Khu vực tư nhân, “bàn đạp” thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng tại châu Á

(ĐTCK) Theo tính toán, nhu cầu vốn mà khu vực ASEAN cần cho phát triển cơ sở hạ tầng tính đến năm 2030 vào khoảng 3.000 tỷ USD, trong khi nguồn vốn hiện tại mới đáp ứng được 30% nhu cầu. Để giải quyết vấn đề này, ASEAN đặt mục tiêu thu hút các nhà đầu tư tư nhân bằng cách cải thiện hệ thống quy định và pháp luật, nhằm biến cơ sở hạ tầng thành một loại tài sản hấp dẫn hơn.
 Tính đến năm 2030, châu Á sẽ cần khoảng 26.000 tỷ USD cho các công trình xây dựng mới
Tính đến năm 2030, châu Á sẽ cần khoảng 26.000 tỷ USD cho các công trình xây dựng mới

Nhu cầu vốn cho hạ tầng là rất lớn

Trong lĩnh vực cở sở hạ tầng, thâm hụt ngân sách là một thực tế đã tồn tại từ lâu. Tính đến năm 2030, châu Á sẽ cần 26.000 tỷ USD cho các công trình xây dựng mới và châu Phi cần 93 triệu USD mỗi năm để mở rộng quy mô các dự án. Cho đến nay, phần lớn số tiền này đến từ nguồn tài trợ của chính phủ hoặc các ngân hàng phát triển.

Ông Surya Bagchi, Giám đốc Toàn cầu lĩnh vực dự án và tài chính xuất khẩu, Ngân hàng Standard Chartered 

Các dự án cơ sở hạ tầng thường có lợi ích xã hội không được tính vào doanh thu, do đó thường được cho là nên lấy vốn từ nguồn tài chính công được nhà nước trợ cấp. Nguồn vốn tư nhân, mặc dù đang ngày càng trở nên phổ biến tại các thị trường mới nổi, nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Tài chính hạ tầng 2018 diễn ra tại Singapore mới đây, bộ trưởng tài chính các nước ASEAN đã nhất trí quan điểm về sự cần thiết phải có sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Theo tính toán, nhu cầu vốn mà khu vực ASEAN cần cho phát triển cơ sở hạ tầng tính đến năm 2030 vào khoảng 3.000 tỷ USD, trong khi nguồn vốn hiện tại mới đáp ứng được 30% nhu cầu. Để giải quyết vấn đề này, ASEAN đặt mục tiêu thu hút các nhà đầu tư tư nhân bằng cách cải thiện hệ thống quy định và pháp luật, nhằm biến cơ sở hạ tầng thành một loại tài sản hấp dẫn hơn.

Thực tế cho thấy, nguồn kinh phí tư nhân đang ngày càng trở nên đa dạng trong những năm gần đây, từ các ngân hàng thương mại, quỹ chuyên về cơ sở hạ tầng, quỹ lương hưu, quỹ bảo hiểm, cho đến trái phiếu xanh. Điều này mang đến điều kiện lý tưởng để thu hút nguồn vốn đồng tài trợ và tài trợ hỗn hợp vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Tài trợ hỗn hợp là hình thức kết hợp các khoản tài trợ, vốn hỗ trợ từ ngân sách và viện trợ ưu đãi từ các tổ chức phát triển với vốn tư nhân để tạo ra nguồn tài chính lớn hơn, phục vụ cho phát triển cơ sở hạ tầng. Đồng tài trợ là hoạt động thiết lập sự liên kết, hợp tác giữa nguồn vốn từ khu vực công và khu vực tư nhân được định giá theo thị trường để cấp vốn cho các dự án.

Một ví dụ điển hình là việc sử dụng cam kết bảo lãnh một phần của các tổ chức công nhằm nâng cao khả năng vay vốn ngân hàng của các dự án và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân.

Sự kết hợp giữa các ngân hàng phát triển đa phương (MDB), vốn có vị thế là bên cấp tín dụng được ưu tiên, với việc sử dụng các khoản tài trợ, các khoản vay được trợ cấp và nguồn tài chính bổ sung từ các ngân hàng thương mại và các nhà đầu tư tư nhân mang lại hiệu quả cho tất cả các bên. Tuy nhiên, mô hình đồng tài trợ và tài trợ hỗn hợp vẫn chưa được áp dụng rộng rãi ở châu Á.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh phí đến từ lĩnh vực công vẫn chiếm khoảng 92% nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng của khu vực. Cũng theo ADB, vẫn còn nhiều thách thức trong việc thúc đẩy việc sử dụng mô hình tài trợ kết hợp. Các bên liên quan trong dự án cơ sở hạ tầng thường ưu tiên các khoản tài trợ trực tiếp đi kèm điều khoản ưu đãi, trong khi nguồn viện trợ, vốn vay ưu đãi và vốn từ ngân sách lại có hạn.

Các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính phát triển (DFI) cũng có hạn mức tín dụng và bảo lãnh nhất định cho mỗi quốc gia. Trong khi đó, các nhà đầu tư tư nhân ngày càng quan tâm đến đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng.

Việc hoạch định kém hiệu quả khiến cho các dự án không nhận được nguồn vốn từ khối này. Ngoài ra, nguồn thông tin và sự phối hợp không đồng bộ giữa khu vực tư nhân và khu vực nhà nước cũng vô tình làm hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân.

Thu hút vốn từ khu vực tư nhân, cách nào?

Để thu hút nguồn vốn tư nhân, khu vực công cần sự tham gia của các ngân hàng thương mại vốn là trung gian quan trọng giúp các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính phát triển huy động vốn tư nhân.

Các ngân hàng này rất nhanh nhạy trong nắm bắt các cơ hội, cùng với đó, họ có sự am hiểu sâu sắc về địa phương và kinh nghiệm tài trợ dự án để cùng với các tổ chức phát triển xúc tiến các kế hoạch tài trợ cơ sở hạ tầng. Họ có thể hoạch định, bảo lãnh và thu xếp các nguồn vốn lớn từ khu vực tư nhân.

Các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính phát triển cần cải thiện hơn nữa các sản phẩm bảo lãnh hiện có để thu hút sự tham gia của các ngân hàng thương mại. Các sản phẩm này cần cung cấp bảo hiểm toàn diện một phần cho các bên cho vay tư nhân, qua đó giảm chi phí và kéo dài thời gian cấp vốn nhằm tạo ra sự hài hòa giữa kế hoạch doanh thu và thời hạn trả nợ.

Các khoản bảo lãnh cũng có thể được sử dụng để bảo hiểm cho các rủi ro giao dịch đặc thù, chẳng hạn như hậu thuẫn cho các nghĩa vụ theo hợp đồng của chính phủ để giúp cho các dự án trở nên hấp dẫn hơn với nguồn vốn tư nhân. Các khoản bảo lãnh một phần như vậy có rủi ro tín dụng thấp hơn, cho phép các ngân hàng phát triển đa phương tận dụng các nguồn lực khan hiếm tốt hơn so với các khoản cho vay trực tiếp.

Ở các thị trường đang phát triển, nơi mà chỉ số xếp hạng tín nhiệm không phải lúc nào cũng ở mức cao đủ để thu hút dòng vốn tư nhân cần thiết, sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước đóng một vai trò quan trọng.

Các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính phát triển cũng cần đảm bảo tính nhất quán trong hạch toán kế toán, đồng thời cho phép việc giảm vốn và chuyển nhượng miễn phí các sản phẩm bảo lãnh. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành các công cụ tài chính hiệu quả về vốn và có khả năng giao dịch tự do mang tính thanh khoản cao và được định giá một cách cạnh tranh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng, các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính phát triển cần đưa ra các sản phẩm mới, bao gồm bảo lãnh hoán đổi lãi suất và ngoại tệ, bảo lãnh đồng nội tệ, cũng như các khoản bảo lãnh nghĩa vụ nợ về sau và bảo lãnh lần thua lỗ đầu tiên. Các sản phẩm này có thể làm giảm rủi ro lãi suất và rủi ro tiền tệ, đồng thời cân bằng nguồn thu của dự án với nghĩa vụ trả nợ.

Trong khi hầu hết các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở các thị trường mới nổi tại châu Á đều có doanh thu bằng đồng nội tệ, thì nguồn tín dụng cho phát triển vẫn chủ yếu được cung cấp bằng đồng USD. Chi phí thu xếp các hợp đồng hoán đổi lãi suất và tiền tệ để dự phòng rủi ro ngoại hối có thể giảm đáng kể thông qua các khoản bảo lãnh hợp đồng hoán đổi của các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính phát triển.

Đồng thời, nỗ lực phát triển các thị trường vốn bằng nội tệ cũng có thể được củng cố bằng cách cung cấp bảo lãnh bằng tiền tệ tương ứng. Các bảo lãnh này có thể được kết hợp với vốn tư nhân theo một thỏa thuận chia sẻ rủi ro và giúp cải thiện xếp hạng rủi ro của dự án, từ đó tạo ra ngày càng nhiều hơn các dự án cơ sở hạ tầng bền vững và có khả năng sinh lời.

Trong bối cảnh chúng ta nỗ lực để tạo ra các giải pháp tài trợ vốn tốt hơn cho cơ sở hạ tầng, các chính phủ, các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính phát triển và các thành phần tham gia thuộc khu vực tư nhân cũng cần có một nền tảng để tương tác và chia sẻ ý tưởng về tài trợ hỗn hợp và đồng tài trợ. Diễn đàn Hạ tầng toàn cầu do WB tổ chức mang đến một sự khởi đầu tuyệt vời, từ đó có thể được mở rộng ra cho các nhóm đặc thù trong khu vực.

Các bên giam gia có thể thảo luận về nhiều chủ đề, như các sản phẩm mới và các phương thức để hài hòa các tính năng sản phẩm hiện có. Các cuộc thảo luận cũng có thể hướng các bên tham gia vào việc gia tăng số lượng các giao dịch có khả năng sinh lời để tránh tình trạng các bên cho vay phải tranh giành các dự án đã được đảm bảo về tính sinh lời vốn không nhiều về số lượng.

Hiện tại, nhu cầu đối với các chương trình cho vay trực tiếp tại châu Á đang lớn hơn mức độ sử dụng các chương trình bảo lãnh của các ngân hàng phát triển, song điều này có thể thay đổi khi cơ sở hạ tầng của khu vực phát triển mạnh mẽ hơn. Các tổ chức mới ra đời như Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á và Ngân hàng Phát triển mới cũng đang tích cực tìm kiếm các cơ hội đồng tài trợ trong khu vực.

Phát triển cơ sở hạ tầng không phải là một sáng kiến được thực hiện bởi một bên riêng lẻ mà không cần sự hỗ trợ nào khác. Tài trợ hỗn hợp được xây dựng trên quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính phát triển và các ngân hàng thương mại với sự hỗ trợ của thị trường vốn, mang đến một giải pháp toàn diện mà khu vực ASEAN đang cần để giải quyết bài toán cơ sở hạ tầng. Chỉ khi tài trợ hỗn hợp được thúc đẩy, chúng ta mới có thể kỳ vọng sự tăng tốc trong phát triển cơ sở hạ tầng, qua đó mang lại nhiều lợi ích hơn cho xã hội.

Surya Bagchi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục