Lại được mua nhà, ôtô bằng tiền mặt

Khác hẳn với lần công bố vào tháng một, dự thảo sửa đổi lần 2 về Nghị định Thanh toán Tiền mặt đã bỏ quy định cấm người dân thanh toán bằng tiền mặt khi mua nhà, ôtô, các tài sản có giá trị lớn khác.
Đề xuất cấm trả tiền mặt khi mua nhà, ô tô đã được dỡ bỏ trong dự thảo Nghị định sửa đổi lần này. Đề xuất cấm trả tiền mặt khi mua nhà, ô tô đã được dỡ bỏ trong dự thảo Nghị định sửa đổi lần này.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo sửa đổi lần 2 Nghị định thanh toán tiền mặt của Chính phủ. So với lần lấy ý kiến trước đây vào tháng 1/2013, bản sửa đổi lần này đã bỏ đi rất nhiều quy định liên quan tới thanh toán tiền mặt của các cá nhân. Theo đó, quy định cấm người dân thanh toán tiền mặt khi mua nhà ở, đất đai, ôtô hay các phương tiện khác đã không được đề cập. Trong dự thảo lần này, Ngân hàng Nhà nước chỉ đề xuất, tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt khi mua bán chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán.

 

Tháng một, khi Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo Nghị định, không ít người dân và cả chuyên gia bày tỏ lo ngại với phương án bắt buộc thanh toán qua ngân hàng khi mua nhà ở, ôtô hay những tài sản có giá trị lớn khác. Lo ngại chủ yếu liên quan đến việc nhiều địa phương, hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt còn chưa phát triển còn nhiều người dân thì hoài nghi về năng lực của hệ thống ngân hàng khi chất lượng còn chưa tương xứng với kỳ vọng.

 

Dự thảo Nghị định cũng đề xuất những hạn chế thanh toán tiền mặt với các doanh nghiệp và tổ chức. Theo đó, các tổ chức không được thanh toán bằng tiền mặt với nhau và với cá nhân khi mua bán chứng khoán chưa qua Sở giao dịch. Ngoài ra, dự thảo cũng cấm các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng dùng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau. Việc góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp cũng bị cấm giao dịch tiền mặt.

 

Mặc dù bỏ nhiều quy định liên quan đến hạn chế thanh toán tiền mặt của các cá nhân nhưng lần này, Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ các ngân hàng có quyền ấn định mức phí dịch vụ tiền mặt, tạo cơ sở pháp lý cho các nhà băng chủ động thu phí với khách hàng. Không chỉ vậy, khi rút số tiền mặt có giá trị lớn, khách hàng phải thỏa thuận và thông báo trước với ngân hàng.

 

Hồi tháng 2, trả lời báo chí, một đại diện của Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ sớm hoàn thiện Dự thảo này để trình Thủ tướng trước ngày 30/6. Hiện hệ thống ngân hàng đang có 51 triệu thẻ và hơn 14.000 máy ATM, chưa kể 94.000 thiết bị chấp nhận thanh toán qua thẻ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Thẻ, hàng chục triệu tài khoản ngân hàng này vẫn chủ yếu để rút tiền mặt thay vì chi tiêu qua ngân hàng.


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục