Khối CTCK thuộc ngân hàng: Trào lưu cổ phần hoá

(ĐTCK-online) Khởi đầu là CTCK Thăng Long (TSC) trực thuộc Ngân hàng TMCP Quân đội tiến hành cổ phần hóa vào cuối năm 2007. Gần đây, CTCK Ngân hàng Công thương (VietinBankSC) đã nhận quyết định cổ phần hóa vào cuối năm 2008, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agriseco) thông báo bán đấu giá cổ phần… Việc các CTCK trực thuộc ngân hàng chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần đang trở thành trào lưu mới.
Khi CTCK vận hành theo cơ chế thị trường thì việc đưa ra chế độ ưu đãi để thu hút người tài cũng dễ dàng hơn. Khi CTCK vận hành theo cơ chế thị trường thì việc đưa ra chế độ ưu đãi để thu hút người tài cũng dễ dàng hơn.

Trao đổi với ĐTCK, ông Phan Hữu Huỳnh, Tổng giám đốc VietinBankSC cho biết, việc Công ty tiến hành cổ phần hóa đã nằm trong chủ trương của Ngân hàng Công thương. VietinBankSC đã nhận được quyết định cổ phần hóa và đang hoàn tất thủ tục cuối cùng để tổ chức bán đấu giá cổ phần vào cuối năm 2008. Theo ông Huỳnh, mô hình công ty cổ phần có thể làm đa dạng hóa chủ sở hữu của Công ty, đồng thời tất cả quyết định quan trọng được thông qua hội đồng quản trị sẽ tăng tính minh bạch và độc lập hơn. Bên cạnh đó, Công ty sẽ tự chủ hơn trong vấn đề nhân sự, huy động vốn... “Thực tế, doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ tạo tính thanh lọc và thu hút cao đối với CBCNV, cơ chế tiền lương cũng chủ động hơn”, ông Huỳnh nói. Hiện VietinBankSC đang nghiên cứu tìm kiếm và lựa chọn bán cổ phần cho đối tác chiến lược.

Ông Hà Huy Toàn, Giám đốc Agriseco cũng đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng, nếu vẫn hoạt động theo cơ chế bao cấp thì không thể giải phóng sức lao động. Không có lý do gì khi hầu hết CTCK đều hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, mà vẫn còn “chừa” mấy CTCK hoạt động theo mô hình công ty TNHH. Do vậy, chuyển sang mô hình công ty cổ phần là một tất yếu để cùng hòa nhập vào cơ chế chung của thị trường, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh trong và ngoài nước. Đây được xem là  bước ngoặt đối với CTCK trong việc “cởi trói” năng lực hoạt động. Có một thực tế là một CTCK hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng mẹ thì khó có thể phát huy hết khả năng cạnh tranh để tối đa hóa lợi nhuận. “Nếu vẫn hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhà nước thì bản thân CBCNV tiếp tục làm việc theo tư duy trì trệ”, ông Toàn cho biết. Theo ông Toàn, khi CTCK được vận hành theo cơ chế thị trường thì việc linh hoạt đưa ra chế độ ưu đãi để thu hút người tài cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ông Toàn cũng cảnh báo về sự thanh lọc nhân sự sau khi cổ phần hóa. Theo đó, khi công ty hoạt động theo mô hình mới, nhiều nhân sự có thể bị đào thải hoặc phải chuyển đổi vị trí công tác do việc tái cơ cấu tổ chức hoặc đổi mới công nghệ. “Cổ phần hóa không đơn thuần là thay đổi cơ cấu chủ sở hữu hay tên gọi, mà đi kèm theo đó sẽ là hàng loạt thay đổi về cung cách làm việc cũng như tư duy của doanh nghiệp”, ông Toàn nhận định.

Giám đốc của một CTCK trực thuộc khối ngân hàng cho biết, CTCK khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần cũng có những lợi ích nhất định về quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và sử dụng nhân sự. Tuy nhiên, cổ phần hóa trong giai đoạn hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tìm kiếm đối tác chiến lược trong và ngoài nước. Điều này sẽ càng khó khăn hơn nếu các CTCK lại “kéo nhau” tiến hành đấu giá trong cùng một thời điểm, dẫn tới thực hiện một cách ồ ạt, không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế vì xác định giá khởi điểm sẽ bị thấp. Vị này cũng cho biết, trong bối cảnh thị trường như hiện nay thì bán hết số cổ phần với giá trên mệnh giá “một chút” cũng đã là “tốt” lắm rồi.

Tuy nhiên, ưu điểm của việc là “con đẻ” của ngân hàng lại nằm ở chỗ, CTCK có cơ hội tiếp nhận sự hỗ trợ về hệ thống công nghệ thông tin, phát triển đại lý đi kèm điểm giao dịch của ngân hàng mẹ. Ngoài ra, CTCK còn có thể hỗ trợ NĐT liên quan đến vấn đề cung cấp dịch vụ ủy thác đấu giá hay cơ chế hỗ trợ tiền nhanh chóng trong đầu tư.

Qua tìm hiểu của ĐTCK thì có không ít lãnh đạo CTCK trực thuộc ngân hàng cảm thấy “tấm áo” của mình quá “chật chội” với cơ chế hiện tại và họ thực sự mong mỏi đến ngày được cổ phần hóa để có cơ hội “thỏa sức tung hoành”. Điều mà họ nghĩ đến đầu tiên chính là cơ hội được trao quyền tự quyết cao hơn trong hoạt động đầu tư và chính sách thương mại với khách hàng. Dẫu rằng, cổ phần hoá không phải là vấn đề của ngày một, ngày hai, nhưng nhiều khả năng, đây sẽ là bước đi tất yếu để CTCK thuộc khối ngân hàng nâng cao tính cạnh tranh trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.           

Hải Vân
Hải Vân

Tin cùng chuyên mục