Khủng hoảng tài chính 2008 và Basel II

(ĐTCK) Khủng hoảng tài chính 2008 cho thấy, tập trung vào quản lý rủi ro là vấn đề cần được cả cơ quan giám sát và các NHTM quan tâm ở mức độ cao nhất.

 

Lehman Brothers, một trong những ngân hàng lâu đời nhất thế giới đã sụp đổ trong khủng hoảng tài chính 2008 Lehman Brothers, một trong những ngân hàng lâu đời nhất thế giới đã sụp đổ trong khủng hoảng tài chính 2008

Khủng hoảng tài chính 2008…

Đến nay, đã hơn 6 năm trôi qua kể từ ngày khủng hoảng tài chính thế giới 2008 bắt đầu bùng nổ, trước tiên tại Mỹ, sau đó lan nhanh, lan rộng tới rất nhiều quốc gia và thị trường tài chính khác. Thời gian chưa phải là dài, nhưng cũng đủ để chúng ta có thể nhìn lại và suy ngẫm về cuộc khủng hoảng trầm trọng, kéo theo những năm suy thoái triền miên của kinh tế thế giới, ảnh hưởng gián tiếp nhưng cũng không kém phần nặng nề đến kinh tế Việt Nam.

Trong khoảng gần một thập kỷ trước khủng hoảng, thị trường tài chính Mỹ vẫn được coi là nơi kiếm tiền an toàn nhất, nên tất cả các nước có tài sản đều mua trái phiếu của Mỹ, kể cả các nước Đông Nam Á vừa thoát khỏi khủng hoảng tài chính 1997. Trong bối cảnh thị trường tài chính phát triển, nguồn vốn dồi dào, tín dụng rẻ, các tập đoàn đầu tư tài chính của Mỹ phát huy nhiều sáng kiến, chẳng hạn chứng khoán hóa các khoản vay mua nhà của người dân, tăng cường sử dụng đòn bẩy tài chính… góp phần hình thành bong bóng tài chính, bong bóng bất động sản với mức độ cao chưa từng có.

Ngược lại, về phía dân chúng (người tiêu dùng, người vay mua nhà…) một tâm trạng lạc quan cũng lan tràn khắp nước Mỹ. Khi lãi suất rất thấp, dân chúng được khuyến khích tiêu thụ, họ dễ được cấp tín dụng, nhất là tín dụng bất động sản. Hiện tượng này dẫn đến khủng hoảng tín dụng nhà đất. Vào giữa năm 2006, khi Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đề phòng lạm phát, bong bóng đầu tư, đầu cơ địa ốc bắt đầu bị xì vì nhiều người vay tiền quá khả năng, giờ đây không có tiền trả nợ và nhà bị tịch biên. Khi đó mọi người mới phát hiện ra rằng, trong những gói nợ đang lưu hành, có nhiều khoản “nợ xấu”.

Các NHTM, các định chế tài chính, khởi đầu ở Mỹ và rất nhanh sau đó là ở nhiều nước trên thế giới, là những tổ chức chịu ảnh hưởng nhanh chóng và nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính này: nợ xấu gia tăng và không có khả năng thu hồi, tín dụng bị cạn kiệt, thanh khoản suy giảm và có nguy cơ mất thanh khoản nếu không được các ngân hàng trung ương giải cứu bằng cách này hay cách khác. Khủng hoảng tài chính 2008 như một cơn lốc xoáy mạnh mẽ và bất ngờ, cuốn phăng đi những thành quả và giá trị của rất nhiều chủ thể tài chính, khiến cho đến tận ngày nay, kinh tế thế giới vẫn chưa hoàn toàn hồi phục.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008, nếu nguyên nhân bên ngoài là việc lạm dụng đòn bẩy tài chính, việc cấp tín dụng dưới chuẩn tràn lan, việc “phát minh” ra quá nhiều công cụ tài chính rắc rối và gây ảo tưởng cho mọi người, cũng như bong bóng tài chính và bất động sản… thì có thể nói, nguyên nhân thực sự bên trong chính là sự yếu kém về cơ chế, bộ máy và công cụ quản lý rủi ro của các thành viên tham gia thị trường.

Điều này gây ra nhiều ngạc nhiên, thậm chí là nghi ngờ với hiệu quả của Hiệp ước vốn Basel II, vào thời điểm đó đã bắt đầu có hiệu lực, bởi mục tiêu ban đầu của Basel II chính là khắc phục những hạn chế của Basel I, hướng trọng tâm vào cơ chế quản lý rủi ro. Đi theo quá trình phát triển của các Hiệp ước Basel, các NHTM càng ngày càng được yêu cầu hoạt động một cách minh bạch hơn, duy trì một lượng vốn phòng ngừa cho nhiều loại rủi ro hơn và do vậy, hy vọng sẽ giảm thiểu được rủi ro trong mọi hoạt động kinh doanh.

