Hỗ trợ lãi suất: Ngân hàng nắm đằng chuôi

(ĐTCK) Với khoản vốn cho vay theo chủ trương hỗ trợ 4%/năm lãi suất hiện nay của Chính phủ, nhiều ngân hàng khi giải ngân đã giữ lại một khoản tiền lãi dưới hình thức tài sản đảm bảo. Lý do rất đơn giản là hiện NHNN mới chỉ ứng trước 80% phần lãi được hỗ trợ, các ngân hàng thương mại đành phải… tạm giữ lại 20% của khách hàng khi cho vay. Ngân hàng nắm đằng chuôi để đảm bảo nguồn thu của mình, không chỉ trong tín dụng, các dịch vụ không sinh lời trước đây cũng đang được các ngân hàng tăng thu phí.
Các sản phẩm ngân hàng bán lẻ vẫn còn dư địa rất lớn để phát triển. Các sản phẩm ngân hàng bán lẻ vẫn còn dư địa rất lớn để phát triển.

Tạm giữ

Mặc dù không tăng phí dịch vụ trong quá trình triển khai tín dụng và cung ứng vốn, nhưng với khoản vốn cho vay theo chủ trương hỗ trợ 4%/năm lãi suất hiện nay của Chính phủ, nhiều ngân hàng đã giữ lại một khoản tiền lãi (đáng ra phải khấu trừ thẳng cho khách hàng) để làm tài sản đảm bảo cho đến khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chuyển hết 20% tiền lãi còn lại. Theo quy định tại Thông tư 02/2009/TT-NHNN, hàng tháng, NHNN chuyển tối đa 80% số lãi tiền vay đã hỗ trợ lãi suất theo báo cáo của các ngân hàng. Việc chuyển số lãi tiền vay đã hỗ trợ lãi suất còn lại trong năm 2009 được thực hiện sau khi nhận được báo cáo quyết toán về hỗ trợ lãi suất của ngân hàng thương mại.

Theo ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc ACB, hiện Ngân hàng không giữ lại số tiền lãi tương ứng mức 20%, mà khấu trừ ngay cho doanh nghiệp khi đến kỳ trả lãi. Tuy nhiên, với những khách hàng vay vốn tại ACB nằm trong đối tượng được hỗ trợ 4%/năm lãi suất, nhưng sau một thời gian ngắn (dưới 8 tháng) khách hàng tất toán khoản vay trước hạn, ACB sẽ giữ lại một khoản tiền tương ứng 20% tiền lãi NHNN giữ lại để làm tài sản đảm bảo cho đến thời điểm tất toán. Tài sản đảm bảo ở đây có thể là vốn, sổ tiết kiệm…, Ngân hàng sẽ trả lại số tiền này cho khách hàng, mà cụ thể là doanh nghiệp vay vốn.

Đại diện một ngân hàng cho biết, với số tiền lãi giữ lại của NHNN, nếu tính trên tổng vốn ngân hàng cho vay ra cũng không phải là ít. Nếu đợi đến cuối năm mới có thể quyết toán, sẽ gây không ít khó khăn cho ngân hàng. Do đó, việc giữ lại tài sản đảm bảo đối với khách hàng tất toán khoản vay trước 8 tháng để chuyển sang đơn vị khác vay vốn là điều hết sức cần thiết đối với ngân hàng.

Tăng thu

Đầu năm 2009, nguồn thu từ hoạt động tín dụng giảm khiến nhiều ngân hàng bắt đầu bước vào cuộc đua khai thác và đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ tài chính, nhất là phí từ các sản phẩm ngân hàng bán lẻ. Cụ thể, với phí rút tiền mặt tại máy ATM tự động của Vietcombank, nếu chủ thẻ sử dụng máy của ngân hàng khác ngoài hệ thống phải trả 3.300 đồng/lần giao dịch. Còn với mục đích truy vấn số dư, in sao kê và chuyển khoản, mức phí chủ thẻ phải trả là 1.650 đồng/lần giao dịch. Số tiền này sẽ trừ thẳng vào tài khoản của khách hàng.

Tại Agribank, nếu khách hàng chuyển hoặc nhận tiền bằng chứng minh  nhân dân đều phải chịu phí hai đầu. Chẳng hạn, với món tiền gửi 90 triệu đồng, người gửi tiền từ khu vực miền Trung phải chịu phí 70.000 đồng. Điều này được cho là hợp lý, bởi đây là khoản phí phải trả cho món tiền gửi qua hệ thống ngân hàng. Song người nhận khoản tiền trên đến ngân hàng cũng bị "chạc" mức phí 11.000 đồng. Mức phí này có thể gia tăng lên tối đa là 1 triệu đồng và tối thiểu là 11.000 đồng, tùy thuộc vào từng món tiền gửi khác nhau. Khi được hỏi lý do, nhân viên Agribank cho biết, đây là quy định mới của Ngân hàng và được áp dụng kể từ cuối năm 2008.

Đối với thẻ tín dụng, khách hàng đang sử dụng thẻ của DongA Bank khi có nhu cầu rút tiền mặt, nhưng qua hệ thống của ngân hàng khác thì mức phí phải trả tối thiểu là 3%/tổng số tiền rút cho một lần giao dịch. Nếu khách hàng rút tiền mặt qua hệ thống máy ATM của DongA Bank, phí phải trả là 2% (tối thiểu 40.000 đồng/lần rút)… Chủ thẻ tín dụng Vietcombank khi có nhu cầu rút tiền mặt thông qua hệ thống ngân hàng ngoài hệ thống cũng phải trả mức phí tương tự.

Ông Trịnh Thượng Thức, Trưởng phòng Thẻ tín dụng, Vietcombank cho biết, mức phí này do ngân hàng ngoài hệ thống thu và trừ trực tiếp vào tài khoản của chủ thẻ. Theo ông Thức, đây là một phần để bù đắp chi phí đầu tư hệ thống máy móc, nâng cấp thiết bị trong quá trình phục vụ khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính của ngân hàng.        

Vân Linh
Vân Linh

Tin cùng chuyên mục