Không tư lợi, nhiều cán bộ ngân hàng vẫn xộ khám

(ĐTCK) Trong vụ án lừa đảo hơn 500 tỷ đồng xảy ra tại một ngân hàng TMCP lớn vừa được đưa ra xét xử, ngoài bị cáo chính là giám đốc một DN, có tới 6 cán bộ ngân hàng đã phải hầu tòa.
Luật sư Trần Minh Hải Luật sư Trần Minh Hải

> Tránh “bẫy” bảo lãnh ngân hàng (kỳ 1)

> Tránh "bẫy" bảo lãnh ngân hàng (kỳ 2)

> Chuyện gian lận trong nội bộ ngân hàng

> Tranh kho hàng thế chấp: chuyện không cá biệt

Thời gian qua, thị trường ghi nhận nhiều vụ án kinh tế xảy ra tại các ngân hàng với số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Phần thiệt hại này sẽ được khắc phục như thế nào và ai là người phải chịu trách nhiệm? Liệu có “lỗi” nào trong hệ thống quản trị ngân hàng hiện nay? Xung quanh vấn đề này, ĐTCK đã trao đổi với Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico.

Thưa ông, trong các vụ án kinh tế, ngân hàng sẽ xử lý thế nào với khoản tiền bị chiếm đoạt?

Trong quá trình điều tra vụ án, nếu bị can có tài sản chiếm đoạt, thì cơ quan điều tra sẽ thu giữ để xử lý. Tuy nhiên, tài sản này thường không đủ để bù đắp thiệt hại mà bị can gây ra. Khi xét xử, hội đồng xét xử sẽ xem xét và tuyên bố trách nhiệm bồi thường dân sự của bị cáo. Nhưng khi vụ án có số thiệt hại lên tới hàng chục, hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng thì các bị cáo sẽ phải chịu hình phạt ở khung cao nhất - tù dài hạn, chung thân. Và như vậy, ngân hàng rất ít có hy vọng thu hồi tài sản từ một phạm nhân đang chấp hành án phạt tù dài hạn, chung thân.

 

Khả năng thu hồi toàn bộ tài sản bị chiếm đoạt là khó. Vậy ngân hàng sẽ xử lý thế nào đối với khoản thiệt hại này, nó sẽ được hạch toán vào đâu?

Ngay từ khi khoản nợ quá hạn trở thành nợ xấu, ngân hàng đã phải xử lý bằng cách trích lập dự phòng theo đúng tỷ lệ quy định tại Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước và sau khi đã trích đủ dự phòng, Ngân hàng sẽ sử dụng khoản dự phòng đó, đồng thời chuyển khoản nợ xấu sang hạch toán ngoại bảng để tiếp tục theo dõi, xử lý nợ.

 

Trích quỹ thực chất là “cấu” vào lợi nhuận, nó không chỉ ảnh hưởng tới sự lành mạnh về tài chính của ngân hàng mà còn gây thiệt hại cho cổ đông. Vậy ai có trách nhiệm với thiệt hại này, thưa ông?

Trong các vụ án kinh tế, khi xảy ra việc chiếm đoạt tài sản của ngân hàng nói riêng và tổ chức nói chung thì tư duy dẫn chúng ta đến câu hỏi, vì sao hành vi phạm tội có thể xảy ra? Và kết quả là phán đoán phải có ai đó là người có lỗi nên hành vi tội phạm mới có thể được thực hiện. Cuối cùng, ngoài bị cáo chính, sẽ có thêm một vài bị cáo khác, vốn là cán bộ ngân hàng, bị truy tố với tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Cố ý làm trái các quy định… Ví dụ như vụ án lừa đảo hơn 500 tỷ đồng xảy ra tại một ngân hàng TMCP lớn vừa được đưa ra xét xử, ngoài bị cáo chính là giám đốc một DN, có tới 6 cán bộ ngân hàng đã phải hầu tòa.

Tuy nhiên, cách tư duy và đưa ra giải đáp về nguyên do gây ra thiệt hại như vậy nhiều phần là quy chụp. Căn cứ để các cán bộ ngân hàng bị truy tố thường là do họ đã bỏ sót hoặc không thực hiện đúng một vài quy định hoặc một vài khâu nào đó trong quy trình nghiệp vụ như không tự tay đăng ký giao dịch đảm bảo, không thẩm định lại BCTC của DN, không kiểm tra hàng hóa thế chấp…

Trên thực tế, cũng có trường hợp cán bộ ngân hàng cấu kết với tội phạm để thực hiện hành vi lừa đảo hoặc nhận tiền lót tay rồi nhắm mắt làm ngơ các sai sót trong hồ sơ vay vốn. Nhưng phần lớn các vụ án, cán bộ ngân hàng bị kết tội thường không có yếu tố tư lợi.

 

Nhưng đã có thất thoát, thiệt hại thì chúng ta cần phải xem xét lỗ hổng ở đâu để “vá”?

Pháp luật về ngân hàng “đánh” vào trách nhiệm ở khâu thẩm định và phê duyệt trong trường hợp một khoản vay xảy ra vấn đề: không thu hồi được nợ, bị lừa đảo… Như vậy có nghĩa là ai thẩm định sai, ai phê duyệt sai thì phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, soi vào quản trị của ngân hàng hiện nay, việc rạch ròi ai thẩm định, ai phê duyệt không đơn giản.

Trước đây, một ngân hàng được quản lý theo mô hình hội sở chính - chi nhánh - phòng giao dịch. Theo đó, cán bộ tín dụng sẽ làm toàn bộ công việc, từ tìm kiếm khách hàng, thẩm định hồ sơ, trình phê duyệt, đến giải ngân, theo dõi khoản vay, thu hồi nợ… Giám đốc chi nhánh, trưởng phòng giao dịch có quyền hạn rất lớn khi được quyết định mọi hoạt động kinh doanh của chi nhánh, phòng giao dịch.

Cùng với nhu cầu cải thiện quản trị ngân hàng, công nghệ “tây” đã du nhập vào nước ta. Đến nay, về hình thức bên ngoài, mô hình hội sở chính/sở giao dịch - chi nhánh - phòng giao dịch vẫn còn giữ lại cho phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vai trò, quyền hạn của các cá nhân trong các đơn vị này đã trở nên khác biệt khi hội sở chính sử dụng mạng lưới ma trận trong các đơn vị này để bán hàng, các công việc khác như xây dựng, phát triển sản phẩm, phê duyệt, giải ngân, quản lý nợ… đều do hội sở chính đảm nhiệm thông qua khối nghiệp vụ, trung tâm...

Vấn đề là, một số đông ngân hàng “tiếp nhận công nghệ hiện đại” nhưng vẫn “duy trì bản sắc riêng”, tức là trong hệ thống quản trị kiểu “tây” vẫn rơi rớt các yếu tố “ta”. Hậu quả của sự vênh nhau đó dẫn đến “lỗ hổng quản trị”.

 

Làm thế nào để lấp những lỗ hổng quản trị đó, theo ông?

Việc lấp lỗ hổng quản trị không đơn giản là sửa quy định để cho hai quy chế khớp nhau, bởi việc sửa chữa cục bộ, chắp vá có thể dẫn tới lỗ hổng khác còn trầm trọng hơn. Nó đòi hỏi sự rà soát toàn bộ các quy định về nghiệp vụ, quy trình… mà ngân hàng đang áp dụng để phát hiện những rủi ro và tiến hành sửa chữa đồng bộ.

Trong một ngân hàng, có hàng chục, hàng trăm văn bản đang có hiệu lực, nếu không được xây dựng thống nhất đồng bộ ngay từ đầu thì sẽ dẫn tới chồng chéo và rủi ro có thể xảy ra. Nó đòi hỏi ngân hàng phải có khẩu vị rủi ro, phân định trách nhiệm rõ ràng và từ đó xây dựng hệ thống văn bản quy trình, quy chế, nghiệp vụ... có tính chất “khung” bền vững. Trên cơ sở “khung” đó, các bộ phận khác xây dựng sản phẩm và các quy định về sản phẩm đó không được phép vượt “khung” tránh rủi ro. Suy cho cùng, với một môi trường pháp lý kinh doanh còn nhiều bất cập như Việt Nam, công nghệ quản trị ngân hàng hiện đại cần được lưu ý xây dựng trên một nền tảng pháp lý vững chắc.

Hoàng Duy thực hiện
Hoàng Duy thực hiện

Tin cùng chuyên mục