… và sự phát triển của Hiệp ước Basel

Giữa khủng hoảng tài chính 2008 và các hiệp ước Basel có mối quan hệ rất chặt chẽ. Cuộc khủng hoảng mới nhất này của hệ thống tài chính thế giới đã giúp các quốc gia, các bộ tài chính và ngân hàng trung ương đánh giá lại cơ chế giám sát hoạt động của cơ quan quản lý với các định chế tài chính, cũng như cơ chế kiểm soát và quản lý rủi ro trong nội bộ của chính những định chế tài chính đó.

Thời gian khủng hoảng tài chính diễn ra cũng là lúc các thành viên Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng nghiên cứu và ban hành tiếp các quy định Basel III, vào tháng 12/2010. Mục tiêu cơ bản là tăng cường quản lý và quản trị rủi ro, nâng cao tính minh bạch của các ngân hàng, có thể đối phó với khó khăn kinh tế và tài chính toàn cầu. Tình hình mới của thị trường khiến Basel III tiếp tục đưa ra các quy định nghiêm ngặt hơn, với trọng tâm là xử lý các vấn đề về quản lý rủi ro trong khu vực ngân hàng, giúp các ngân hàng tránh được các cú sốc tài chính và khủng hoảng trong tương lai. Cụ thể, khủng hoảng tài chính 2008 cho thấy giá trị của nhiều tài sản giảm nhanh hơn so với trước đây, nên Basel III đã đưa ra quy định về tỷ lệ đòn bẩy nhằm tránh tình trạng lạm dụng quá mức các đòn bẩy tài chính, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống.

Tương tự, khủng hoảng cũng cho thấy tầm quan trọng của tính thanh khoản đối với sự hoạt động bình thường của hệ thống tài chính. Vì thế, Basel III đã thiết lập một khuôn khổ về quản lý rủi ro thanh khoản, gồm tỷ lệ thanh khoản an toàn (liquidity coverage ratio) và tỷ lệ quỹ bình ổn ròng (net stable funding ratio). Các quy định về quản lý rủi ro thanh khoản sẽ được hình thành dần, để có thể đưa vào áp dụng chính thức từ năm 2015 (đối với tỷ lệ thanh khoản an toàn) và năm 2018 (đối với tỷ lệ quỹ bình ổn ròng).

Ngoài ra, Basel III vẫn tiếp tục tinh thần của Basel I và Basel II trong việc bắt buộc các ngân hàng phải duy trì lượng vốn khá lớn, nhằm giảm sự phụ thuộc của các ngân hàng vào các gói cứu trợ trong khủng hoảng, đặc biệt là các ngân hàng lớn. Cụ thể là, các ngân hàng sẽ phụ thuộc đáng kể vào nguồn vốn đóng góp của các cổ đông, nên sẽ không còn mạnh dạn chạy theo những phương án kinh doanh liều lĩnh như trước đây nữa.

Tóm lại, khủng hoảng tài chính 2008 là một mốc rất quan trọng để các thành viên Ủy ban Basel có cơ hội đánh giá một cách nghiêm túc những quy định mà Basel II đã đưa ra trước đó. Khủng hoảng cho thấy việc tập trung vào quản lý rủi ro (bao gồm cả việc xây dựng cơ chế và bộ máy quản lý rủi ro, xây dựng cơ cấu vốn đủ để thực hiện vai trò “tấm đệm tài chính” cũng như các quy trình quản lý rủi ro thanh khoản…) là những vấn đề cần được cả cơ quan giám sát và các NHTM quan tâm ở mức độ cao nhất. Mặc dù được coi như một cơ chế quan trọng để đẩy mạnh cải cách và củng cố toàn bộ công tác điều hành trong lĩnh vực tài chính, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã cho thấy một số thiếu sót, bất cập của Basel II, để từ đó tiếp tục xây dựng Basel III với những quy định và thực hành nghiêm ngặt hơn.

Việc tiếp cận và áp dụng những quy tắc theo các hiệp ước Basel, trước mắt là Basel II, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và chi phí khá cao. Điều dễ hiểu là với một nước có hệ thống ngân hàng mới đang ở giai đoạn phát triển ban đầu như Việt Nam, việc áp dụng Basel II gặp nhiều khó khăn, thách thức và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập và mở cửa thị trường dịch vụ tài chính - ngân hàng sau sự gia nhập WTO, việc áp dụng Basel II tại Việt Nam là yêu cầu cấp thiết nhằm tăng cường năng lực hoạt động và giảm thiểu rủi ro đối với các NHTM.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các TCTD Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống pháp lý về tài chính ngân hàng, cũng như nâng cao năng lực quản trị điều hành, đặc biệt là năng lực quản trị rủi ro của các NHTM tiến từng bước đến các thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Theo đó, việc từng bước áp dụng các chuẩn mực của Basel II được đặc biệt chú trọng, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu thời gian qua.

Nhuệ Mẫn (tổng hợp)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục