

Lãi suất dần trở lại quy luật cung - cầu  ảnh 1Tại HDBank, nguồn vốn tiết kiệm trong những tháng đầu năm tăng hơn 12%

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục