Lại muốn thu phí ATM

Lần thứ ba đề xuất thu phí giao dịch rút tiền nội mạng - chủ thẻ rút tiền tại chính máy ATM của ngân hàng (NH) phát hành thẻ - đã không được NH Nhà nước tán thành. Nhiều NH đã lách bằng cách thu các loại phí khác như: phí quản lý tài khoản, phí in sao kê...
Thanh toán tiền từ thẻ ATM tại siêu thị Citimart Thanh toán tiền từ thẻ ATM tại siêu thị Citimart

>> Ngân hàng đòi thu phí ATM

 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó chủ tịch Hội Thẻ cho biết, văn bản đề nghị thu phí rút tiền nội mạng và tăng phí giao dịch ngoại mạng từ 3.300 đồng lên 5.500 đồng/giao dịch (đã bao gồm thuế)  của đại diện 40 NH phát hành thẻ đã trình lên NH Nhà nước.

 

Kinh doanh thẻ chưa có lãi

 

Theo biên bản đề nghị, lộ trình thu sớm nhất từ đầu tháng 8, một số NH khác đặt lộ trình thu từ tháng 10. Tuy nhiên mới đây NH Nhà nước đã trả lời chính thức bằng văn bản rằng trong thời điểm hiện nay chưa chấp thuận thu phí nội mạng cũng như tăng phí rút tiền ngoại mạng.

 

Ông Trịnh Thượng Thức, Trưởng phòng giao dịch thẻ NH Ngoại thương chi nhánh TP.HCM, cho rằng, sở dĩ các NH phải đặt vấn đề thu phí giao dịch vì kinh doanh thẻ nhiều năm nay gần như không có lãi. Trong khi đó chi phí cho máy rút tiền tự động (ATM) ngày càng đắt đỏ. Giá thuê địa điểm đặt máy ở những vị trí đắc địa lên đến 10 triệu đồng/chỗ, còn lại từ 3-5 triệu đồng/chỗ. Đó là chưa kể phí thuê đường truyền, phí thuê đội ngũ kiểm đếm, tiếp tiền. Riêng chi phí sửa chữa, bảo trì mỗi máy lên đến 500 triệu đồng/năm.

 

Trong khi đó, kỳ vọng kiếm lãi từ tiền gửi không kỳ hạn rất khó do người dân chưa có thói quen thanh toán bằng thẻ. Tiền vừa vào tài khoản, chủ thẻ lại rút ra chi tiêu. NH còn phải duy trì số dư thấp nhất 400-500 triệu đồng/máy. Với những NH có hệ thống ATM lên đến hàng nghìn máy thì số tiền không sinh lãi lên đến 500-600 tỷ đồng.

 

Giám đốc trung tâm thẻ một NH cổ phần cho rằng, nên cho các NH thu phí để trang trải kinh phí hoạt động. “Định kỳ NH Nhà nước vẫn yêu cầu các NH báo cáo số lượng máy ATM đã lắp đặt, số thẻ phát hành thêm. Như vậy đủ hiểu rằng NH Nhà nước rất mong muốn các NH phải mở rộng mạng lưới máy ATM song song với phát hành thẻ” - ông này nói. Theo ông này, NH cũng mong muốn đầu tư mở rộng mạng lưới nhưng kế hoạch đó đã bị hội đồng quản trị “lắc đầu” do kinh doanh thẻ lỗ triền miên.

 

Thu phí in sao kê, quản lý tài khoản

 

Sau nhiều lần đề xuất bất thành, nhiều NH đang lên kế hoạch thu những loại phí khác mà không cần phải xin phép NH Nhà nước. NH Vietcombank cho biết, đã trình kế hoạch thu phí in sao kê với giao dịch nội mạng, mức phí 550 đồng/giao dịch (đã tính VAT), từ cuối năm 2010.

 

Theo NH này, việc thu phí in sao kê nhằm hạn chế nhiều khách hàng in sao kê dù không có nhu cầu, giảm bớt chi phí cho NH. Nếu cần biết thông tin giao dịch, khách hàng vẫn có thể xem số dư trên máy, không mất phí.

 

Trước đó, từ 31/3 NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã thu phí in thông tin tra cứu số dư hoặc các giao dịch gần nhất tại ATM của Agribank, mức phí là 550 đồng. Một NH khác cho biết, trong thời gian tới cũng sẽ thu phí quản lý tài khoản, dự kiến mức thu là 6.000 đồng/tháng (72.000 đồng/năm). Trước đây các NH không thu phí này nhưng tình hình hiện nay phải tính toán thu để bù đắp phần phí lẽ ra thu từ khách hàng rút tiền nội mạng.

 

Theo các NH, nếu được thu phí sẽ tạo điều kiện để NH cung ứng dịch vụ chất lượng hơn. Hiện hệ thống ATM tập trung chủ yếu ở các TP lớn hoặc các quận trung tâm. Nếu nguồn kinh phí dồi dào hơn, các NH sẽ mở rộng đầu tư máy tại những vùng xa hơn. NH cũng nghiên cứu để tăng thêm các tiện ích trên máy ATM, nâng cấp để  hệ thống chạy trơn tru hơn.

 

Có nhiều ý kiến xoay quanh việc nâng phí rút tiền ngoại mạng sẽ dẫn đến tình trạng rồng rắn xếp hàng rút tiền tại máy ATM của NH phát hành thẻ gây tắc nghẽn như trước. Tuy nhiên theo các NH, mức phí cao cũng hạn chế giao dịch rút tiền mặt. Hiện tại nhiều khách hàng chủ yếu sử dụng thẻ để rút tiền trong khi thẻ còn có tác dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ...

 

Hạn chế đầu tư thêm ATM

 

Không chỉ tính toán thu thêm phí, nhiều NH cũng rất thận trọng đầu tư phát triển thêm hệ thống. Theo số liệu của Hội thẻ, tính đến 30/6/2010 số máy ATM được lắp đặt chỉ tăng gần 800 máy so với cuối năm 2009, đạt 10.516 máy.

 

Trong khi đó, chỉ tính riêng thẻ nội địa trong sáu tháng đầu năm đã tăng thêm hơn 3 triệu thẻ, đạt hơn 23,3 triệu thẻ. Cũng theo Hội thẻ, hiện nay có nhiều NH nhỏ thà chấp nhận trả phí giao dịch ngoại mạng cho khách hàng chứ không chịu đầu tư máy do chi phí đắt đỏ (trung bình 20.000 USD/máy, gần 400 triệu đồng).


TT

Tin cùng chuyên mục