Huy động vốn ngoại tệ có dấu hiệu sụt giảm

(ĐTCK) Lãi suất tiết kiệm USD về 0%/năm áp dụng với tổ chức và 0,25%/năm với cá nhân, trong khi nhà điều hành cam kết sẽ giữ ổn định tỷ giá USD/VND từ nay đến cuối năm. 
Việc tích trữ ngoại tệ trong bối cảnh hiện nay được đánh giá là không có lợi Việc tích trữ ngoại tệ trong bối cảnh hiện nay được đánh giá là không có lợi

Theo các chuyên gia kinh tế, gửi tiết kiệm bằng VND hiện có lợi khi lãi suất đang nhích lên do cầu vốn nóng dần về cuối năm.

Lãi suất tiết kiệm VND được ngân hàng giảm sâu sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh trần lãi suất huy động về 5,5%/năm vào cuối năm 2014. Kể từ khi NHNN chính thức điều chỉnh trần lãi suất về 5,5%/năm đối với tiền gửi tiết kiệm bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất tiết kiệm phổ biến được các ngân hàng áp dụng ở mức 5-5,5%/năm cho kỳ hạn 1-5 tháng và 6,9-7,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên. Điều này cũng khiến người tiêu dùng có tiền nhàn rỗi băn khoăn trong việc tìm nơi gửi vốn, nhất là trước bối cảnh thị trường bất động sản đang ấm lên.

Theo TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị và Kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP. HCM, mặc dù lãi suất giảm, gửi tiết kiệm lúc này người gửi tiền vẫn được hưởng mức lãi suất thực dương, song có thể mức thực dương đó không còn cao như trước đây.

“Với những khách hàng có tiền nhàn rỗi và không muốn mạo hiểm thì tiết kiệm được lựa chọn”, ông Dương nhận xét.

Còn theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, dư địa để giảm lãi suất khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp là còn, nhưng khả năng lãi suất khó có thể giảm trong thời gian tới. Vì thế, xu hướng của khách hàng hiện nay là chọn kỳ hạn tiền gửi dài ngày để được hưởng mức lãi cao. Đây sẽ là điều kiện tốt hơn cho phía các ngân hàng trong việc cơ cấu nguồn vốn để đẩy mạnh cho vay trung, dài hạn.

Trước sự hồi phục của thị trường bất động sản và áp lực tỷ giá, nhiều người cho rằng, tiền tiết kiệm sẽ chảy qua các kênh đầu tư khác, nhất là bất động sản. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), điều đó tùy thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro và kinh nghiệm đầu tư của các nhà đầu tư ở các kênh đầu tư khác. Chẳng hạn, những người chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn dài là do e ngại rủi ro hoặc ít có kinh nghiệm đầu tư trong các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, nên lãi suất tiết kiệm giảm xuống thấp như hiện nay họ sẽ tìm ngân hàng trả lãi suất cao nhất để gửi vốn. Ngược lại, đối với các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao và có kinh nghiệm nhiều ở các kênh đầu tư khác thì khó có thể chấp nhận mức lãi suất tiết kiệm như hiện nay.

Việc tích trữ ngoại tệ trong bối cảnh hiện nay, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM chưa thực sự có lợi. Cụ thể, với Quyết định 1938/2015 của Thống đốc NHNN, có hiệu lực từ ngày 28/9/2015, lãi suất tiền gửi USD với tổ chức giảm xuống còn 0%/năm (mức cũ 0,25%/năm); lãi suất tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm (mức cũ là 0,75%/năm). Động thái này của NHNN nhằm ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ của cá nhân, tổ chức. Do đó, tiền đồng sẽ khó chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác như vàng hay ngoại tệ.

Phó tổng giám đốc ACB, ông Nguyễn Thanh Toại cũng cho rằng, huy động vốn bằng ngoại tệ của ngân hàng cũng có dấu hiệu sụt giảm trong thời gian gần đây sau khi lãi suất USD về bằng 0%/năm. Với xu hướng tín dụng dần cải thiện, khả năng lãi suất tiết kiệm tiền đồng sẽ nhích dần trong những tháng cuối năm nên khó có hiện tượng tiền tiết kiệm VND dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác, giữ VND vẫn có lợi. 

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, bất động sản chưa thể khởi sắc, cho dù đang ấm dần ở phân khúc nhà ở, nhưng rất khó phá băng thị trường nhà đất. Vàng đang giảm giá, nhưng chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước còn khá lớn, lên đến 4-5 triệu đồng/lượng, tỷ giá USD/VND được kiểm soát, vì thế, gửi tiết kiệm vẫn được xem là giải pháp an toàn.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục