Khó kìm lãi suất tiết kiệm VND

(ĐTCK) Liên tục trong những ngày qua, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động VND và tiếp tục giảm lãi suất huy động ngoại tệ. Lãi suất tiền gửi VND đã vượt ngưỡng 8,5%/năm.
Nguồn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng có dấu hiệu chững lại và giảm dần. Nguồn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng có dấu hiệu chững lại và giảm dần.

Mới đây nhất, ngày 23/4, SCB tăng lãi suất 0,1%/năm cho tất cả các kỳ hạn của sản phẩm tiết kiệm dự thưởng "Ngàn cơ hội - Vạn niềm vui" và tăng lãi suất của sản phẩm tiết kiệm "Kỳ hạn duy nhất - Lãi suất linh hoạt", với mức lãi suất khi đáo hạn là 8,5%/năm. Techcombank tặng lãi suất tiết kiệm 0,07%/năm cho khách hàng đang có thẻ Techcombank F@stAccess và thẻ Techcombank Visa Debit trong thời gian từ nay đến ngày 30/5. VPBank triển khai trên toàn hệ thống chương trình huy động tiền gửi dự thưởng "Gửi tiền - lãi cao, Thẻ cào - trúng lớn": chỉ từ 5 triệu đồng tiền gửi có kỳ hạn, khách hàng có cơ hội nhận được một trong số 6.221 giải thưởng. Trong lần tăng lãi suất mới đây, VietA Bank nâng lãi suất huy động VND lên 8,6%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng.

Theo ông Phạm Duy Hưng, Tổng giám đốc VietA Bank, mặc dù lãi suất huy động VND của Ngân hàng tiếp tục nhích lên, nhưng vốn huy động về không còn dồi dào như trước. Ông Hưng cho rằng, trong bối cảnh thị trường hiện nay, khi các ngân hàng bạn, trong đó không loại trừ những ngân hàng lớn đã nâng lãi suất tiền gửi lên 8,7 - 9%/năm (cho dù là kỳ hạn dài ngày) thì VietA Bank cũng không thể giữ nguyên. Vì như thế, Ngân hàng sẽ khó cạnh tranh trong huy động vốn. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng tại VietA Bank cũng chưa có đột biến.

Theo một số ngân hàng tại TP. HCM, trước mắt, lãi suất cơ bản không nên điều chỉnh theo hướng giảm, bởi nguồn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng có dấu hiệu chững lại và giảm dần. "Với mức lãi suất hiện tại, hút vốn từ dân cư và kể cả tổ chức kinh tế đã khó cho hệ thống ngân hàng, nếu tiếp tục giảm lãi suất cơ bản thì khâu huy động vốn lại càng khó hơn", ông Hưng nói.

Trong khi đó, nhu cầu vay vốn đang tăng. Chính vì vậy, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng có xu hướng tăng, lãi suất vay vốn qua đêm hiện đạt 6,54%/năm.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu không giảm tiếp lãi suất cơ bản sẽ khó ngăn chặn đà ngưng trệ sản xuất và suy giảm, do doanh nghiệp vẫn ngại áp lực lãi vay. Mặc dù vậy, qua trao đổi với ĐTCK, giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp của một ngân hàng cho biết, với trần lãi suất đầu ra hiện chỉ còn 10,5%/năm thì vay vốn để sản xuất - kinh doanh đã giảm được áp lực lớn về chi phí đầu vào. Đáng chú ý là với những doanh nghiệp thuộc diện được hỗ trợ lãi suất 4%/năm của Chính phủ, nếu vay vốn ngân hàng chỉ phải trả trên dưới 5%/năm, đó là chưa nói đến các nhà xuất khẩu. Hiện nay, để thu hút nguồn ngoại tệ, các ngân hàng có chính sách ưu đãi cho nhà xuất khẩu vay VND, với lãi suất dao động từ 1 - 3%/năm, giảm đáng kể so với trước.

Ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, tính đến nay Ngân hàng đã giải ngân được trên 10.000 tỷ đồng trong chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 131/QĐ-TTg và đang tích cực mở rộng tín dụng thuộc nguồn vốn hỗ trợ lãi suất cho vay vốn trung, dài hạn. Ông Huy nhận định, nhu cầu vốn của doanh nghiệp sẽ tăng trong quý II, đặc biệt là hai quý cuối năm khi kinh tế được dự báo sẽ hồi phục. Đây cũng chính là lý do để các ngân hàng nâng lãi suất huy động, chuẩn bị tốt thanh khoản.      

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục