Hai cơ chế thúc đẩy nhanh chuẩn mực Basel II tại Việt Nam

(ĐTCK) Theo đề xuất của ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), tăng trưởng tín dụng và mở rộng mạng lưới là 2 cơ chế khuyến khích cần thiết dành cho các ngân hàng áp dụng sớm Thông tư 41/2016/TT-NHNN trong năm 2019 và thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngân hàng gắn liền với xử lý nợ xấu. 
VIB đã sớm triển khai áp dụng chuẩn mực Basel II. VIB đã sớm triển khai áp dụng chuẩn mực Basel II.

Ông đánh giá như thế nào về tiến trình triển khai Basel II tại Việt Nam?

Hiệp ước Basel II bắt đầu hình thành và được triển khai từ nửa cuối năm 2000, với 3 trụ cột chính: Thứ nhất, các yêu cầu có tính định lượng cao về vốn tối thiểu cần tuân thủ để các ngân hàng có đủ sức chịu đựng với các loại rủi ro, bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động; thứ hai, bộ máy kiểm soát để bảo đảm sự tuân thủ đó ở cả góc độ cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức tín dụng (TCTD); thứ ba, kỷ luật thị trường về công bố thông tin.

 Ông Hàn Ngọc Vũ

Cùng khoảng thời gian này, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 xảy ra và ảnh hưởng nặng nề tới thị trường Việt Nam, mà trước hết là hệ thống ngân hàng thương mại, kênh dẫn vốn chủ yếu cho nền kinh tế.

Gánh nặng bảo vệ người gửi tiền và cổ đông tại các TCTD chủ yếu là với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong khi nhiều trách nhiệm bị bỏ qua bởi những người quản lý trực tiếp tại các ngân hàng vì nhiều lý do khác nhau.

NHNN đã xác định sự cần thiết phải tăng cường xây dựng và áp dụng các chuẩn mực quốc tế mới cho việc quản lý hệ thống ngân hàng ở cả góc độ quản lý vi mô tại TCTD lẫn quản lý vĩ mô của các cơ quan chức năng và Basel II được xác định là phù hợp cho việc đưa vào nghiên cứu áp dụng ở Việt Nam.

Việc đề xuất với Chính phủ, Quốc hội để đưa yêu cầu áp dụng chuẩn mực Basel II tại hệ thống ngân hàng Việt Nam vào Chiến lược phát triển ngành ngân hàng của Chính phủ, các nghị quyết của Quốc hội, việc thành lập Ban chỉ đạo triển khai áp dụng Basel II của NHNN với sự tham gia của 10 ngân hàng thí điểm từ đầu năm 2010, trong đó có VIB, thể hiện sự quyết tâm của NHNN trong việc đưa các chuẩn mực quốc tế tốt và phù hợp vào áp dụng ở Việt Nam. 

Tầm quan trọng của việc triển khai Basel II là không phải bàn cãi, nhưng tiến trình áp dụng còn chậm. Theo ông, cần có cơ chế khuyến khích nào để thúc đẩy các nhà băng đầu tư nguồn lực, sớm triển khai thành công Basel II?

Thực tế cho thấy, việc triển khai áp dụng các chuẩn mực quốc tế có độ phức tạp cao như Basel II vào ngành tài chính - ngân hàng trong một nền kinh tế cận biên như Việt Nam đòi hỏi cả sự quyết tâm cao lẫn trí tuệ của nhà quản lý vĩ mô, khi mà các chuẩn mực của phiên bản thấp hơn là Basel I còn xa lạ đối với hệ thống tài chính - ngân hàng ở nước ta.

Việc áp dụng chuẩn mực Basel II tại các ngân hàng trước hết là quyền lợi của mỗi ngân hàng do tính hữu dụng trong việc quản lý rủi ro và chất lượng hoạt động, trong việc tạo niềm tin cho người gửi tiền nói riêng và khách hàng nói chung, cho các nhà đầu tư, cho cơ quan quản lý nhà nước và cũng là cho xây dựng danh tiếng, thương hiệu của mỗi ngân hàng.

Mặt khác, đối với các cơ quan quản lý nhà nước, bao gồm NHNN, việc áp dụng rộng rãi các chuẩn mực Basel II vừa nằm trong khuôn khổ triển khai pháp luật, vừa nằm trong chiến lược phát triển ngành ngân hàng lên một tầm cao mới, theo kịp với các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới. Do vậy, việc tạo ra các cơ chế khuyến khích để các ngân hàng quyết liệt đầu tư nguồn lực vào triển khai là vô cùng quan trọng.

Chúng tôi đánh giá cao định hướng cơ chế khuyến khích mang tính thị trường mà NHNN đã đưa ra. Theo đó, NHNN nhất quán chủ trương về việc có cơ chế khuyến khích cho các ngân hàng áp dụng sớm các chuẩn mực vốn tại Thông tư 41 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bao gồm các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, mở rộng mạng lưới, các loại cấp phép hoạt động.

Với việc có 2 ngân hàng đầu tiên được Thống đốc cấp quyết định ghi nhận áp dụng sớm Thông tư 41, chúng tôi mong muốn NHNN sẽ sớm đưa chủ trương thành hiện thực để khuyến khích các ngân hàng bỏ thêm nguồn lực đầu tư cho việc triển khai áp dụng, hoặc nếu đã triển khai áp dụng như VIB và Vietcombank thì tiếp tục đầu tư cho các chuẩn mực cao hơn của Basel II mà NHNN sẽ sớm ban hành quy định. 

Cụ thể hơn, ông sẽ đề xuất những vấn đề gì?

Thứ nhất, đối tượng áp dụng: Các ngân hàng áp dụng sớm Thông tư 41 ngay trong năm 2019 và thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngân hàng gắn liền với xử lý nợ xấu;

Thứ hai, cơ chế khuyến khích về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng: Được giao chỉ tiêu “động”, tức là ngân hàng tự quản lý tốc độ tăng trưởng tín dụng theo khả năng đáp ứng về vốn, với điều kiện phải tuân thủ cùng lúc chuẩn mực vốn quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN và Thông tư 41, đồng thời không vi phạm các quy định an toàn khác của NHNN;

Thứ ba, cơ chế khuyến khích về chỉ tiêu mở rộng mạng lưới: Được phép mở tối đa 15 chi nhánh tại mỗi khu vực nội thành Hà Nội hoặc TP. HCM, thay vì chỉ 10 chi nhánh như hiện tại, với điều kiện vẫn phải tuân thủ các yêu cầu về vốn quy định tại Thông tư 21/2017/TT-NHNN.

Chúng tôi cho rằng, việc yêu cầu các chỉ tiêu tăng trưởng đáp ứng các chuẩn mực vốn, bao gồm cả tăng trưởng tín dụng và mạng lưới hoạt động, sẽ giảm bớt quản lý hành chính, tăng quản lý theo cơ chế thị trường. Đồng thời, thúc đẩy các ngân hàng tăng vốn, tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào các ngân hàng sớm áp dụng chuẩn mực tiên tiến, tạo thêm điều kiện cho sự thành công của việc triển khai Thông tư 41.

Song song với đó là thúc đẩy giải quyết toàn bộ nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC), góp phần hoàn tất Đề án tái cấu trúc ngành ngân hàng gắn liền với xử lý nợ xấu và Chiến lược phát triển ngành ngân hàng mà Quốc hội và Chính phủ đã thông qua. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn được kiểm soát tốt vì các chuẩn mực vốn theo Thông tư 41 sẽ ngặt nghèo hơn nhiều, không dễ cho các ngân hàng có thể tăng trưởng nếu không có năng lực bổ sung vốn chủ sở hữu. 

VIB là ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đầu tiên được Thống đốc cấp quyết định ghi nhận áp dụng sớm Thông tư 41. Động lực nào khiến Ban lãnh đạo VIB đưa ra quyết định “sống còn” này?

Để thực sự là một ngân hàng có chất lượng cao, ngân hàng đó phải có quy mô lớn trong phân khúc khách hàng mà mình lựa chọn, có tốc độ tốt về tăng trưởng kinh doanh phục vụ khách hàng và tăng trưởng lợi nhuận cho cổ đông, song trước tiên phải có một hệ thống quản trị tốt để bảo đảm sự phát triển bền vững cho tất cả các bên liên quan.

Đây là quan điểm xuyên suốt của các cổ đông trọng yếu của VIB, bao gồm cả cổ đông trong nước lẫn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, có ảnh hưởng quan trọng tới việc lựa chọn con người và chiến lược phát triển tại Ngân hàng.

Chính vì vậy, HĐQT VIB đã thảo luận và bắt tay vào triển khai áp dụng nội bộ một số chuẩn mực Basel II từ đầu năm 2010, thời điểm chưa có sự hỗ trợ về hành lang pháp lý.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục