Kỳ vọng hiệu ứng tốt từ VAMC

(ĐTCK) Nghị định về việc thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) vừa được ký ban hành được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu ứng tích cực cho việc xử lý ách tắc này.
Kỳ vọng hiệu ứng tốt từ VAMC

Kỳ vọng hiệu ứng tốt từ VAMC ảnh 1Nợ xấu vẫn chủ yếu do ngân hàng và doanh nghiệp tự xử lý

 

Khó khăn vẫn chồng chất

Tại buổi họp báo chiều 21/5, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 4, tín dụng tăng 2,1%, dù thấp nhưng có tăng. So 4 tháng đầu năm, vẫn cao hơn so với mức giảm 4 tháng đầu 2012. Việc DN khó tiếp cận do nhiều nguyên nhân: khả năng hấp thụ, DN không tiếp cận được do có tình hình tài chính yếu kém.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, lãi suất cho vay Ngân hàng đang áp dụng khoảng 12%/năm, có những DN đặc biệt vay ở 8 - 10%/năm, trung dài hạn 11 -13%/năm. Theo ông Đông, Agribank tính toán chênh lệch lãi suất cho vay - huy động chỉ khoảng 4 điểm %, không có chênh lệch đến 6 điểm %. Dư nợ cho vay của Ngân hàng đến thời điểm này là 470.000 tỷ đồng, chiếm 20% dư nợ toàn hệ thống. Agribank đã tổ chức các đoàn khảo sát thực trạng sức khỏe, khả năng quản lý của DN… để hỗ trợ DN, nhưng thực tế, có đến 80% khoản vay còn nợ đọng gốc chứ chưa nói đến lãi.

“Trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng tốt, không có lý do gì để hạn chế khách hàng cả. Vấn đề là DN có thể tiếp cận vốn hay không? Tăng trưởng tín dụng 2013 không được như năm trước, nhưng mục tiêu đặt ra là rà soát khách hàng để đảm bảo duy trì chất lượng tín dụng. Chênh lệch lãi suất cho vay - huy động của Vietcombank hiện là trên 3 điểm %. Ngân hàng đã áp dụng nhiều giải pháp, ưu đãi lãi suất để tăng trưởng tín dụng, nhưng đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng vẫn âm so với năm 2012”, ông Phạm Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Vietcombank nói.

Ông Nguyễn Quang Hải, Giám đốc Công ty TNHH May Thiên Quang chia sẻ, ngành nghề chính của DN là làm hàng xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ, chiếm 70%, phần còn lại là làm hàng cho Vietnam Airlines. Trước kia, DN sử dụng vốn tự có là chính bởi tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn, trong khi lãi suất ngân hàng quá cao. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, lãi suất đã giảm xuống rất nhiều. còn 10 - 12%/năm, nên DN bắt đầu tham gia vay vốn ngân hàng.

“DN tôi hiện đang có gói vay vốn 1,4 tỷ đồng với lãi suất 10,9%/năm tại VPBank và hiện mới giải ngân 700 triệu đồng. Mức lãi suất thực tế vẫn còn cao nhưng dẫu sao cũng trong khả năng chịu đựng của DN. Tôi mong muốn lãi suất cho vay ngắn hạn nên hạ thêm nữa và cần cho vay vốn trung hạn để tái đầu tư, mua sắm máy móc, tài sản cố định… để nâng cao năng suất lao động”, ông Hải nói.

TS. Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam nhận định, tình hình kinh tế năm 2013 rất khó khăn, thể hiện rõ trong quý I, nhưng vấn đề lớn nhất là nợ xấu vẫn còn, chưa giải quyết được thì không ngân hàng nào dám “xông” vào DN và chính DN cũng không muốn vay.

 

Mong một hiệu ứng tích cực từ VAMC

Cũng trong buổi trao đối với báo chí chiều hôm qua, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, Nghị định về thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) vừa được Thủ tướng chính phủ ký thông qua. Theo đó, vốn điều lệ của VAMC được cấp từ nguồn vốn của NHNN. Cơ chế xử lý nợ của VAMC là Công ty sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ của các TCTD và các TCTD có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt này để vay tái cấp vốn tại NHNN.

Thông qua việc mua và xử lý nợ xấu, VAMC sẽ giảm áp lực trả nợ, hỗ trợ DN xử lý khó khăn tài chính tạm thời... vì khi doanh nghiệp bán nợ cho VAMC sẽ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ; giảm hoặc miễn toàn bộ số lãi đã quá hạn thanh toán; đầu tư, cung cấp tài chính... Các DN có nợ xấu bán cho VAMC sẽ được tiếp tục vay vốn của TCTD theo quy định hiện hành. Ngoài ra, với các cơ chế hoạt động, các quyền đặc thù của VAMC với sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan, sẽ tháo gỡ khó khăn về pháp lý, chính sách thuế… cho doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản đảm bảo cho TCTD. Đặc biệt, các nhà đầu tư cũng được quyền tham gia vào quá trình này theo nguyên tắc thị trường dưới hình thức bán đấu giá. “Dự kiến, VAMC sẽ đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất”, ông Hưng cho biết.

Tuy nhiên, TS. Kiêm cho rằng, không nên trông chờ hoàn toàn vào VAMC vì sau 5 năm, VAMC không giải quyết được thì nợ vẫn còn đó. VAMC có triển khai cũng chỉ lùi việc giải quyết nợ xấu lại, còn hiệu quả xử lý nợ xấu vẫn phụ thuộc vào các ngân hàng và DN.

“Nếu giải quyết được nợ xấu, năm 2014 sẽ có chuyển biến và năm 2015, tình hình sẽ tích cực hơn”, TS. Kiêm nói.

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục