Khi tiền vào nền kinh tế cao hơn mức tín dụng công bố

Tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm được thông báo đạt mức trên 7%. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn, vì vốn của tổ chức tín dụng (TCTD) đưa ra nền kinh tế không chỉ qua cho vay đối với doanh nghiệp và cá nhân.
Khi tiền vào nền kinh tế cao hơn mức tín dụng công bố

Hạn mức tín dụng là công cụ của chính sách tiền tệ do ngân hàng trung ương sử dụng nhằm khống chế trực tiếp mức dư nợ tín dụng của các TCTD, từ đó kiểm soát tổng lượng tiền đưa vào nền kinh tế. Năm 2011, Chính phủ chỉ đạo ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%.

 

Trái phiếu doanh nghiệp là một hình thức cấp tín dụng

Nhiều ngân hàng đã lách tỷ lệ bảo đảm an toàn bằng cách đẩy mạnh các hoạt động đầu tư tài chính, đặc biệt là mua trái phiếu doanh nghiệp.

Mặc dù luật TCTD định nghĩa: “Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác”, nhưng hạn mức tăng trưởng tín dụng từ trước đến nay vẫn được hiểu là chỉ áp dụng đối với nhóm nghiệp vụ cho vay, cho thuê với tổ chức kinh tế và cá nhân (còn gọi là cho vay thị trường 1). Trong khi đó, tài sản có của ngân hàng thương mại (NHTM) còn nhiều mục khác, mà đáng chú ý nhất là nhóm góp vốn liên doanh, mua chứng khoán, góp vốn đồng tài trợ (hay còn gọi là nhóm đầu tư tài chính). Trước đây, nhóm này chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng tài sản, mức độ biến động ít, đồng thời không có yêu cầu cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn rõ ràng trong tính toán các yếu tố về thanh khoản trong kỳ giám sát ngày của ngân hàng. Nhưng từ khi NHNN ban hành Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn của TCTD, đặc biệt trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, việc khống chế tốc độ tăng dư nợ đã làm giảm lợi nhuận của các NHTM. Nhiều ngân hàng đã lách trần tín dụng, lách tỷ lệ bảo đảm an toàn bằng cách đẩy mạnh các hoạt động đầu tư tài chính, đặc biệt là mua trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác.

Dư luận không biết được tổng số dư đầu tư tài chính của toàn hệ thống ngân hàng là bao nhiêu, nhưng chắc phải là con số lớn, vì đến cuối tháng 5/2011, chỉ tính riêng tổng giá trị đầu tư tài chính của 19 ngân hàng cổ phần (phía Nam) đã là 88.635 tỉ đồng, bằng 15,2% so với tổng tài sản của cả 19 ngân hàng. Ngoài ra, nhiều NHTM còn đẩy vốn vào nền kinh tế bằng cách hoạt động cấp vốn, góp vốn vào công ty con, công ty liên kết của chính mình; thực hiện hoạt động ủy thác và nhận ủy thác cho vay, góp vốn, đầu tư, kinh doanh chứng khoán ....

Luật các TCTD không quy định cụ thể về việc mua trái phiếu doanh nghiệp là một hình thức cấp tín dụng của các TCTD. Tuy nhiên, khoản 14, điều 4 của Luật có các quy định về các nghiệp vụ cấp tín dụng khác. Đồng thời, khoản 3, điều 98 giao cho NHNN chấp thuận các hình thức cấp tín dụng khác của NHTM. Về hạn mức cấp tín dụng cho 1 khách hàng cũng có quy định: “mức dư nợ cấp tín dụng... bao gồm cả tổng mức đầu tư vào trái phiếu do khách hàng phát hành”. Từ trước đến nay, việc mua trái phiếu doanh nghiệp hay ủy thác (trừ ủy thác cho vay) đều không được coi là hoạt động cấp tín dụng. Tuy nhiên, về bản chất, việc TCTD mua trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu phát hành riêng lẻ, trực tiếp cho TCTD phải được xem là một nghiệp vụ cấp tín dụng của TCTD cho doanh nghiệp phát hành. Như vậy, nếu tính đúng, tính đủ các thành phần của cấp tín dụng thì mức tăng tín dụng thực tế phải cao hơn mức tăng NHNN đã công bố. Ví dụ, mức dư nợ của 19 NHTM cổ phần phía Nam phải cộng thêm vào gần 42.700 tỉ đồng (là số tiền do các NHTM này đầu tư vào chứng khoán do tổ chức kinh tế phát hành) mới ra con số cấp tín dụng thực tế của các ngân hàng này trong 5 tháng đầu năm 2011.

 

Rủi ro hệ thống và tăng áp lực lạm phát

Hoạt động đầu tư tài chính của các NHTM đã bộc lộ những dấu hiệu đáng lo ngại, dẫn đến tình trạng cho đến nay tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một phần vì thiếu các quy định giám sát thanh khoản chặt chẽ (kể cả văn bản pháp lý của NHNN lẫn quy định nội bộ của các NHTM). Rủi ro lớn nhất là có thể một số vốn mua trái phiếu doanh nghiệp thực chất là cấp tín dụng cho các doanh nghiệp “sân sau” của ngân hàng, hoặc một hình thức đảo nợ. Còn tiền ngân hàng ủy thác cho các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư thì trong bối cảnh thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán sụt giảm như hiện nay, việc thu hồi vốn là không dễ dàng. Đó là chưa kể trong nhiều hợp đồng ủy thác vốn, một số NHTM không quy định rõ ủy thác vốn cho bên nhận ủy thác để làm gì mà chỉ có những cam kết về mức lãi suất ủy thác (khá cao, có hợp đồng lên đến 23 - 24%/năm). Với mức lãi suất này, nhiều khả năng bên nhận ủy thác (chủ yếu là các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư tài chính) chỉ có thể cho vay ngắn hạn với những lĩnh vực có tính đầu cơ như bất động sản, kinh doanh chứng khoán, ngoại tệ và vàng.

Với hệ số tạo tiền của kênh tín dụng ngân hàng, nếu số tiền các TCTD đã bỏ ra mua trái phiếu doanh nghiệp được tính vào dư nợ cho vay nền kinh tế thì con số này lớn hơn, gây áp lực không nhỏ lên lạm phát.

Để giảm thiểu rủi ro thanh khoản hệ thống, rõ ràng, minh bạch số liệu cấp tín dụng cho nền kinh tế, NHNN nên sớm có văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ cấp tín dụng khác, đặc biệt là hình thức mua trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ủy thác để làm cơ sở pháp lý xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai Luật TCTD năm 2010 và thực tiễn hoạt động của các TCTD.


SGTT

Tin cùng chuyên mục