Kiểm soát chặt cho vay bất động sản “ẩn” trong tín dụng tiêu dùng

(ĐTCK) Tuy tín dụng bất động sản chưa có dấu hiệu “bong bóng” khi tỷ trọng cho vay bất động sản của toàn hệ thống ngân hàng hiện đạt gần 6% tổng dư nợ của nền kinh tế, trong khi mức an toàn là 8 - 10%, song không thể loại trừ việc vốn tiêu dùng chảy sang bất động sản khi dư nợ tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng cao.
Tín dụng bất động sản chưa có dấu hiệu bong bóng, nhưng kiểm soát chặt là cần thiết Tín dụng bất động sản chưa có dấu hiệu bong bóng, nhưng kiểm soát chặt là cần thiết

Hạn chế tín dụng tập trung vào bất động sản

Theo các số liệu được công bố, tín dụng theo ngành nghề tính đến cuối năm 2017 tập trung vào ngành công nghiệp, thương mại và hoạt động dịch vụ khác, tăng 21,8% so với năm 2016 và chiếm tỷ trọng 78,4% tổng tín dụng, giúp tăng trưởng của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ liên tục cải thiện. Tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp tăng khoảng 18,7% (chiếm tỷ trọng 8,11% tổng tín dụng).

Đáng chú ý, trong dư nợ cho vay hoạt động dịch vụ khác, cho vay đối với ngành hoạt động làm thuê, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình có mức tăng trưởng mạnh nhất và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu tín dụng theo ngành nghề, khi tăng từ 8,8% năm 2012 lên 16,1% năm 2017.

Kiểm soát chặt cho vay bất động sản “ẩn” trong tín dụng tiêu dùng ảnh 1

 Ông Huỳnh Bửu Sơn, Chuyên gia tài chính - ngân hàng

Trong khi đó, tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm nhẹ, chiếm 15,8% trong tổng tín dụng (năm 2016 là 17,1%), tăng 12,2% so với năm 2016. Trong đó, tín dụng vào lĩnh vực xây dựng đạt 9,9%, vào hoạt động kinh doanh bất động sản là 5,9%.

Chủ trương và định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2018 là tiếp tục “nắn” dòng tiền vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, bảo đảm tăng trưởng ổn định, bền vững.

Đặc biệt, yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát dòng chảy vốn không để nợ xấu phát sinh; chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng; cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản. Các TCTD cần thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp.

Như vậy, có thể thấy, nguồn vốn vào thị trường bất động sản sẽ được “siết chặt” hơn trong năm nay. Hiện tại, tuy tín dụng bất động sản vẫn ở mức an toàn, nhưng để hạn chế rủi ro nợ xấu và tránh tình trạng “bong bóng" lặp lại, NHNN đã yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực này.

Số liệu công bố của NHNN cho thấy, tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản đến hết năm 2017 đạt 471.022 tỷ đồng. Trong đó, những lĩnh vực có dư nợ tín dụng lớn nhất (đạt trên 100.000 tỷ đồng) gồm: cho vay đầu tư, kinh doanh các dự án xây dựng khu đô thị, phát triển nhà ở đạt 102.413 tỷ đồng; cho vay xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê được khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải là tiền lương, tiền công đạt 100.083 tỷ đồng; cho vay kinh doanh khác đạt 112.561 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng bất động sản hiện nay đang diễn biến trái ngược với những năm trước đây, khi tốc độ tăng trưởng cho vay bất động sản thường gấp 1,5 - 2 lần tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành. Năm 2017, tăng trưởng tín dụng chung ngành ngân hàng khoảng 19%, thì tốc độ tăng trưởng lĩnh vực bất động sản chưa bằng một nửa. Tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản vẫn dưới mức an toàn là 8 - 10%.

Tuy nhiên, dưới góc độ là nhà quản lý và bài toán nợ xấu của ngành ngân hàng thời gian qua xuất phát từ cho vay bất động sản, NHNN thường xuyên đưa ra những cảnh báo cần thiết, trực tiếp chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ cho vay tín dụng bất động sản và tập trung vào những phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở cho những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, tránh dồn tín dụng và kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực tăng trưởng nóng.

Rà soát tín dụng tiêu dùng

Năm 2018, NHNN đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 17%. Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được NHNN giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và NHNN, ưu tiên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.  Điều này rất cần thiết cho quá trình phát triển và tăng trưởng bền vững của ngành ngân hàng nói riêng, nền kinh tế nói chung.

 (Nguồn: NHNN)

Không chỉ luôn cảnh báo đối với tín dụng bất động sản, mà ngay từ đầu năm 2018, NHNN đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các ngân hàng thực hiện cung tín dụng đúng chỉ đạo của NHNN, tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng…, đồng thời lưu ý các TCTD kiểm soát tốt lĩnh vực cho vay tiêu dùng thông qua việc giám sát chặt chẽ sử dụng vốn vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán. Lý do là bởi tín dụng tiêu dùng năm 2017 tăng rất mạnh, trong khi tín dụng bất động sản tăng chậm hơn.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tín dụng bất động sản đang “ẩn” nấp trong tín dụng tiêu dùng. Cụ thể, tính đến cuối năm 2017, tín dụng rót vào bất động sản chỉ chiếm 5,9% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, giảm mạnh so với mức hơn 8% năm 2016, nhưng tín dụng tiêu dùng lại tăng rất mạnh, cao gấp 3 - 4 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân cả nước.

Đặc biệt, tín dụng dành cho mua, sửa chữa nhà ở tăng tới 76,5% và chiếm gần 53% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng. Điều này gây không ít lo ngại, bất chấp tiêu dùng đang là lĩnh vực có sức hút rất lớn trên thị trường. Theo NHNN, nếu không kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiêu dùng thì nguy cơ “bong bóng" tín dụng bất động sản lặp lại là khó tránh khỏi.

Trên thực tế, tín dụng ngân hàng vẫn hướng vào bất động sản, nhất là đối với phân khúc khách hàng cho vay mua nhà. Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận rằng, nhờ thị trường bất động sản ấm lên, ngân hàng mới xử lý được nợ xấu, từ đó khơi dòng chảy tín dụng. Tuy nhiên, do thị trường này luôn “ngốn” nguồn vốn lớn, trong khi không phải chủ đầu tư nào cũng có tiềm lực tài chính mạnh, nên nhiều chuyên gia lo lắng tín dụng chảy vào bất động sản sẽ làm phát sinh thêm nợ xấu.

Nắn dòng tín dụng hướng vào sản xuất - kinh doanh

So với trước đây, các ngân hàng đã thận trọng hơn khi rót vốn vào lĩnh vực bất động sản khi nợ xấu tại phân khúc này đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Tuy nhiên, trên thực tế, các ngân hàng đang tập trung vào tín dụng bất động sản, không chỉ với phân khúc mua nhà, mà còn cả với các chủ đầu tư, bởi đây được xem là một giải pháp kích cầu thị trường và tín dụng.

Trong khi đó, thị trường bất động sản hiện nay dường như cung đang vượt cầu, mà giá cả vẫn không giảm. Do đó, với lĩnh vực bất động sản, các ngân hàng cần có sự chọn lọc trong cho vay đối với các dự án có mức giá phù hợp và cung ứng vốn cho những khách hàng có thu nhập trung bình trở lên và ổn định, điều này sẽ giúp hạn chế được rủi ro nợ xấu.

Với các chủ đầu tư cũng như khách hàng có nhu cầu vốn để đầu cơ bất động sản, ngân hàng cũng cần thận trọng. Rủi ro trên thị trường bất động sản luôn tiềm ẩn, bởi giá cả thường xuyên biến động và mang yếu tố đầu cơ nhiều hơn so với nhu cầu thực. Do đó, nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực này cần được kiểm soát để tránh tình trạng “bong bóng tín dụng”, kéo theo nợ xấu.

Đó cũng là một trong những lý do để NHNN kiểm soát dòng chảy tín dụng vào thị trường nhà đất. Lộ trình này đã được NHNN áp dụng từ đầu năm 2015 và kéo dài cho đến nay bằng các Thông tư 36/2014/TT-NHNN, Thông tư 06/2016/TT-NHNN theo hướng giảm dần việc dùng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn và tăng hệ số rủi ro đối với nhóm tài sản là bất động sản. Riêng Thông tư 19/2017/TT-NHNN được NHNN ban hành cuối năm 2017 quy định, việc dùng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn trong năm 2018 là 45% và giảm xuống 40% trong năm 2019.

Trong năm nay, NHNN cũng lưu ý các TCTD quan tâm tới chất lượng tín dụng, từng đồng vốn được đưa vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,7%. Theo NHNN, trong bối cảnh nợ xấu vẫn có nguy cơ tăng lên, các ngân hàng cần có kế hoạch chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh; đặc biệt, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, để có thể nắn dòng vốn vào sản xuất - kinh doanh, ngành ngân hàng cần nỗ lực giảm lãi suất cho vay.

Trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất cho vay khả năng sẽ giảm, song khó có thể kỳ vọng giảm sâu, bởi chi phí đầu vào của các ngân hàng chưa thể giảm. Muốn giảm được lãi suất cho vay, NHNN cần giảm thêm lãi suất tái cấp vốn. Dù vậy, trong bối cảnh thị trường hiện nay, để làm được điều này, NHNN cũng phải tính toán kỹ lưỡng.

Tín dụng đã cải thiện đáng kể khi tăng trưởng toàn ngành ngân hàng đạt trên 18% trong năm qua và tiếp tục tăng trưởng trong những tháng đầu năm nay. Điều này cũng có nghĩa, nhu cầu vốn của khách hàng đang dần tăng lên và ngân hàng cũng phải cạnh tranh lãi suất để thu hút người vay, mở rộng thị phần tín dụng.

Mặt bằng lãi suất hiện tại tuy đã giảm so với trước đây, nhưng vẫn là rào cản đối với doanh nghiệp có nhu cầu vốn. So với các nước trong khu vực, mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam hiện vẫn khá cao, điều này khiến chi phí sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp tăng, tác động lên giá hàng hóa, từ đó làm giảm sức cạnh tranh. Vì thế, để hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất - kinh doanh, việc giảm lãi suất cho vay là rất cần thiết.

Huỳnh Bửu Sơn
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục