IMF: “Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 13,5 tỷ USD”

Bằng việc bổ sung khoảng 900 triệu USD trong tháng 5, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đạt khoảng 13,5 tỷ USD.
Các nhà tài trợ đang hi vọng vào sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam Các nhà tài trợ đang hi vọng vào sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam sáng 9/6, đại diện IMF đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc ổn định thị trường ngoại hối những tháng qua. Đặc biệt, sự kết hợp giữa thắt chặt tín dụng và điều chỉnh tỷ giá tiền đồng hợp lý đã hỗ trợ để ổn định thị trường ngoại hối nói riêng và kinh tế vĩ mô nói chung.

 

Điều này được thể hiện khá rõ trên thị trường tài chính quốc tế khi chỉ số hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDs) của Việt Nam giảm khoảng 100 điểm cơ bản từ mức đỉnh hơn 400 điểm cơ bản hồi tháng 2 năm nay.

 

Theo số liệu của IMF, trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước đã mua bổ sung thêm 900 triệu USD, đưa tổng dự trữ ngoại hối hiện tại lên mức 13,5 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này mới tương đương nhu cầu ngoại tệ cho khoảng 1,5 tháng nhập khẩu hiện tại của Việt Nam (toàn nền kinh tế ước nhập khẩu khoảng 9,2 tỷ USD trong tháng 5). Trong khi đó, theo khuyến cáo của WB, mức dự trữ này nên được đảm bảo ở mức ít nhất là 2,5 tháng nhập khẩu.

 

Do đó, IMF cũng cho rằng, những thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rất lớn. Lạm phát đang có xu hướng tăng lên (đạt gần 20% trong tháng 5). Đặc biệt, lòng tin vào sự thành công từ các chính sách ngắn hạn của Chính phủ vẫn chưa thực sự chắc chắn. Bên cạnh đó là những mối quan ngại về sức khỏe của khu vực ngân hàng và doanh nghiệp vẫn còn khiến cho nhà đầu tư e ngại và đòi hỏi phải có lợi tức rủi ro cao khi đầu tư vào Việt Nam.

 

IMF cũng đề nghị cần phải thực hiện những biện pháp ưu tiên ngắn hạn trong việc củng cố sự tin cậy của chiến lược kinh tế vĩ mô, củng cố lòng tin của nhà đầu tư vào chiến lược của Chính phủ. Đặc biệt, các chính sách tài khóa cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn chính sách tiền tệ, giảm thâm hụt ngân sách, giảm chi tiêu công, tăng nguồn thu phi dầu mỏ…

 

Lạc quan về những triển vọng ổn định của nền kinh tế Việt Nam, IMF hy vọng và dự đoán mức thâm hụt ngân sách của Việt Nam sẽ giảm xuống còn 4% GDP trong năm 2011 và còn 3% vào năm 2015.

 

Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ vừa khai mạc sáng nay tại Hà Tĩnh với sự tham gia của gần 800 đại biểu, trong đó có 130 nhà tài trợ quốc tế. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề chính như Tái lập và ổn định nền kinh tế vĩ mô với các nội dung cụ thể là cập nhật tình hình thực hiện Nghị quyết 11 (bao gồm các nội dung về tài chính, tiền tệ, minh bạch trong tài khóa và ngân sách, hiệu quả đầu tư công và hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước...).

 

Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ thảo luận một số vấn đề như bảo vệ người nghèo trước các bất ổn kinh tế vĩ mô, chống tham nhũng trong lĩnh vực khai khoáng. Hiệu quả của các khoản tài trợ cho Việt Nam trong giai đoạn đầu năm cũng sẽ được xem xét.


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục