“Job” chỉ có thể giúp ta tồn tại, còn “career” thì hơn thế

(ĐTCK) Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông có rất nhiều bài viết nói về sự suy giảm độ hấp dẫn của "nghề ngân hàng", về việc nhân viên ngân hàng chán nghề, bỏ việc do áp lực quá lớn từ công việc khiến họ không có đủ thời gian cho cuộc sống cá nhân... Tuy nhiên, tất cả những điều đó mới chỉ mang tính cá thể, chưa đủ để mô tả toàn bộ bức tranh tổng thể về các nhân viên ngân hàng.
Nguyễn Thanh Thủy Nguyễn Thanh Thủy

Trải qua nhiều năm gắn bó với cương vị nhân viên ngân hàng, làm việc trong môi trường SCB, tôi có thể khẳng định rằng, "nghề ngân hàng" chưa bao giờ hết hấp dẫn, chỉ đơn giản là đang phát triển tiến lên theo hướng chuyên nghiệp ngày càng cao.

Tại SCB, tôi thấy một thế hệ cán bộ nhân viên ngân hàng trẻ đầy nhiệt huyết, thể hiện quyết tâm gắn bó với nghề, đam mê và hết lòng vì công việc. Đó là những người giỏi nghiệp vụ, làm việc với tâm thế yêu nghề và luôn tràn đầy hy vọng về một tương lai tương sáng.

Tại SCB, tôi được làm việc cùng những đồng nghiệp tài năng, luôn biết cân bằng công việc để có một cuộc sống hạnh phúc. Chính họ đã giúp tôi vượt qua những áp lực chỉ tiêu và tiếp thêm động lực để tiếp tục là một nhân viên ngân hàng.

Tại SCB, tôi được làm việc trong một môi trường tuyệt vời. Đằng sau những áp lực công việc như bao nghề khác là những khoảng thời gian thư giãn với những chuyến du lịch, những cuộc thi ảnh, văn nghệ, tài năng...

Và hơn tất cả, tôi luôn tự hào và hạnh phúc khi là một cán bộ nhân viên SCB, được công tác và học hỏi tại nhiều vị trí, bộ phận khác nhau. Vì vậy, qua bài viết này, tôi muốn mạnh dạn chia sẻ đôi điều với những bạn trẻ mới chập chững bước vào nghề và đặc biệt cho những ai đang có dự định trở thành một nhân viên ngân hàng trong tương lai.

Đầu tiên, bạn cần phân biệt giữa công việc (job) và nghề nghiệp (career). "Job" chỉ có thể giúp ta tồn tại, còn "career" thì hơn thế, nó giúp chúng ta sống. Một người có thể làm nhiều công việc một lúc, nhưng chỉ sống với một nghề.

Khi bạn đã chọn con đường trở thành một nhân viên ngân hàng là bạn phải sống cùng nó. Bạn hãy xác định đó là một nghề để theo đuổi và phát triển bản thân, chứ không phải là một công việc tạm thời.

Thực tế, ngành ngân hàng đã trải qua nhiều thăng trầm, đặc biệt là sự tái cấu trúc sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, những cán bộ nhân viên còn trụ lại với nghề là những người thực sự tâm huyết với nghề nghiệp, luôn trau dồi, phát triển bản thân.

Tiếp đó, không chỉ ngân hàng, mà bất cứ ngành nghề nào cũng có áp lực công việc rất lớn. Không có nghề nào thực sự nhàn nhã cả. Trong ngân hàng, bất cứ vị trí nào đều có áp lực riêng. Để hoàn thành chỉ tiêu công việc điều tiên quyết là sự cố gắng không ngừng của mỗi cá nhân, tiếp đến là tinh thần sẵn sàng học hỏi những người đi trước.

Khi bắt đầu trở thành một nhân viên ngân hàng, bạn có thể choáng ngợp với KPIs (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) được giao. Nhưng đừng lo lắng, mà hãy xem đó là động lực để phấn đấu. Ví dụ, với một nhân viên mới vào nghề, bạn lo lắng làm sao để hoàn thành KPIs khi không có nhiều mối quan hệ. Theo tôi, thay vì lo lắng, hãy bắt tay vào công việc.

Việc đầu tiên hãy xây dựng dữ liệu khách hàng tiềm năng cho mình, có thể tìm kiếm, khai thác, mở rộng từ chính những khách hàng tại quầy, từ những người chúng ta gặp hàng ngày. Hãy nhớ rằng, bạn không nhiều mối quan hệ, nhưng bạn bè và người thân của bạn có thể có nhiều mối quan hệ khác sẽ giúp bạn hoàn thành chỉ tiêu.

Sau khi có dữ liệu, hãy mạnh dạn liên hệ và tư vấn, bạn sẽ có những khách hàng đầu tiên. Sau khi thành công và đã có những khách hàng đầu tiên, tin tôi đi, bạn sẽ chẳng còn thấy những áp lực ban đầu và sẽ vững tin trên con đường trở thành một nhân viên ngân hàng chính hiệu. Đặc biệt, đừng quên học hỏi những người đi trước, khi bạn thực sự nhiệt huyết và có tinh thần cầu thị, thì đồng nghiệp chắc chắn sẽ sẵn lòng giúp đỡ bạn.

Bằng cả tấm lòng và tâm sức của mình, hãy truyền ngọn lửa nhiệt huyết từ bạn đến với khách hàng và những người xung quanh. Cảm nhận được, những người xung quanh bạn sẽ tiếp tục lan tỏa nó ra cộng đồng, ngọn lửa đó sẽ ngày một lớn hơn, rực rỡ hơn…

Cuối cùng, vấn đề thu nhập. Rất nhiều bài báo nói thu nhập nhân viên ngân hàng rất cao, là niềm mơ ước của rất nhiều người. Điều này không sai, nhưng cũng không hoàn toàn đúng, bởi báo chí chỉ nói chung chung, chứ không thể đưa ra chi tiết. Cũng như bao ngành nghề khác, thu nhập của một nhân viên ngân hàng bao gồm lương cố định, lương kinh doanh, thưởng...

Vì thế, thu nhập cao hay thấp còn tùy thuộc vào nỗ lực của mỗi cá nhân. Hãy làm việc với đam mê và không ngại cống hiến, bạn sẽ có thu nhập xứng đáng.

Bắt đầu bất cứ sự nghiệp nào cũng có gian nan. Với bất cứ một nhân viên ngân hàng thành công nào cũng phải trải qua một thời gian nhất định để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, sau đó mới là giai đoạn trưởng thành và thăng tiến.

Ngày nay, thế hệ cán bộ nhân viên trẻ đầy tài năng, giỏi chuyên môn, giỏi nghiệp vụ và tràn đầy nhiệt huyết vẫn đang tiếp bước đàn anh vẽ nên bức tranh tươi sáng cho toàn bộ hệ thống ngân hàng Việt Nam trong tương lai. Còn bạn thì sao? Hãy theo đuổi đam mê và thành công sẽ theo đuổi bạn. 

Nguyễn Thanh Thủy, Nhân viên SCB Ba Đình
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục