Khó cải thiện tín dụng, ngân hàng nhìn vào trái phiếu

(ĐTCK-online) Mặc dù doanh nghiệp vẫn kỳ vọng lãi suất cho vay thỏa thuận sẽ giảm dần trong những tháng còn lại của năm, nhưng theo đánh giá của chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, khả năng lãi suất khó giảm mạnh trong thời gian tới.
Lãi suất thỏa thuận chỉ có thể giảm thêm 0,5%/năm trong thời gian từ nay đến cuối năm 2010 - Ảnh: Hoài Nam Lãi suất thỏa thuận chỉ có thể giảm thêm 0,5%/năm trong thời gian từ nay đến cuối năm 2010 - Ảnh: Hoài Nam

Nguyên nhân, chi phí đầu vào đang tăng trở lại. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp tăng cũng phần nào ảnh hưởng đến lãi suất huy động vốn của ngân hàng. Thêm vào đó, với các quy định của Thông tư 13/TT - NHNN cũng được cho là rào cản khiến lãi suất khó giảm thêm.

 

Tại sao lãi suất VND khó giảm?

Trong những ngày qua, các ngân hàng tái đẩy mạnh khuyến mãi, gia tăng thêm tính hấp dẫn đối với lãi suất tiết kiệm khiến mặt bằng lãi suất nóng dần. Ngoài mức đồng thuận 11,2%/năm áp dụng cho hầu hết các kỳ hạn tiền gửi hiện nay, nếu cộng thêm cả khuyến mãi, lãi suất ở nhiều ngân hàng đã vượt mức 11,5%/năm.

Hiện NHNN Chi nhánh TP. HCM đang tiếp tục kiểm tra lãi suất ở những ngân hàng áp dụng cao hơn mức đồng thuận giữa các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), nhằm tạo sự ổn định mặt bằng lãi suất chung trên thị trường.

Theo các chuyên gia, lãi suất tiết kiệm tiền đồng do tác động bởi quy định của Thông tư 13 sắp có hiệu lực nên các ngân hàng phải căng sức huy động để cân đối lại nguồn. Đáng chú ý là khi Thông tư 13 có hiệu lực, ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa không quá 80% vốn huy động về. Đồng thời, các nhà băng chuẩn bị nguồn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong dịp cuối năm.

Tuy nhiên, theo bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký VNBA, bên cạnh lý do trên thì nguyên nhân khiến lãi suất tiết kiệm tiền đồng khó giảm đó chính là lãi suất trái phiếu doanh nghiệp ở mức cao đến 13%/năm. Các doanh nghiệp huy động vốn ở mức này thì lãi suất huy động vốn của các ngân hàng khó có thể giảm, vì nếu giảm sẽ không cạnh tranh được với lãi suất trái phiếu doanh nghiệp. Thực tế, các ngân hàng đang phải tăng dần khuyến mãi để tăng sức hút đối với lãi suất tiền tiết kiệm VND.

Bên cạnh đó, do lãi suất ngoại tệ được các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng thêm trong những ngày gần đây (đạt mức 4,5 - 5,2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng) cũng tạo áp lực lên lãi suất tiền đồng. Nguyên nhân dẫn đến lãi suất tiền gửi bằng USD tăng được các chuyên gia trong ngành tài chính cho là nhu cầu về tín dụng ngoại tệ vẫn tăng, dù tỷ giá liên ngân hàng vừa được NHNN điều chỉnh tăng thêm 2,1%.

Thực tế, trong tổng dư nợ tín dụng cho vay ngoại tệ 7 tháng đầu năm 2010 doanh nghiệp xuất khẩu chiếm đến 2/3. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ nên không quá lo ngại về biến động tỷ giá trong việc vay vốn bằng USD. Các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, nhưng để làm hàng xuất khẩu thì vay ngoại tệ vẫn là giải pháp được lựa chọn, thay vì mượn vốn tiền đồng có lãi suất thỏa thuận cao hơn phân nửa. Thực tế, nếu vay ngoại tệ trong lúc này, các ngân hàng áp dụng mức khoảng 6 - 7%/năm. Do đó, việc các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi ngoại tệ lên 4,5 - 5,2%/năm, cho vay ra 6 - 7%/năm, chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra 2 - 2,5%/năm vẫn đảm bảo được lợi nhuận. Còn doanh nghiệp tiết giảm được chi phí.

Chính các lý do trên dẫn đến lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng khả năng sẽ khó giảm về mức 10%/năm và lãi suất cho vay ra 12%/năm như chủ trương đưa ra.

 

Tiền ngân hàng đổ vào trái phiếu

Do quy định chỉ được sử dụng không quá 20% vốn vay trên thị trường liên ngân hàng để cho vay khách hàng, nên trên thực tế, nhiều ngân hàng lớn rơi vào tình trạng dư thừa vốn khả dụng do những ngân hàng nhỏ không thể huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng thay cho huy động từ dân cư và doanh nghiệp. Lãi suất cho vay giữa các ngân hàng với nhau chỉ có trên 6%/năm, bằng một nửa so với lãi suất trên thị trường.

Các ngân hàng thừa vốn lúc này chủ yếu tập trung đầu tư mua trái phiếu. Đầu tư vào trái phiếu không nằm trong tỷ lệ dư nợ cho vay, nên ngân hàng tìm cách mua trái phiếu công ty. Về mặt bản chất cũng không khác nhiều với cho vay.

Hiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất khoảng 13%/năm, trong khi lãi suất cho vay thỏa thuận ngân hàng áp dụng đối với xuất khẩu cũng chỉ ở mức này. Thế nhưng, tâm lý doanh nghiệp vẫn kỳ vọng lãi suất thỏa thuận giảm thêm, dẫn đến tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng 7 tháng qua chỉ đạt mức 12,97%. Tuy nhiên, theo lý giải của các chuyên gia kinh tế, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng thời gian qua chưa cao là do sự hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm và doanh nghiệp có đáp ứng được yêu cầu, điều kiện vay vốn hay không, chứ không phải lỗi do ngân hàng.

Theo một cán bộ trong ngành ngân hàng, tín dụng khó phát triển trong thời gian gần đây một phần do doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao, thay vì vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất - kinh doanh. Dẫn đến, vốn khả dụng ngân hàng dưa thừa nên nhà băng tiếp tục mua trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ để tận dụng tối đa cơ hội sinh lãi cho đồng vốn. Từ đó, vòng luẩn quẩn tiếp tục kéo dài nên lãi suất tiết kiệm cũng như cho vay ra khó có thể điều chỉnh giảm thêm.

"Có thể trước mắt, các ngân hàng thừa vốn sẽ tập trung đầu tư vào trái phiếu và chưa đẩy mạnh cho vay, vì đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp còn khó khăn. Thực tế, số lượng hàng tồn kho tăng lên trong tháng 7/2010. Nếu đẩy mạnh vốn cho vay để tạo ra chu kỳ sản xuất thứ hai sẽ rất nguy hiểm, nên các ngân hàng phải tranh thủ đầu tư trái phiếu để tạo khả năng sinh lời cho đồng vốn", vị cán bộ trên nói và cho biết thêm, đến quý IV, khi nhu cầu vốn tăng lên các ngân hàng mới đẩy mạnh cho vay.

Các dự báo đưa ra, khả năng dư nợ tín sẽ sôi động trong quý IV tới, do nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao hơn so với các quý đầu năm. Chính vì vậy, các ngân hàng đang từng bước chuẩn bị nguồn để đáp ứng nhu cầu khách hàng dịp cuối năm.

Để đạt được mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ở mức 25% năm nay theo đánh giá của ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc ABBank là hoàn toàn có thể. Vì theo chu kỳ kinh doanh của ngành ngân hàng thường tốc độ dư nợ tăng trưởng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm, nhất là vào quý IV hàng năm. Tuy nhiên, không phải vì thế các ngân hàng lại nỗ lực để đẩy mạnh cho vay bằng mọi giá trong các tháng còn lại của năm 2010 mà luôn tuân thủ chính sách quản lý rủi ro của mình. Mặt khác, chủ trương của Chính phủ cũng như NHNN hiện nay là tập trung vốn cho mục tiêu sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu và đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho DNVVN.

Vì thế, khả năng cuộc đua phát triển tín dụng trong quý còn lại của năm để hoàn thành mục tiêu tín dụng mà các ngân hàng xây dựng cho cả năm sẽ không xảy ra và lãi suất sẽ phản ánh theo cung - cầu vốn của thị trường. TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính, tiền tệ quốc gia cũng đưa ra nhận định, với kỳ vọng lạm phát năm 2010 kiểm soát ở mức 8%/năm và lãi suất huy động bình quân 10,5%/năm hiện nay thì cạnh tranh trong huy động vốn là không dễ. Do đó, lãi suất thỏa thuận chỉ có thể giảm thêm 0,5%/năm trong thời gian từ nay đến cuối năm 2010.

Vân Linh
Vân Linh

Tin cùng chuyên mục