Lãi suất âm thầm giảm

(ĐTCK-online) Để tiết giảm chi phí đầu vào khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra quy định cấm sử dụng các hình thức gián tiếp làm tăng chi phí vốn vay của khách hàng, ngân hàng phải tính tới việc cắt giảm lãi suất đầu vào. Khác với những đợt truyền thông rầm rộ khi tăng lãi suất, việc giảm lãi suất diễn ra âm thầm hơn.
Tuần qua, số dư tiền gửi của ngân hàng tiếp tục tăng và ở mức tương đối cao. Tuần qua, số dư tiền gửi của ngân hàng tiếp tục tăng và ở mức tương đối cao.

Tăng nóng, giảm chậm

Lãi suất kỳ hạn ngắn được tăng nhiều nhất hơn 1 tháng trước đây để bù đắp thiếu hụt thanh khoản, chính vì vậy, trong đợt cắt giảm lần này, lãi suất kỳ hạn ngắn được lựa chọn đầu tiền.

Mới đây nhất, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) đã giảm lãi suất không kỳ hạn từ mức kỷ lục 9%/năm xuống còn 6%/năm (lĩnh lãi cuối kỳ). Đồng thời, ngân hàng này cũng ngưng luôn sản phẩm tiết kiệm huy động vốn "lãi suất cao nhất" và bỏ các kỳ hạn tiền gửi ngày lãi suất hấp dẫn. Bên cạnh đó, SCB cũng không duy trì mức lãi suất cao nhất áp dụng trong những ngày cuối tháng 6/2008 là 19,4%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Hiện lãi suất linh hoạt cao nhất đang áp dụng tại SCB là 18,8/năm cho kỳ hạn 370 ngày.

Ngân hàng Gia Định (GiaDinh Bank) cũng làm tương tự, âm thầm hạ lãi suất từ mức cao nhất 19,5%/năm kỳ hạn 3 tháng xuống còn 18,9%/năm; kỳ hạn 2 tháng, lãi suất đang áp dụng tại GiaDinh Bank cũng chỉ còn 18,62%/năm. Còn Ngân hàng Kiên Long (KienLong Bank), lãi suất giảm từ 20%/năm kỳ hạn 13 tháng xuống còn 19%/năm theo yêu cầu của NHNN, nhằm ổn định thị trường tiền tệ.

Nhiều ngân hàng nhỏ trước đây tiên phong tăng lãi suất, nhưng khi hạ lãi suất lại điều chỉnh chậm trong trạng thái thăm dò nhau. Ngoài lãi suất tiền đồng, lãi suất huy động ngoại tệ đã và đang có nhiều ngân hàng rục rịch cắt giảm, trong đó Eximbank đã giảm lãi suất từ mức cao nhất 7%/năm kỳ hạn 12 tháng xuống còn 6,5%/năm.

Theo nhiều dự đoán, so với lãi suất huy động bằng tiền đồng, lãi suất USD nhiều khả năng sẽ phải cắt giảm mạnh hơn. Nguyên nhân, nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ trong 2 tháng cuối của quý II/2008 tăng mạnh, trong khi nhu cầu vay USD của doanh nghiệp giảm nhiều khiến nguồn cung vốn huy động bằng ngoại tệ đang ứ đọng tại ngân hàng.

 

Áp lực lãi suất lớn dần!

Sở dĩ các ngân hàng phải âm thầm cắt giảm lãi suất là do lo ngại nguồn tiền tiết kiệm chuyển dịch sang ngân hàng bạn, đồng thời tính hấp dẫn đối với người gửi tiền sẽ giảm sút. Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP thừa nhận, tăng lãi suất là tăng chi phí đầu vào. Với mức lãi suất đang áp dụng tại ngân hàng ông đã tiệm cận 19%/năm, so với chênh lệch lãi đầu ra sẽ không có lợi nhuận. Tuy nhiên, việc cắt giảm sẽ được tính toán và chỉ thông báo trong nội bộ, nhằm tránh tình trạng tiền gửi chuyển hướng.

Theo nhận định của ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM, nếu lạm phát trong tháng 7 có chiều hướng giảm như tháng 6 chắc chắn lãi suất huy động tiền gửi sẽ giảm so với mức các ngân hàng đang áp dụng hiện nay. NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Mới đây, Thống đốc NHNN có văn bản số 6154/NHNN-VP gửi chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc các tổ chức tín dụng yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Sau khi thiết lập đường dây nóng, NHNN đã nhận được nhiều phản ánh từ các doanh nghiệp và cá nhân, tập trung vào hoạt động tín dụng, lãi suất.

Chính điều này buộc các ngân hàng phải tính đến việc cắt giảm lãi suất đầu vào, nhằm đảm bảo doanh thu và lợi nhuận trong huy động và cho vay. Trên thực tế, nhiều ngân hàng cũng không cứng nhắc trong việc áp dụng mức tối đa 21%/năm (tương đương 1,75%/năm) nếu huy động được nguồn vốn giá rẻ. Một trong những lý do buộc các ngân hàng phải linh hoạt lãi suất trong cho vay là khách hàng không còn mặn mà với việc gõ cửa nhà băng để mượn tiền lúc này, vì lãi suất phải trả quá cao.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hạ lãi suất cho vay ngắn hạn ngoại tệ, trong đó giảm 2%/năm cho các mặt hàng thuộc nhóm 1 theo quy định của Bộ Công thương như: phôi thép, phân bón, xăng dầu, chất dẻo, sợi, bông, hoá chất nguyên liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng… Đồng thời, giảm 1%/năm so với mức đang áp dụng (9,8%/năm) cho các mặt hàng nhập khẩu còn lại.

Theo báo cáo của NHNN, trong tuần qua, số dư tiền gửi của ngân hàng tiếp tục tăng và ở mức tương đối cao nhưng không đồng đều giữa các khối. Các ngân hàng thương mại lớn có mức dự trữ vượt, trong khi một số ngân hàng TMCP vừa và nhỏ lại dự trữ ở mức thấp (vừa đủ hoặc thấp hơn so với mức yêu cầu dự trữ bắt buộc). Do nhu cầu vốn của ngân hàng vẫn khá lớn, nên trong tuần qua NHNN tiếp tục thực hiện các phiên chào mua giấy tờ có giá trên thị trường mở, với khối lượng mỗi phiên từ 5.000 -12.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 15%/năm để hỗ trợ khả năng thanh toán cho ngân hàng, nhằm ổn định thị trường.          

Lãi suất huy động VND

3 tháng (%/năm)

6 tháng (%/năm)

12 tháng (%/năm)

Phổ biến

Cao nhất

Phổ biến

Cao nhất

Phổ biến

Cao nhất

Nhóm NHTMNN

16,8

17,5

16,9

17,5

17,3

18

Nhóm NHTMCP

18,01

18,9

18,03

19

17,41

19,1

 

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục