Lãi suất có thể tăng nhẹ tới cuối năm

(ĐTCK) Việc cầu huy động vốn tăng để đảm bảo thanh khoản, cộng thêm áp lực USD tăng giá được nhìn nhận sẽ khiến lãi suất VND tăng trong những tháng cuối năm, nhưng mức tăng sẽ không lớn.
Việc Fed dự kiến tăng lãi suất UDS trong tháng 9 và tháng 12 đang gây thêm áp lực lên lãi suất VND. Việc Fed dự kiến tăng lãi suất UDS trong tháng 9 và tháng 12 đang gây thêm áp lực lên lãi suất VND.

USD tiếp tục tăng, tạo thêm áp lực lên VND

Biên bản sau cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới đây gần như ủng hộ cho một đợt tăng lãi suất khác trong tháng 9 này khi đưa ra nhận định nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, bất chấp tồn tại những lo ngại về sự leo thang trong các tranh chấp thương mại đang diễn ra có thể làm viễn cảnh nền kinh tế Mỹ xấu đi.

Nhiều quan chức Fed cho biết, nếu các dữ liệu kinh tế tiếp tục củng cố nhìn nhận nêu trên, thì sẽ là điều kiện thích hợp để sớm thực hiện một bước tiếp theo trong việc thoát khỏi chính sách nới lỏng tiền tệ. Giới quan sát coi đây là chỉ báo cho động thái tiếp theo của Fed trong cuộc họp chính sách sắp tới.

Hiện tỷ lệ đặt cửa trên thị trường đang ủng hộ khả năng tăng lãi suất USD là 96% trong tháng 9 và 60% cho lần tiếp theo trong tháng 12 năm nay.

Việc Fed tăng lãi suất được giới phân tích tài chính - tiền tệ cho rằng, cũng góp phần tác động khiến lãi suất VND tăng. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, do USD trong xu hướng tăng giá nên nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động VND để tránh việc khách hàng rút tiền đồng đầu cơ vào USD.

Thực tế, từ trung tuần tháng 8 đến đầu tháng 9/2018, thị trường tiền tệ đã sôi động hơn với những quyết định tăng lãi suất huy động VND của một số ngân hàng, dù lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng gần đây ổn định.

Chẳng hạn, ngày 5/9, Sacombank đã điều chỉnh lãi suất ngân hàng kỳ hạn 13 tháng tăng từ 7,6%/năm lên 7,8%/năm và 18 tháng từ 7,1%/năm lên 7,2%/năm áp dụng cho số tiền gửi từ 100 tỷ đồng trở lên. CBBank tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên 8%/năm, và 15 tháng lên 8,6%/năm.

Techcombank cũng đã áp dụng biểu lãi suất mới từ đầu tháng 8, tăng lãi suất thêm 0,1-0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn, tăng thêm 0,2-0,4 điểm phần trăm ở 1 số kỳ hạn dài như 12 tháng, 18 tháng và 36 tháng.

Đáng chú ý, 3 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là Vietcombank, Vietinbank và BIDV cũng vào cuộc đua tăng lãi suất huy động. Mức cao nhất mà các ngân hàng này áp dụng cho kỳ hạn từ 24 tháng là 6,5-6,8%/năm. 

Lãi suất tăng, nhưng không nhiều

Nhu cầu vốn của các nhà băng có dấu hiệu tăng cao trong thời gian gần đây, không chỉ trên thị trường 1 mà trên thị trường 2, lãi suất liên ngân hàng theo đó cũng tăng trở lại, đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên mức cao mới.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong tuần cuối tháng 8/2018, lãi suất liên ngân hàng có dấu hiệu giảm và xu hướng giảm được duy trì trong phiên đầu tiên của tháng 9, với kỳ hạn qua đêm - kỳ hạn có khối lượng giao dịch lớn nhất - giảm xuống còn 4,2%/năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng thêm trong thời gian tới, nhưng mức tăng sẽ không lớn (dưới 0,5%/năm).

Tuy nhiên, sang phiên 5/9, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bất ngờ tăng mạnh trở lại. Kỳ hạn qua đêm quay trở lại mức cao 4,52%/năm, còn kỳ hạn 1 tuần leo lên 4,63%/năm và 2 tuần là 4,66%/năm.

Theo lý giải của một cán bộ cao cấp ngành ngân hàng, sở dĩ lãi suất tăng, ngoài áp lực từ Fed, thì lạm phát bắt đầu thể hiện sức ép lớn hơn. NHNN không còn mua vào ngoại tệ lớn như trước, tỷ giá USD/VND xuất hiện những đợt tăng khá mạnh.

Giới quan sát nhận định, tuy thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang khá tích cực, nhưng muốn giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong bối cảnh hiện nay là khó.

NHNN đang điều hành thị trường nhắm đến 2 mục tiêu chính là thực thi chính sách tiền tệ theo hướng chặt chẽ hơn để đối phó với nguy cơ lạm phát tăng mạnh, đồng thời giảm áp lực lên tỷ giá.

Khi cung không còn quá dư thừa, tiền đồng sẽ lên giá trở lại so với USD. Ngoài ra, lãi suất cho vay liên ngân hàng neo ở mức cao (trên 4%) khiến chi phí vay tiền đồng tăng, qua đó giúp giảm bớt hiện tượng đầu cơ USD trong hệ thống ngân hàng.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), từ ngày 30/7 đến 24/8/2018, NHNN đã hút ròng tổng cộng 23.687 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ thị trường mở OMO và tín phiếu.

Cùng với đó, hoạt động bơm tiền đồng mua ngoại tệ cũng không được thực hiện kể từ đầu quý III/2018.

Thậm chí, với sự căng thẳng của tỷ giá USD/VND trong tháng 8, ước tính NHNN đã phải bán ra trên 2 tỷ USD, đồng nghĩa hút thêm 46.000 tỷ đồng về.

Theo các chuyên gia kinh tế, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng thêm trong thời gian tới, nhưng mức tăng sẽ không lớn (dưới 0,5%/năm).

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, trong thời gian còn lại của năm nay, khả năng cao Fed sẽ tăng lãi suất 2 lần vào tháng 9 và tháng 12. Do đó, VDSC kỳ vọng lãi suất tại Việt Nam có thể sẽ chỉ tăng nhẹ trong năm 2019. 

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục