Hỗ trợ lãi suất: Cần cơ cấu lại dư nợ cho vay

(ĐTCK-online) Chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất sau một thời gian thực hiện được đánh giá là đã hỗ trợ rất lớn đến doanh nghiệp. Gần đến thời điểm kết thúc gói kích cầu thứ nhất nhiều ý cho rằng nên có thêm một gói kích cầu thứ hai cho tiêu thụ nội địa, phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt bởi vẫn còn một lượng hàng hóa khá lớn đang tồn trong kho, trong khi thị trường xuất khẩu vẫn chưa có điểm sáng.
Cơ chế hỗ trợ lãi suất áp dụng trong ngắn hạn đã phát sinh tình trạng không công bằng. Cơ chế hỗ trợ lãi suất áp dụng trong ngắn hạn đã phát sinh tình trạng không công bằng.

Mặc dù vậy, trên quan điểm thận trọng, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, cần đánh giá lại các quyết định cho vay hỗ trợ lãi suất thứ nhất trước khi quyết định có gói hỗ trợ lãi suất thứ hai. Thực tế khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất thứ nhất, đã nảy sinh rất nhiều chồng chéo, không đồng bộ...  khiến ngay cả ngân hàng cũng bối rối trong việc triển khai thực hiện, thủ tục và điều kiện cho vay vẫn quá rườm rà và không thực tế.

Báo cáo tình hình thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất cuối tháng 9/2009 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, cho vay hỗ trợ lãi suất đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt kết quả thấp, do trùng lắp về quyết định hỗ trợ lãi suất, điều kiện thủ tục vay chặt chẽ trong khi mức tiền tối đa vay mua vật tư nông nghiệp 7 triệu đồng/ha không đủ chi phí sản xuất. Tính đến cuối tháng 8/2009 số dư nợ cho vay mua sắm thiết bị cơ khí vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp mới là 5.837 tỷ đồng.

NHNN cũng nhận định, cơ chế hỗ trợ lãi suất áp dụng trong ngắn hạn đã phát sinh tình trạng không công bằng. Mặt khác, với mức hỗ trợ lãi suất tiền vay 4%/năm là khá lớn trong khi đối tượng thụ hưởng thuộc nhiều khu vực ngành nghề kinh tế, nếu kéo dài sẽ phát sinh tâm lý ỷ lại, giá cả và lợi nhuận sản phẩm sẽ không phản ánh đúng năng suất hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và phát triển bền vững…

Để tạo thuận lợi cho người dân được vay vốn hỗ trợ, nhiều kiến nghị cho rằng NHNN cần phải đánh giá cơ cấu dư nợ cho vay hỗ trợ và xem xét lại ưu nhược điểm của các gói hỗ trợ cho vay ngắn hạn, dài hạn, cho khu vực nông thôn… Riêng đối với khu vực nông thôn, có ý kiến đề nghị, nên có chính sách chung của Nhà nước hỗ trợ người dân khu vực nông thôn.

Theo một quan chức thuộc Ủy ban tài chính ngân sách Quốc hội thì phần vốn chính thức từ 17.000 tỷ đồng chuyển cho các ngân hàng chưa nhiều nên số dư còn rất lớn. Ông này cho rằng, Nhà nước nên chi tiền từ ngân sách để hỗ trợ người dân mua hàng trong nước để phục vụ sinh hoạt, mua máy móc thiết bị sản xuất trong nước để phục vụ sản xuất. Nhà nước cũng cần tiếp tục hỗ trợ cho công tác xúc tiến thương mại để tìm ra các thị trường mới. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện thị trường xuất khẩu chưa phục hồi, Chính phủ cần có ưu đãi nhất định đối với những doanh nghiệp này nhằm hỗ trợ sao cho họ vẫn có thể sản xuất để phục vụ thị trường nội địa cũng như chờ thời cơ để xuất khẩu khi kinh tế thế giới phục hồi.

Ngoài ra, nguồn tín dụng đối với khu vực nông nghiệp cũng nên tiếp tục triển khai bởi các ngân hàng thương mại đã hạn chế cho vay đối với các đối tượng được hỗ trợ lãi suất ngay sau khi có chỉ đạo của NHNN về hạn chế tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm nay. Như vậy sẽ khiến nhiều dự án mới được triển khai gặp khó khăn khi thiếu vốn.

"Quy mô các dự án vay ở khu vực này là không lớn, chỉ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng nên không lo ngại các khoản vay khu vực nông nghiệp nông thôn sẽ tác động lớn đến nguy cơ lạm phát", quan chức của Ủy ban tài chính ngân sách Quốc hội nhận định.

Gia Linh
Gia Linh

Tin cùng chuyên mục