Lãi suất cho vay hạ nhỏ giọt

(ĐTCK) Sau hơn một tuần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố quyết định giảm thêm 1%/năm đối với các mức lãi suất chủ chốt, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất. Mức giảm tối đa chỉ khoảng 0,5 - 1%/năm so với trước.
Lãi suất cho vay hạ nhỏ giọt

Dè dặt hạ lãi suất huy động

Mặc dù nguồn vốn lúc này khá dôi dư, song việc điều chỉnh lãi suất đầu vào vẫn được các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ (có khó khăn hơn trong việc cạnh tranh huy động vốn) cân nhắc khá kỹ, nhằm tránh hiện tượng dòng tiền tiết kiệm “chảy” qua các kênh đầu tư khác. Động thái giảm lãi suất đầu vào ở các ngân hàng thương mại quốc doanh được các nhà băng nhỏ cho rằng, điều đó sẽ tạo ra sự công bằng hơn trong huy động giữa các ngân hàng. Người gửi tiền có thể cân nhắc về mức lãi suất để gửi vốn, thay vì cào bằng lãi suất ở các ngân hàng như nhau.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, thời điểm hiện tại, khi các kênh đầu tư khác rơi vào trầm lắng thì mức lãi suất tiết kiệm từ 7 - 9%/năm là phù hợp. Nhưng lâu nay, các ngân hàng lớn đều áp dụng mức lãi suất huy động kịch trần nên ngân hàng nhỏ rất khó cạnh tranh. Vì thế, khi các ngân hàng thương mại nhà nước giảm nhẹ lãi suất đầu vào, khối ngân hàng cổ phần vẫn chưa vội điều chỉnh giảm theo. Lãi suất huy động áp dụng phổ biến tại ngân hàng cổ phần hiện nay khoảng 7 - 7,5%/năm đối với kỳ hạn dưới 1 năm và 8 - 10%/năm đối với kỳ hạn trên 1 năm.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, tăng trưởng huy động vốn của Ngân hàng 4 tháng đầu năm tương đối tốt, khoảng 10%. Tuy nhiên, Sacombank cũng chỉ điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất đầu vào sau khi NHNN điều chỉnh các mức lãi suất chủ chốt. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 năm dao động 7,2 - 7,3%/năm và 9%/năm cho kỳ hạn trên 1 năm.

Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại quốc doanh cũng chỉ giảm nhỏ giọt ở kỳ hạn ngắn 1 - 2 tháng. Chẳng hạn, tại Vietcombank, kỳ hạn 1 - 3 tháng áp dụng mức lãi suất 6 - 6,8%/năm. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, việc điều chỉnh lãi suất đầu vào của các NHTM nhà nước vừa rồi chỉ là để cơ cấu lại kỳ hạn. Trong đó, chủ yếu tập trung ở kỳ hạn ngắn. Theo ông Minh, trần lãi suất huy động vẫn còn dư địa hạ thêm chút đỉnh và mỗi lần cắt giảm sẽ vào khoảng 0,25-0,5%/năm. Bởi theo tính toán của các chuyên gia, khả năng lạm phát năm nay được kiểm soát ở mức 6,5 – 6,8%/năm.

Lãi suất cho vay hạ nhỏ giọt ảnh 1BIDV vừa hạ lãi suất 2%/năm với 7 lĩnh vực ưu tiên, về mức tối đa 10%/năm

 

Thận trọng giảm lãi vay

Cũng theo ông Minh, với mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay hiện ở mức 2,5%, các ngân hàng chỉ đủ bù đắp chi phí. Để kỳ vọng có lãi, mức chênh lệch này phải từ 3 - 3,5%. Nhưng nếu không xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, ngân hàng sẽ  khó thu hút được khách hàng vay vốn, kích thích dòng chảy tín dụng. 

Dù lãi suất huy động được dự báo giảm và các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy, vẫn còn dư địa để lãi suất huy động tiếp tục giảm, là cơ sở để giảm lãi suất cho vay, nhưng số lượng doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ là rất ít. Để giải quyết khó khăn, chủ doanh nghiệp cần phải thực hiện thường xuyên việc hoạch định và phân tích dòng tiền sao cho hiệu quả. Như vậy, nguồn vốn vay từ ngân hàng mới giải quyết được khó khăn tồn động và giúp doanh nghiệp vực dậy. Khó khăn lớn nhất của các ngân hàng hiện nay là doanh số giải ngân cũng như chất lượng tín dụng quá thấp. Không phải ngân hàng không muốn cho vay mà do rủi ro quá lớn khi chất lượng kinh doanh của các doanh nghiệp chưa cao. Vì vậy, theo các ngân hàng, giảm lãi suất chưa hẳn đã giải quyết được bài toán tín dụng tắc nghẽn, khơi thông dòng vốn ngân hàng.

Thực tế, thời gian qua, các ngân hàng đã không ngừng đưa ra gói tín dụng lãi suất ưu đãi để thu hút khách hàng tiếp cận vốn. ACB đã triển khai chương trình tín dụng đặc biệt “Tiếp cận nhanh, lãi suất thấp”, với mức lãi suất cố định 9,99%/năm. Khách hàng có nhu cầu vay vốn từ 300 triệu đồng để phục vụ sản xuất - kinh doanh, mua nhà ở, tiêu dùng, xây dựng hoặc sửa chữa nhà sẽ có nhiều sự lựa chọn linh hoạt cố định lãi suất trong 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng với mức lãi suất thấp nhất là 9,99%/năm. Tương tự, HDBank đã dành 1.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất từ 10,5- 11,5%/năm cho các doanh nghiệp có nhu cầu bổ sung vốn lưu động để sản xuất - kinh doanh xuất nhập khẩu.

Theo một Phó tổng giám đốc của HDBank, không phải đến khi NHNN hạ các mức lãi suất chủ chốt, Ngân hàng mới điều chỉnh lãi suất cho vay, mà trước đó, HDBank đã từng bước giảm dần. Tuy nhiên, vị này cho rằng, trong điều kiện thị trường hiện nay, khi sức mua suy yếu, doanh nghiệp chưa muốn sử dụng vốn vay. Trong khi đó, với ngân hàng, việc giảm lãi suất cho vay cũng phải được tính toán dựa trên nguồn vốn huy động và chi phí đầu vào. Mặt khác, trước xu hướng nợ xấu tăng, đòi hỏi Ngân hàng thận trọng hơn khi cấp tín dụng. Mức lãi suất cho vay thấp nhất được HDBank áp dụng hiện nay ở mức 8,5%/năm dành cho DN xuất khẩu.

“Trong lúc này, rất khó duy trì lãi suất cho vay cao, vì như thế sẽ khó thu hút khách hàng vay vốn. Song chi phí đầu vào chưa thể giảm mạnh, nên việc giảm sâu lãi suất cho vay không phải là điều dễ dàng”, ông này nói.

Tổng giám đốc Sacombank ông Phan Huy Khang cho biết, lãi suất cho vay của Sacombank được giảm dần, nhưng mức phổ biến hiện nay khoảng 10 - 14%/năm. Trong đó, nguồn vốn giá rẻ chủ yếu được Ngân hàng dành cho lĩnh vực xuất khẩu, với mức thấp nhất là 7,5%/năm. Nhưng tùy sức khỏe của từng doanh nghiệp, tùy chất lượng của từng khoản vay mà Sacombank áp dụng mức lãi suất cho vay khác nhau.

Cũng theo nhận định của ông Khang, việc giảm lãi suất cho vay của NHNN thời gian qua khá nhanh và mức lãi suất phổ biến 10 - 12%/năm hiện nay được cho là hợp lý. Vấn đề còn lại là sức khỏe của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có mạnh dạn để tiếp cận vốn vay đầu tư, sản xuất - kinh doanh mới hay chưa.

“Hiện các doanh nghiệp tốt vẫn có nguồn vốn lưu động tốt nên nhu cầu vay chưa cao, trong khi các doanh nghiệp nhỏ có nhu cầu về vốn nhưng rủi ro gia tăng nên ngân hàng phải thận trọng”, Tổng giám đốc Sacombank nói và cho biết, 4 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đạt mức 6% và kỳ vọng cả năm đạt 12%.

Phó tổng giám đốc OCB ông Phạm Linh cũng cho hay, tăng trưởng tín dụng đối với riêng khối khách hàng doanh nghiệp tại Ngân hàng 4 tháng đầu năm đạt khoảng 10% và kỳ vọng cả năm nay là 30%. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn hiện nay của OCB vẫn khá chậm, mà nguyên nhân không chỉ vì lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay cũng được OCB tính toán giảm dần trong thời gian qua, với mức dao động từ 10 - 14%/năm. Ông Linh cho rằng, mức lãi suất này là phù hợp với trần lãi suất huy động cũng như chi phí hoạt động của Ngân hàng. Khả năng lãi suất cho vay giảm thêm trong thời gian tới là có, song khó giảm mạnh.

BIDV vừa có thông báo giảm thêm 2%/năm đối với lãi suất cho vay, nhưng cũng chỉ dành cho các đối tượng khách hàng thuộc 7 lĩnh vực ưu tiên (phát triển nông thôn; tài trợ xuất khẩu; cho vay DNVVN; cho vay ngành công nghiệp hỗ trợ; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cho vay khắc phục bão lũ, người nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến thủy sản), về mức lãi suất tối đa 10%/năm và kéo lãi suất khoản vay cũ về 13%/năm, theo quy định trần lãi suất cho vay vừa được NHNN ban hành. Với khách hàng ngoài 7 lĩnh vực trên và cả với khách hàng cá nhân, lãi suất cho vay vẫn dao động  trong khoảng 11 - 13%/năm.            

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục